Phòng Công tác xã hội (CTXH) của BV Chợ Rẫy được Ban giám đốc bệnh viện thành lập từ năm 2008 (lúc này là Đơn vị xã hội).
Khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Khôi – Phó Giám Đốc bệnh viện đã ân cần dặn dò:" Bệnh nhân có bế tắc về tiền bạc mà không bế tắc về y khoa, tổ y xã hội phải lo cho bệnh nhân. Đừng để họ bán đi cái bàn thờ".
Làm đúng lời dặn dò của PGS.TS Nguyễn Văn Khôi, đến nay, đã có hàng ngàn mảnh đời được hồi sinh từ sự hỗ trợ kịp thời của Phòng CTXH. Cũng tại đây, những giọt nước mắt đau khổ đã nhường chỗ cho tiếng cười, mang lại hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình trên khắp cả nước.
Như trường hợp của hai cha con anh Nguyễn Văn Đây (quê Bến Tre) và con gái Nguyễn Thị Khánh Ngọc cùng mắc bệnh tim đang ngày ngày hứng chịu những cơn đau dồn dập.
Nhà không có tiền, nên 10 năm nay anh Đây cứ thế cắn răng chịu đựng những cơn tức ngực, khó thở, cố làm lụng kiếm tiền mổ tim cho đứa con gái bé bỏng của mình.
Tuy nhiên do anh là trụ cột gia đình, lại bệnh tim nên không làm gì được. Cả hai cha con đành phải... chờ "thần chết" đến rước đi.
Biết được trường hợp của anh Phòng CTXH đã đến tìm hiểu và hỗ trợ mổ tim cho cả anh và bé gái. Ngày 24/6 anh lên ca mổ. Sau phẫu thuật, sức khỏe anh dần hồi phục và được bác sĩ cho xuất viện. Con gái anh, bé Khánh Ngọc, được làm phẫu thuật một tuần sau đó
Anh Đây đã được phẫu thuật thành công, con gái anh cũng được mổ sau anh một tuần. ảnh BV Chợ Rẫy.
Hay về sự hồi sinh của mẹ con chị Phan Thị Phượng khiến ai cũng mừng rơi nước mắt. Chị Phượng mang thai ở tháng thứ 7 thì bị xuất huyết giảm tiểu cầu. Một tháng sau, bác sĩ bắt buộc phải mổ bắt con vì sức khỏe của chị Phượng quá yếu.
Ngoài những chi phí cho ca mổ, chị Phượng cần phải truyền ít nhất 6 khối tiểu cầu (gần 2 triệu đồng một khối) trong khi phẫu thuật, khoảng 20 khối tiểu cầu trong quá trình hậu phẫu và nhiều loại thuốc điều trị khác.
Biết kinh tế của mình, chị Phượng đã nói với chồng chỉ cứu con chứ đừng bận tâm đến mẹ. Được những người bệnh trước chỉ dẫn, anh chồng đến phòng CTXH BV Chợ Rẫy trong tâm trạng không có nổi 1% hy vọng. Vì anh không nghĩ mình sẽ được hỗ trợ số tiền lớn như vậy.
Ngay lập tức, Phòng CTXH đã làm cầu nối cho chị Phượng với những nhà hảo tâm. Nhờ đó, chị Phượng đã được giúp đỡ chi phí điều trị, vợ chồng đoàn tụ, con thơ lại trở về bên vòng tay ấm áp của mẹ.
Th.S Lê Minh Hiển – Trưởng Phòng CTXH BV Chợ Rẫy luôn bận rộn với những hồ sơ đang cần được hỗ trợ.
Ngoài việc không để người nghèo đơn độc chống lại bệnh tật, từ tháng 11/2012, BV Chợ Rẫy đã "kiêm" luôn tặng áo quan, hay những chuyến xe đưa tử thi người nghèo về quê mai táng.
Vừa nói, Th.S Lê Minh Hiển – Trưởng Phòng Công tác xã hội (CTXH) của BV Chợ Rẫy vừa kiểm tra hồ sơ những bệnh nhân đang cần được giúp đỡ.
Tập hồ sơ dày cộm nào là cần hỗ trợ chi phí điều trị, nào là xin xe, xin áo quan về quê, còn có cả những hồ sơ xin… bảo lãnh chi phí để người bệnh được đưa về nhà.
Những chuyến xe miễn phí cuối đời
Trừ những trường hợp người chết liên quan đến pháp luật cần phải khám nghiệm tử thi, hoặc những tử thi mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, Sars… thì Phòng CTXH của BV Chợ Rẫy chưa từng từ chối hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo nào tìm đến.
Từ năm 2012 đến nay, hàng trăm trường hợp tử thi bệnh nhân nghèo được bệnh viện đưa về nhà hoàn toàn miễn phí. Có những bệnh nhân, nghèo đến nỗi người nhà không mua nổi cái áo quan, một lần nữa Phòng CTXH lại đứng ra lo chu toàn.
Th.S Hiển cho biết: "Cả cuộc đời của họ đã sống cơ cực, rồi chết đi trong sự thiếu thốn, chúng ta không biết thì thôi, nhưng nếu biết rồi thì làm sao có thể nhắm mắt làm ngơ cho được.
Nghĩa tử là nghĩa tận, cứ làm hết sức mình để họ có được sự đầy đủ khi nằm xuống. Dù đó là sự đầy đủ cuối đời."
Ngoài quỹ của Phòng CTXH, BV Chợ Rẫy đã kết nối với các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân để có kinh phí hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.
Theo như Th.S Hiển, đối với người nhà bệnh nhân nghèo, ngay cả tiền điều trị cho người thân còn thiếu hụt, thì tiền đâu để thuê xe chuyên dụng chở tử thi về?
Việc thuê xe chuyên dụng đưa tử thi về các tỉnh, thành thì chi phí được tính dựa trên khoảng cách địa lí vì vậy sẽ không có mức giá cố định. Chi phí thuê xe được tính bằng bạc triệu, kèm theo việc mai táng, hậu sự thì người có hoàn cảnh khó khăn không thể nào chi trả nổi.
Ví như chuyển tử thi về tỉnh Tây Ninh thôi, giá xe đã không dưới 2 triệu. Chuyển tử thi về Bình Thuận, chỉ tính riêng tiền xăng dầu, không tính chi phí của tài xế, y tá,… thì cũng đã là 5 triệu đồng.
Nếu người nhà thuê xe dịch vụ thì giá sẽ đội lên gấp nhiều lần. Còn thuê xe ngoài, thì có chủ xe nào dám nhận chở xác chết?
Về trường hợp của người đàn ông dùng chiếu quấn xác của người thân rồi vắt ngang xe máy để đưa về nhà, ông Hiển cho rằng hình ảnh ấy là một sự xót xa cho cả gia đình người xấu số cũng như những người biết đến.
"Tuy nhiên, đừng ai hành động như người đàn ông ấy, vì nếu người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm mà qua đời, thì mầm bệnh từ tử thi sẽ phát tán trên đường đi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn xã hội. Nếu như bạn thật sự khó khăn cần giúp đỡ, thì đừng im lặng mà hãy lên tiếng với chúng tôi.
Thủ tục hỗ trợ rất đơn giản, chỉ cần gia đình có giấy chứng nhận hộ nghèo, và viết một lá đơn cho chúng tôi là được.", ông Hiển nói thêm.
Đơn xin hỗ trợ đầy lỗi chính tả, được lăn tay, đánh dấu thập (+)
Khi được hỏi nếu như người đến với Phòng CTXH không biết chữ, thì làm sao họ có thể viết đơn xin hỗ trợ, ông Hiển đã không ngần ngại mang ra những sắp hồ sơ "đặc biệt". Nói là đặc biệt vì ở những xấp hồ sơ này, những lá đơn xin quan tài, xin xe về quê ngắn ngủn, cộc lốc sai đầy lỗi chính tả.
Như lá đơn của anh V.N.T (ngụ Ninh Thuận) vỏn vẹn họ tên và đôi dòng: "Vợ tôi bị mắc bệnh tim chết, gia đình khó khăn, kính mong quý ban xét duyệt cho tôi xin xe, xin hòm để đưa vợ về quê", phía dưới là dấu lăn tay đỏ chói.
Hỏi ra mới biết, anh T. không biết chữ, anh nhờ người ta viết vài dòng rồi lăn tay. Hiện tại vợ của anh đã được bệnh viện đưa về quê an táng miễn phí.
Những lá đơn xin hỗ trợ với vài dòng ngắn gọn, được ký tên bằng cách lăn tay, hay đơn giản chỉ là một dấu thập (+) nhưng vẫn được giải quyết trọn vẹn nhất. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã giải quyết cho 16 trường hợp bệnh nhân nghèo tử vong cần quan tài, xe về quê.
"Theo nguyên tắc, bệnh nhân được hỗ trợ phải có giấy hộ nghèo, đơn xin hỗ trợ phải được cơ quan địa phương xác nhận. Nhưng ở vào hoàn cảnh "dầu sôi lửa bỏng", ngay cả viết đơn họ còn không thể viết thì sao có thể đợi họ về quê làm thủ tục. Chúng tôi chỉ cần họ để lại vài chữ là được rồi, không cần phải suy xét thêm.", ông Hiển cho biết.
Giải thích về việc này, ông Hiển chia sẻ: "Không chỉ người nghèo ở tỉnh, mà rất nhiều người bệnh sống ngay tại TPHCM cũng nhiều người không biết chữ, không viết nổi tên của mình. Họ phải nhờ người viết hộ đơn hỗ trợ rồi lăn tay, hoặc đánh dấu.
Có người thì ra ngoài thuê đánh máy rồi nộp vào chứ không biết nội dung trong đó là gì. Bên cạnh đó, cũng có những người khi thân nhân biết rằng họ bệnh nặng thì âm thầm xin về vì còn ái ngại sự giúp đỡ".
Theo thông tư 43 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành vào tháng 11/2015, thì các bệnh viện phải thành lập phòng CTXH nhằm tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Qua đó, Phòng CTXH của bệnh viện phải hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Phòng CTXH phải tiếp nhận, hỗ trợ về kinh phí, vật chất cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn khi điều trị tại bệnh viện.