Tham gia Hiệp định CPTPP – Bước ‘xoay trục’ của Anh

Thanh Tuấn |

Nói một cách hình tượng, có thể ví việc Vương quốc Anh hướng tới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một bước thay đổi lớn về đường lối đối ngoại, một bước đi để phần nào xoa dịu nỗi đau từ cuộc “ly hôn” sóng gió với Liên minh châu Âu (Brexit).

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss. Ảnh: mainichi.jp

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss. Ảnh: mainichi.jp

Vương quốc Anh ngày 1/2 đã chính thức đề nghị xin gia nhập CPTPP, trở thành quốc gia đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập đệ đơn đăng ký tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Đề nghị được Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.

Trên nhiều phương diện, động thái đó như một cú “xoay trục” của Anh, ít nhất trên mặt trận kinh tế, sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quyết định của London phát đi tín hiệu Anh mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ thương mại-kinh tế của nước này với khu vực đang có tốc độ tăng trưởng vào diện nhanh nhất thế giới.

Điều đó đã được chính Bộ trưởng Liz Truss thừa nhận: “Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Anh, mà đơn giản là chúng tôi không thể có được khi còn trong EU, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của Anh với một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới… Trở thành thành viên CPTPP sẽ giúp hạ thấp thuế quan đối với các nhà sản xuất ô tô, rượu mạnh và mang lại cho các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi cơ hội tiếp cận tốt hơn, tạo ra những công ăn việc làm chất lượng cao, sự thịnh vượng lớn hơn cho người dân ngay tại Anh”.

Dù vẫn là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, song việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm dưới mái nhà chung sẽ dẫn tới những xáo trộn không nhỏ và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh về ngắn và trung hạn. Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế (OECD) dự báo, trong trường hợp xấu nhất, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Anh sẽ sụt giảm khoảng 8% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7,5% thời hậu Brexit.

Trong bối cảnh ấy, việc Anh đẩy nhanh tiến trình xin gia nhập Hiệp định CPTPP không chỉ được đánh giá là động thái để bù đắp những tổn thất của “vụ ly hôn thế kỷ”, mà còn để mở rộng không gian phát triển kinh tế sau nhiều năm ưu tiên quan hệ với các đối tác châu Âu, đồng thời cũng nhằm chứng tỏ hình ảnh một nước Anh mới cởi mở hơn và sẵn sàng tham gia vào dòng chảy chính của thương mại tự do và toàn cầu hóa.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Anh với các nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt hơn 150 tỷ USD. Giai đoạn trước đó, kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng tăng đều đặn khoảng 8% mỗi năm. Do đó, hoàn toàn có lý do để chờ đợi việc Anh gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại của nước này với 11 nước CPTPP. Các doanh nghiệp Anh sẽ hưởng nhiều lợi thế như giảm được đến khoảng 95% thuế suất hiện nay đối với nhiều mặt hàng như xe hơi, thực phẩm… Anh đứng trước cơ hội tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu ba lĩnh vực mạnh nhất của nước này là: dịch vụ tài chính, công nghệ và giáo dục.

Quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp Anh hưởng lợi khi các sản phẩm, hoặc thành phần sản phẩm sản xuất tại 11 nước CPTPP, được coi là có một nguồn gốc xuất xứ. Theo Chính phủ Anh, năm 2018, các nước thành viên CPTPP chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, nếu có sự tham gia của Anh, con số này có thể sẽ nâng lên 16%. Với một thị trường trên 500 triệu dân, GDP hơn 13,5 nghìn tỷ USD, chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu và được dự báo sẽ là động lực chính của kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, không có gì lạ khi các nước CPTPP trở thành một điểm tới hấp dẫn Anh sau khi nước này hoàn toàn Brexit.

Gia nhập CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tự do hóa thương mại số, đơn giản hóa các thủ tục xin visa cho các doanh nhân đi lại giữa các nước thành viên CPTPP và Anh. Bộ trưởng Truss cũng tin rằng tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà Anh đang có với các nước Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi Anh rời EU.

Không chỉ ở khía cạnh kinh tế, mong muốn gia nhập Hiệp định CPTPP của London còn thể hiện bước “xoay trục” của Anh trên phương diện địa chiến lược và địa chính trị. Anh, dù là nền kinh tế thứ 5 thế giới và một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song dường như đang lu mờ ảnh hưởng trên trường quốc tế trước các cường quốc khác. Nhiều năm qua, nước Anh vẫn nổi tiếng với tư duy bảo thủ và phần nào đó là bó hẹp không gian ảnh hưởng chiến lược ở châu Âu “cựu lục địa”.

Do vậy, gia nhập CPTPP sẽ giúp làm mới “đảo quốc sương mù”, tạo dựng hình ảnh một “Nước Anh Toàn cầu” như tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson. Trên thực tế, Chính phủ Anh trong năm 2020 đã công khai kế hoạch điều tàu chiến đến châu Á-Thái Bình Dương để thực thi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, chứng tỏ nỗ lực can dự nhiều hơn với khu vực này. Đó có lẽ là một phần trong chiến lược “xoay trục” của Anh sang châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, việc Anh trở thành thành viên CPTPP còn mang ý nghĩa như một cục nam châm thu hút sự tham gia của những nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là đồng minh chủ chốt Mỹ, vốn là một nước sáng lập hiệp định song đã rút lui thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Tham gia Hiệp định CPTPP – Bước ‘xoay trục’ của Anh  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) trao đổi văn kiện sau khi ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tại Tokyo, Nhật Bản ngày 23/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, viễn cảnh Anh gia nhập mái nhà chung CPTPP có không ít thách thức. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang đậm tính chất địa lý, các nước thành viên đều nằm bên bờ Thái Bình Dương. 4 nước Nhật Bản, New Zealand, Australia và Singapore đã có mối quan hệ trao đổi thương mại chặt chẽ từ rất lâu, trong khi Mexico và Canada lại là đối tác thương mại quan trọng của nhau trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, Anh thiếu đi ưu thế địa lý một cách rõ nét và không có mối quan hệ thương mại mật thiết nào. Nhật Bản là nước Anh có quan hệ thương mại lớn nhất trong số các nước thành viên CPTPP, nhưng nước này cũng chỉ đứng thứ 11 vào năm 2019, trao đổi thương mại với Nhật Bản chỉ chiếm 2,1% tổng thương mại của Anh.

Bên cạnh đó, Anh phải đàm phán và cần nhận được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên CPTPP trước khi kết nạp. Vấn đề nằm ở chỗ, Anh sẽ đàm phán với từng nước trên cơ sở các điều khoản hiện có của CPTPP, chứ không phải đàm phán lại hay đàm phán mới. Câu hỏi đặt ra là mức độ đi xa của Anh và khả năng nhượng bộ của nước này tới đâu? Và chính vấn đề đó có thể sẽ khiến tiến trình đàm phán gia nhập CPTPP của Anh kéo dài và ngày kết nạp “đảo quốc sương mù” còn khá xa xôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại