Thảm họa hạt nhân: Từ 'vùng đất chết Chernobyl' tới nguy cơ ngày càng hiện hữu

Hoàng Trang |

Giờ đây, nguy cơ lặp lại thảm họa Chernobyl tại Ukraine vẫn đang hiện hữu, với những rủi ro tại nhà máy Zaporizhzhia cùng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân giữa các bên xung đột.

Thảm họa hạt nhân: Từ vùng đất chết Chernobyl tới nguy cơ ngày càng hiện hữu - Ảnh 1.

Nhà máy điện Chernobyl hoang tàn sau vụ nổ. Ảnh: AFP

Sáng sớm 26/4/1986, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (trước đây thuộc Liên Xô) đã phát nổ, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Gần 40 năm trôi qua, các nhà nghiên cứu khoa học và điều tra viên của chính phủ vẫn còn vô số câu hỏi bị bỏ ngỏ về sự cố tại nhà máy Chernobyl, đặc biệt là về những tác động sức khỏe lâu dài mà vụ rò rỉ phóng xạ gây ra cho những người bị phơi nhiễm.

Vụ nổ lò phản ứng trong quá trình thử nghiệm an toàn này đã trực tiếp cướp đi sinh mạng của khoảng 30 người. Tuy nhiên, có tới hàng nghìn người được cho là đã tử vong sau đó do nhiễm độc phóng xạ trên khắp Ukraine cũng như nước láng giềng Belarus ở phía Bắc và Nga ở phía Đông.

Hậu quả của vụ nổ vẫn kéo dài trong hàng chục năm qua, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Theo giới chức khoa học, tình trạng các bệnh ung thư gia tăng đột biến trong nhiều năm qua ở những khu vực gần đó, đặc biệt là ung thư tuyến giáp.

Hiện con số nạn nhân chính thức trong thảm họa này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người đã tử vong do nhiễm độc phóng xạ ở các nước Ukraine, Nga và Belarus.

Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace một năm sau đó cho thấy khoảng 100.000 người đã mất đi mạng sống do thảm họa này. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xảy ra thảm họa và Vùng Cấm Chernobyl vẫn là "vùng đất chết".

Giờ đây, nguy cơ lặp lại thảm họa Chernobyl thứ hai tại Ukraine đang hiện hữu. Và nhà máy Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - chính là tâm điểm của sự chú ý lần này.

Nguy cơ từ nhà máy Zaporizhzhia

Thảm họa hạt nhân: Từ vùng đất chết Chernobyl tới nguy cơ ngày càng hiện hữu - Ảnh 3.

Binh sĩ Nga đứng canh gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Ukraine, tháng 5/2022. Ảnh: AP

Trang Euronews đưa tin kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã nhiều lần đánh sập lưới điện của quốc gia láng giềng, gây mất điện tại nhà máy Zaporizhzhia, nơi cần duy trì nguồn năng lượng ổn định để làm mát các lò phản ứng.

Ngày 9/3/2023, nhà máy này bị mất điện lần thứ 6 trong vòng một năm, buộc các kỹ sư hạt nhân phải chuyển sang sử dụng máy phát điện diesel khẩn cấp để cấp năng lượng cho các thiết bị làm mát thiết yếu.

Thời điểm đó, ông Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc (IAEA), cảnh báo: "Mỗi lần như vậy là một rủi ro. Và nếu chúng ta cho phép việc đó tiếp diễn hết lần này đến lần khác, thì một ngày nào đó, may mắn của chúng ta sẽ chấm dứt”.

Ngày 27/3, tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Giám đốc IAEA đã nhắc lại rằng tình hình không khá hơn chút nào, do giao tranh không ngừng xảy ra gần nhà máy Zaporizhzhia.

Cơ quan giám sát của IAEA đã kêu gọi thành lập một “khu vực bảo vệ” xung quanh nhà máy nhưng không đưa ra được các điều khoản có thể làm hài lòng cả Ukraine và Nga.

Ngày 28/3, ông Grossi nói với hãng AP vào rằng ông tin rằng các bên đã cận kề việc đạt được thỏa thuận liên quan đến nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Thế nhưng, Tổng thống Zelensky, người phản đối mọi kế hoạch hợp pháp hóa quyền kiểm soát của Nga đối với cơ sở này, lại bày tỏ sự thiếu lạc quan về một thỏa thuận tiềm năng trước mắt.

Jan Haverkamp, chuyên gia chính sách năng lượng và năng lượng hạt nhân cấp cao của tổ chức Greenpeace cho biết:

“Tôi hiểu sự hoài nghi của ông Zelensky. Nếu IAEA có thể làm trung gian một thỏa thuận, họ sẽ phải lưu ý rằng tất cả quân đội Nga và nhân viên tập đoàn Rosatom sẽ phải rời khỏi địa điểm đó, và nó được trao lại cho Ukraine kiểm soát". Ông Haverkamp không cho rằng kịch bản này sẽ xảy ra sớm.

Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế để chịu được nhiều rủi ro, nhưng chưa từng có nhà máy điện hạt nhân nào đang hoạt động lại bị cuốn vào chiến tranh hiện đại.

Do các vụ đụng độ lặp đi lặp lại, lò phản ứng cuối cùng của Zaporizhzhia đã bị đóng cửa vào tháng 9/2022 để phòng ngừa. Nhưng nguồn điện bên ngoài vẫn rất cần thiết để chạy các hệ thống làm mát quan trọng và an toàn khác.

“Tôi sợ rằng mọi quốc gia hạt nhân ở châu Âu vào thời điểm này đều chưa chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố”, ông Jan Haverkamp nói.

Các lò phản ứng điện hạt nhân của châu Âu đang xuống cấp. Trung bình chúng được xây dựng cách đây 36,6 năm. Các cuộc kiểm tra gần đây ở Pháp đã phát hiện vết nứt tại một số cơ sở.

Nhiều chuyên gia năng lượng đã cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với 103 lò phản ứng hạt nhân của EU, chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện được tạo ra trong khối.

Một thực tế quan trọng cần xem xét khi nhắc đến rủi ro của thảm họa nhà máy hạt nhân là nó bất chấp biên giới về mặt chính trị. Và quy mô rò rỉ phóng xạ còn bị ảnh hưởng bởi sức gió nên rất khó dự đoán bức xạ sẽ phát tán bao xa và đến đâu.

Học giả người Mỹ, Tiến sĩ Irwin Redlener cho biết: “Một tan chảy quy mô lớn tại Zaporizhzhia sẽ là một thảm họa đối với châu Âu, và trớ trêu thay, đối với cả miền Tây nước Nga. Chúng ta chẳng thể làm gì để đối phó hiệu quả với hậu quả của thảm họa đó, ngoại trừ ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu”.

Những lo ngại về sự an toàn của nhà máy Zaporizhzhia đã rối ren thêm mối lo hiện có xung quanh thực tế rằng chúng ta thiếu chuẩn bị cho các sự cố hạt nhân, không chỉ liên quan đến chiến tranh mà còn về biến đổi khí hậu và các lò phản ứng cũ của châu Âu chẳng hạn.

Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có nên hoàn toàn dựa vào năng lượng hạt nhân hay không.

Các lò phản ứng điện hạt nhân của châu Âu đang xuống cấp. Trung bình chúng được xây dựng cách đây 36,6 năm. Các cuộc kiểm tra gần đây ở Pháp đã phát hiện vết nứt tại một số cơ sở.

Nguy cơ từ vũ khí hạt nhân

Thảm họa hạt nhân: Từ vùng đất chết Chernobyl tới nguy cơ ngày càng hiện hữu - Ảnh 5.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Ảnh: AFP

Hồi đầu tháng 4, Nga đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thảm họa Chernobyl lặp lại ở Ukraine do nguồn viện trợ vũ khí từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo tạp chí Newsweek, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc các đồng minh NATO cung cấp cho Kiev vũ khí tiên tiến để giúp nước này chống lại chiến dịch của Nga, hiện đã bước sang năm thứ hai mà chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bà Zakharova cho rằng việc Anh quyết định gửi đạn urani nghèo tới Ukraine để dùng cho xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 là động thái gây leo thang hạt nhân, cũng như đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với người Ukraine cũng như người Nga.

“Vương quốc Anh, bằng cách cung cấp vũ khí urani nghèo cho Ukraine, muốn biến lãnh thổ đó thành một vùng đất hoang tàn và khô cằn”, bà Zakharova nói.

Đề cập đến các khu vực ở miền Bắc Ukraine trở nên không thể sinh sống được sau thảm họa Chernobyl, bà Zakharova lưu ý: "Sẽ không có tiếng Nga ở đó, cũng không có tiếng Ukraine, chỉ có sự im lặng. Giống như ở Pripyat và Chernobyl”.

Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng đạn urani nghèo có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại.

Người phát ngôn cho biết: “Quân đội Anh đã sử dụng urani nghèo trong các loại đạn xuyên giáp suốt nhiều thập kỷ. Đó là một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. Nga biết điều này nhưng đang cố tình đánh lạc hướng”.

Nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học đã đánh giá rằng nếu việc sử dụng đạn uranium nghèo gây ra bất kỳ tác động nào đối với sức khỏe và môi trường thì nó cũng ở mức thấp.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, các loại đạn chống giáp urani nghèo đã được sử dụng phổ biến trong nhiều thập kỷ qua. Đạn uranium đặc hơn và nặng hơn chì, nhưng lại nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là lớp vỏ tạo ra nhiều động năng hơn nhưng lại ít lực cản hơn.

Khi tiếp xúc với lớp giáp, các bộ phận của viên đạn sẽ bong ra và tự mài sắc, khiến đường đi của chúng trở nên nguy hiểm hơn. Chúng cũng vốn là chất gây cháy nổ.

Quyết định của Anh đã khiến Điện Kremlin giận dữ. Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân. Nhưng điều này nhanh chóng bị các quan chức phương Tây bác bỏ.

Trong bài báo đăng trên tờ Izvestia ngày 27/2, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Mevedev cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ dẫn đến “ngày tận thế” hạt nhân đối với toàn nhân loại.

Ông Mevedev nói: “Mỹ và các đồng minh tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine và ngăn chặn mọi nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev.

Họ không muốn hiểu rằng mục tiêu của họ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại hoàn toàn, mất mát cho tất cả mọi người. Sự tàn vong. Ngày tận thế. Nơi bạn quên đi cuộc sống trước đây của mình trong nhiều thế kỷ, cho đến khi đống đổ nát ngừng phát ra bức xạ”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Điện Kremlin có thể tránh được mối nguy hiểm tiềm tàng từ đạn urani nghèo gây ra bằng cách rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine.

“Tôi nghĩ điều thực sự đang diễn ra ở đây là Nga không muốn Ukraine hạ gục xe tăng của họ”, ông Kirby nhấn mạnh.

Các quan chức Nga đã nhiều lần ám chỉ đến các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại liên quan đến việc xử lý và sử dụng vũ khí urani nghèo.

Bom, đạn uranium có thể làm tàn dư bức xạ tồn tại lâu dài ở các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bức xạ này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không.

IAEA cho hay urani nghèo ít phóng xạ hơn so với urani tự nhiên. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Tạp chí Y học Anh năm 2021 đã phát hiện mối liên hệ có thể có giữa việc tiếp xúc với urani nghèo và hậu quả bất lợi cho sức khỏe ở những người dân Iraq bị phơi nhiễm từ những năm 1990 và 2000.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại