Thảm họa hạt nhân Zaporizhzhya treo lơ lửng và nguy cơ bùng nổ Thế chiến III

Kiều Anh |

Trong khi Nga và Ukraine cáo buộc qua lại lẫn nhau về các hành vi phá hoại có chủ đích nhắm vào nhà máy điện hạt Zaporizhzhya thì thế giới đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng môi trường cũng như nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Thảm họa hạt nhân Zaporizhzhya có thể dẫn đến Thế chiến III?

Hội đồng Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) ngày 25/8 đã tổ chức cuộc họp đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 để thảo luận về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.

"Những người nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya nên nhận thức rõ rằng đây có thể là một tai nạn trên quy mô hành tinh chứ không phải chỉ ở Ukraine hay châu Âu. Chúng ta phải làm mọi thứ để giải thích cho những người này hiểu và buộc họ tuân thủ tất cả các biện pháp an ninh", lãnh đạo đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov nói.

Thảm họa hạt nhân Zaporizhzhya treo lơ lửng và nguy cơ bùng nổ Thế chiến III - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Ukraine đã phủ nhận những cáo buộc của Nga rằng nước này nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân và thay vào đó cáo buộc lại rằng Nga mới là bên đang tiến hành các cuộc tấn công vào bên trong và xung quanh nhà máy điện này. Trong khi Nga và Ukraine cáo buộc qua lại lẫn nhau về các hành vi phá hoại có chủ đích vào nhà máy Zaporizhzhya thì thế giới đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng môi trường cũng như nguy cơ một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Mặc dù kịch bản về một thảm họa hạt nhân vẫn là một viễn cảnh xa vời nhưng chừng nào giao tranh còn tiếp diễn quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Đông Nam Ukraine thì chứng đó vẫn còn những lo ngại bởi bất kỳ tính toán sai lầm đều có thể dẫn đến một thảm họa với tác động trên quy mô toàn cầu và tổn thất về kinh tế kéo dài hàng thế kỷ.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra những cảnh báo ảm đạm về nguy cơ thảm họa hạt nhân trong khi những người có lập trường cứng rắn ở Nga và NATO cho rằng một sự kiện như vậy có thể dẫn đến cuộc chiến tranh trên quy mô rộng hơn.

"Bất kỳ sự phá hủy có chủ đích nào gây ra rò rỉ phóng xạ ở lò phản ứng hạt nhân tại Ukraine đều sẽ đồng nghĩa với việc vi phạm Điều 5 của Hiến chương NATO", một nghị sĩ Anh nhận định khi muốn ám chỉ đến nguyên tắc "phòng thủ tập thể", cho phép các thành viên của liên minh triển khai lực lượng quân sự để bảo vệ lẫn nhau.

Một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã diễn ra chiều 23/8 ở New York để thảo luận về tình hình nhà máy Zaporizhzhya. Cả Nga và Ukraine đều khẳng định họ muốn kết thúc xung đột nhưng mỗi bên cũng cho rằng đối phương đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công "cờ giả" và gây ra sự cố hạt nhân.

Mục tiêu chiến lược quan trọng của Nga và Ukraine

Trong khi đó, các cuộc tấn công vào nhà máy Zaporizhzhya vẫn tiếp diễn và có một thực tế rằng việc kiểm soát nhà máy này là một mục tiêu chiến lược quan trọng với cả hai bên. Nga và Ukraine đều không muốn từ bỏ nhà máy Zaporizhzhya, bất chấp việc Nga đang kiểm soát cơ sở này và nguồn điện vẫn được cung cấp cho các hộ gia đình ở Ukraine.

Trên thực tế, bất kỳ vụ nổ nào tại khu vực nhạy cảm của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya nằm ở bờ sông Dnipro cách Bán đảo Crimea hơn 160 km đều có thể khiến chất thải phóng xạ phát tán trong một khu vực rộng lớn của châu Âu.

"Không phải nói quá khi cho rằng một tên lửa đi lạc hay một cuộc pháo kích kéo dài vào các khu vực đang vận hành tại nhà máy điện trên đều có thể là một thảm họa", Lewis Blackburn - nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm của Đại học Sheffield nhận định.

Sự lan rộng của các phân tử phóng xạ bị ion hóa được quyết định bởi các yếu tố môi trường như hướng gió và độ ẩm trong không khí. Các nhà nghiên cứu Ukraine đã xây dựng một mô hình cho thấy các phân tử phóng xạ sẽ lan rộng như thế nào, theo đó, chúng có thể lan sang các nước láng giềng của Ukraine như Ba Lan và các nước vùng Baltic chỉ trong chưa đầy 24 giờ.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới tính mạng và cuộc sống của hàng triệu người tại nhiều nước. Thảm họa hạt nhân ở nhà máy Zaporizhzhya có thể trở thành thảm họa Chernobyl hoặc Fukushima thứ hai.

Trong những tuần qua, Nga và Ukraine đã không ngừng đổ lỗi cho nhau về "hành vi khiêu khích" hoặc "hành vi khủng bố". Moscow tuyên bố: "Quân đội Nga không triển khai bất kỳ vũ khí hạng nặng nào ở nhà máy điện hạt nhân này hoặc các khu vực lân cận nó. Nga đang tiến hành tất cả biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya".

Một nhà máy điện hạt nhân hoạt động an toàn rõ ràng sẽ hữu ích hơn một nhà máy bị phá hủy và bị rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài. Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine không chỉ muốn sở hữu nhà máy này mà còn muốn kiểm soát lượng điện mà nó tạo ra. Hiện nay, Nga kiểm soát cơ sở vật chất của nhà máy Zaporizhzhya trong khi Ukraine kiểm soát lượng điện mà nó tạo ra - vốn chiếm tới 20% trong toàn bộ nguồn cung điện của nước này.

Lần gần đây nhất nhà máy Zaporizhzhya dừng hoạt động là vào năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, dẫn tới cắt điện luân phiên ở Ukraine. Việc mất đi nguồn điện này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ukraine, vốn đã chịu tổn thất đáng kể do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các cảng biển ở Biển Đen bị phong tỏa và các nhà máy giảm sản xuất.

Chính phủ Ukraine hiện phụ thuộc vào các khoản quyên góp quốc tế để tiến hành các hoạt động cơ bản như thanh toán lương hưu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngân hàng Thế giới trong tháng này đã cung cấp 4,5 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế bổ sung cho Ukraine nhằm "đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp do chiến tranh tạo ra".

"Có một câu chuyện vĩ mô đằng sau liên quan đến chiến tranh kinh tế và nhà máy điện này là một phần trong đó. Nga đang cố gắng ngăn cản Ukraine tiến hành các hoạt động hành chính và kinh tế cần thiết để vận hành đất nước”, Mick Ryan - một chiến lược gia quân sự, đồng thời từng là một vị tướng phục vụ trong Quân đội Australia cho hay.

Giành lại nhà máy Zaporizhzhya sẽ là một trong những mục tiêu chính của Ukraine nhằm giành lại phần lãnh thổ rơi vào tay Nga. Điều đó tức là sẽ có nhiều cuộc giao tranh hơn ở trong và xung quanh nhà máy này, dẫn tới nguy cơ của một thảm họa hạt nhân ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy Ukraine đang tăng cường tấn công vào các lực lượng Nga tại các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát. Những nỗ lực nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, bên cạnh nhắm vào quân đội và các trang thiết bị quân sự, là một phần của chiến lược này.

"Tôi bắt đầu nghĩ rằng chiến dịch phản công đã diễn ra trong những tháng qua mà chúng ta không nhận ra điều đó", ông Ryan cho hay.

Nhà phân tích Michael Kofman, giám đốc chương trình Nghiên cứu về Nga tại CNA cũng có đồng quan điểm khi cho rằng: "Tôi không nghĩ sự gia tăng các cuộc tấn công vào Crimea và Kherson là trùng hợp. Theo tôi, đây là một phần trong chiến lược của Ukraine nhằm định hình môi trường chiến đấu. Mục tiêu của Ukraine là làm suy giảm khả năng quân sự của Nga tại những khu vực quan trọng cũng như tấn công vào các tuyến hậu cần ở Kherson và Crimea".

Theo nhà quan sát Ryan, mặc dù Nga và Ukraine đều không chủ ý nhắm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya nhưng bất kỳ tính toán sai lầm nào đều có thể xảy ra mà chúng ta không lường trước được./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại