Thám hiểm "địa ngục băng" ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại!

Công Khanh |

Năm 1911, đoàn thám hiểm gồm 31 người do Douglas Mawson dẫn đầu, nhận nhiệm vụ khám phá vùng đất Nam Cực. Đây là chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Sau khi đặt chân đến Nam Cực, đoàn thám hiểm chia thành những đội nhỏ gồm 3 thành viên, phân thành các hướng khám phá vùng đất bí ẩn này. Đội thám hiểm Viễn Đông - do Douglas Mawson dẫn đầu, nhận nhiệm vụ thám hiểm vùng đất phía đông của Nam Cực.

Mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ cho tới ngày thứ 35 của cuộc hành trình, khi đội thám hiểm đối mặt với một hố băng "tử thần". Cuối cùng, trong số 3 thành viên ban đầu của đội thám hiểm, chỉ một mình Mawson sống sót trở về.

Cho tới nay, câu chuyện của Mawson vẫn là một huyền thoại về sức chịu đựng của con người, và là một trong những câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại.

Bài viết dưới đây của David Roberts, phóng viên National Geographic, sẽ giúp chúng ta cảm nhận được những cung bậc cảm xúc của hành trình huyền thoại này:

Hố băng tử thần

Mawson nghe thấy tiếng rên rỉ yếu ớt của một con chó ở phía sau. Anh nghĩ nó là của một trong 6 con husky đang kéo xe trượt.

Nhưng khi Mertz, người đi thám thính phía trước suốt buổi sáng dừng lại và quay lại kiểm tra, Mawson đã nhìn thấy ánh mắt hoảng hốt của anh ta. Anh quay lại nhìn. Cao nguyên băng rộng lớn chỉ có dấu vết từ chiếc xe trượt của Mawson. Vậy chiếc xe trượt còn lại đang ở đâu?

Mawson vội vã đi bộ dọc theo vết xe trượt. Đột nhiên, nó dẫn anh đến mép một hố băng rộng 3,3 m. Ở phía xa, hai vết xe trượt riêng rẽ dẫn tới hố. Đến gần hơn, chỉ còn lại một.

Đó là ngày 14 tháng 12 năm 1912. Ba mươi tuổi và đã là một nhà thám hiểm dày dạn kinh nghiệm, Douglas Mawson là lãnh đạo của Đoàn thám hiểm Nam Cực Australia (AAE), một nhóm 31 người theo đuổi một cuộc thăm dò đầy tham vọng ở lục địa phía nam.

Mawson đã quyết tâm khám phá mọi thứ có thể về một khu vực dài 3.200 km ở Nam Cực, là nơi có các dữ liệu khoa học tốt nhất - về địa chất, khí tượng học, từ tính, sinh học, khoa học khí quyển, và các sông băng.

Dựng trại bên một bờ vịnh mà họ đặt tên là Vịnh Commonwealth, những nhà thám hiểm của AAE đã trải qua những mùa đông khắc nghiệt ở nơi mà sau này người ta đã chứng minh được là nơi có sức gió mạnh nhất trên Trái đất, lên tới hơn 320 km/h.

Đôi khi, những cơn gió mạnh đến nỗi thổi bay những người đàn ông, khiến họ trượt dài trên mặt băng.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 1.

Khuôn mặt của Cecil Thomas Madigan, một nhà khí tượng học, gần như bị bao phủ bởi sương giá. Nam Cực vốn nổi tiếng là nơi có thời tiết khắc nghiệt với sức gió có thể đạt tới 320 km/h và nhiệt độ mùa đông thường ở ngưỡng -28 độ C hoặc lạnh hơn.

Được thành lập vào tháng 11 năm 1912, đội thám hiểm của Mawson là một trong 8 đội (mỗi đội gồm 3 người) nhận nhiệm vụ thám hiểm Nam Cực theo mọi hướng có thể.

Đối với đội Viễn Đông của mình, Mawson đã chọn Xavier Mertz, nhà vô địch trượt tuyết Thụy Sĩ 29 tuổi và Belgrave Ninnis, một người đầy khát vọng, dễ mến từng phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Anh.

Cùng nhau, họ bị cuốn hút vào một cuộc hành trình khám phá những điều chưa biết.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 2.

Đội của Archibald Hoadley, Sydney Jones và George Dovers là một trong tám đội được phái đi theo các hướng khác nhau để lập bản đồ Nam Cực. Chỉ có 2 người trong đoàn thám hiểm đã từng đến Nam Cực trước đây, và một số còn chưa từng thấy tuyết.

Vào buổi sáng ngày 14 tháng 12, đã 35 ngày trôi qua, bộ ba đã đi được một quãng đường hơn 480 km tính từ trại của họ.

Ba người đàn ông đã vượt qua hai sông băng lớn và vô số những khe nứt ẩn - những hố băng sâu được ngụy trang bởi những cây cầu băng mỏng. Ngay sau buổi trưa hôm đó, Mertz đã phát hiện ra một khe nứt khác.

Mawson đánh giá nó chỉ là một trở ngại nhỏ khi chiếc xe trượt tuyết của anh nhẹ nhàng lướt qua cầu. Anh gọi cảnh báo cho Ninnis và trong cái nhìn cuối cùng, anh đã thấy người đồng đội của mình đâm đầu vào khe nứt thay vì đi chéo qua.

Bây giờ, Mawson và Mertz cắt bỏ một chút miệng của hố băng, thả mình cùng sợi dây thừng vào trong vực thẳm.

Những gì họ thấy thật kinh hoàng. Ở độ sâu 45 m, một con husky đang hấp hối trong đó, lưng của nó rõ ràng đã bị gãy. Một con khác, dường như đã chết, nằm ngay bên cạnh. Một vài miếng bánh vương vãi xung quanh.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 3.

Là biểu tượng của sức mạnh và sức chịu đựng, với bộ lông dày có thể chống chọi lại thời tiết băng giá, giống chó husky ở đảo Greenland được lựa chọn để kéo xe trượt trong cuộc thám hiểm Nam Cực.

Không có bất cứ dấu hiệu nào của Ninnis hay chiếc xe trượt.

Trong suốt 3 tiếng đồng hồ, Mawson và Mertz cố gắng gọi vào trong hố sâu, hy vọng sẽ có tiếng đáp lại. Họ không có đủ dây thừng để hạ thấp mình vào trong hố băng để tìm kiếm người bạn đồng hành.

Cuối cùng họ đành chấp nhận điều không thể tránh khỏi - Ninnis đã chết. Ra đi cùng với anh là những thiết bị quan trọng nhất của nhóm, bao gồm: lều dành cho 3 người, 6 con husky khỏe nhất, tất cả thức ăn cho chó và gần như tất cả thức ăn dành cho người.

Sinh tồn ở địa ngục băng

Hai người đàn ông có thể chết ngay trong đêm đầu tiên nếu họ không tìm được nơi trú ẩn. Để chống chọi với nhiệt độ gần -18 độ C, họ dựng một túp lều bằng chiếc khung của chiếc xe trượt và ván trượt tuyết của Mertz.

Bên trong túp lều tạm bợ này, họ đặt chiếc túi ngủ bằng da tuần lộc của họ trực tiếp trên nền băng. Vì chật chội và mỏng manh, túp lều chỉ cho phép một người di chuyển tại một thời điểm, và không thể có hơn một chỗ ngồi.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 4.

Vào mùa hè, một đội thám hiểm dựng một cái lều trong gió - một nhiệm vụ có thể mất hơn 1 tiếng đồng hồ trước những cơn gió mạnh thổi không ngừng ở Nam Cực.

Mawson nhanh chóng lập kế hoạch cho cuộc hành trình trở về căn cứ. Trong những ngày đầu tiên, nhờ lượng adrenaline, họ đã đi được một quãng đường dài. Tuy nhiên, trong 2 tuần tiếp theo, lũ chó nhanh chóng ra đi từng con một.

Khi George, sau đó là Johnson và Mary không còn khả năng kéo xe nữa, họ đã đặt chúng lên chiếc xe trượt, và tại nơi hạ trại đêm đó, họ đã kết liễu chúng bằng khẩu súng trường.

Tuyệt vọng khi lượng thực phẩm dần cạn kiệt, hai người đàn ông đã quyết định ăn thịt những chú chó cưng của mình. Sau đó, họ ném xương và da cho những con husky còn lại, và chúng đã ăn ngấu nghiến.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 5.

Blizzard, chú chó con sinh ra trong cuộc thám hiểm, cuối cùng đã bị giết do không có đủ sức để kéo xe và các nhà thám hiểm cũng không còn đủ thức ăn.

Mawson cố gắng động viên tinh thần của người đồng đội, hứa sẽ trở lại Úc một cách an toàn. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 25 tháng 12, Mawson đánh thức Mertz để chúc anh một Giáng sinh an lành.

"Tôi hy vọng còn sống để chia sẻ nhiều lễ Giáng sinh vui vẻ với người bạn Mawson của mình", Mertz viết trong nhật ký.

Hiện giờ, chỉ còn Ginger, con chó can trường nhất trong đám husky, còn sống sót. Hai người đàn ông cùng kéo xe bên cạnh chú chó của mình, và họ hoàn toàn kiệt sức chỉ sau vài cây số. Những rặng tuyết cứng gọi là sastrugi, cao tới 1m, liên tục lật úp chiếc xe trượt.

Để giảm trọng lượng, họ đã ném đi nhiều vật dụng - dây thừng, súng trường, và đau đớn nhất, chiếc máy ảnh của Mawson cùng các cuộn phim ghi lại cuộc hành trình tiên phong của bộ ba.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 6.

Hai thành viên của đội thám hiểm đang kéo chiếc xe trượt bằng tay. Việc di chuyển trên cao nguyên ở Nam Cực tốn rất nhiều thời gian và công sức với những khe nứt, khối băng và sastrugi - những rặng tuyết cứng, trong điều kiện gió thổi mạnh.

Có gì đó không ổn với Mertz. Anh liên tục sút cân. Quá yếu để di chuyển vào ngày 2 tháng 1, anh chỉ có thể đi được 8 km vào ngày hôm sau trước khi bỏ cuộc, buộc Mawson phải dựng lều.

Không tin rằng những ngón tay của mình đã bị tê cóng, Mertz đã khiến Mawson kinh ngạc khi cắn vào đầu một ngón tay. Mawson biết rằng cơ hội sống sót duy nhất của họ là tiếp tục di chuyển, nhưng vào ngày 5 tháng 1, Mertz từ chối. Đó là một hành động tự sát, anh nói.

Mặc dù rất mệt mỏi và đau đớn, Mawson thuyết phục Mertz ngồi trên xe trượt. Bằng sức mạnh phi thường, Mawson một mình kéo chiếc xe trượt một quãng đường 4 km nữa.

Trong nhật ký đêm đó, anh viết, "Nếu anh ta không thể đi 13 hay 16 km mỗi ngày, một hoặc hai ngày nữa chúng tôi sẽ phải chịu chung số phận. Tôi có thể vượt qua bản thân mình với những thứ trong tay nhưng tôi không thể bỏ anh ta lại được".

Đến ngày 7 tháng 1, hai người đàn ông đã đi được 320 km - tức là 2/3 quãng đường, chỉ còn 160 km nữa. Nhưng khi họ cố gắng khởi hành sáng hôm đó, Mawson phát hiện ra người đồng đội của mình đã bĩnh ra quần.

Như một y tá lành nghề, Mawson cởi quần áo của Mertz, dọn dẹp đống chất thải và đưa anh lên chiếc túi ngủ. Chiều hôm đó, anh cố gắng nhấc Mertz ngồi dậy để uống ca cao và canh thịt bò, nhưng người đàn ông bắt đầu mê sảng và một lần nữa bĩnh ra quần.

Thám hiểm địa ngục băng ở Nam Cực: Câu chuyện sinh tồn đáng sợ nhất mọi thời đại! - Ảnh 7.

Chim cánh cụt Adélie là một nguồn cung cấp thức ăn cho đoàn thám hiểm cũng như những con chó của họ. Bên cạnh đó, chúng cũng là thú tiêu khiển của những nhà thám hiểm. Họ thường lẻn ra đằng sau và bất ngờ đẩy chúng xuống nước.

Lúc 8 giờ tối, Mertz tự kéo mình ra khỏi túi ngủ, rên rỉ trong một cơn điên cuồng hoang dại, và phá hỏng một trong những cái cột của túp lều.

Trong nhiều giờ, anh ta nói mê sảng bằng tiếng Đức. Mawson hạ anh ta xuống, hy vọng sẽ làm anh ta bình tĩnh lại, sau đó nhồi anh ta trở lại chiếc túi ngủ của mình. Lúc 2 giờ sáng ngày 8 tháng 1, Mertz chết trong giấc ngủ.

Mawson chôn cất người bạn của mình - vẫn còn trong chiếc túi ngủ, bên dưới một khối tuyết, trên đỉnh anh cắm một cây thánh giá sơ sài được lấy từ chiếc ván trượt bỏ đi.

Nhiều năm sau, một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng chứng suy nhược của Mertz là do ngộ độc vitamin A từ gan của những con husky.

Nhưng nếu vậy, tại sao Mawson lại không bị ảnh hưởng? Các chuyên gia khác lại cho rằng cái chết của Mertz chỉ đơn giản là do giảm thân nhiệt, kiệt sức, và gần như chết đói.

*Còn tiếp…

Nguồn: National Geographic/Ảnh: Frank Hurley

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại