Do vậy, thị trường mua bán vũ khí tại quốc gia nằm ở cửa ngõ giữa Tây Á và Trung Đông cũng có những điểm đặc biệt của riêng nó. Đó là, không có chợ đen; không có những đối tượng cò mồi, dẫn khách, mà mọi người mua bán với nhau công khai trong những cửa hàng vũ khí trên đường phố. Không có nơi nào trên thế giới mà sự kỳ lạ này lại thể hiện rõ hơn là tại khu chợ vũ khí nổi tiếng mang tên Guruko.
"Chợ" vũ khí Guruko
Guruko là thị trấn nằm tại tỉnh Nangarhar, thuộc miền đông Afghanistan. Nơi đây chỉ cách biên giới Afghanistan - Pakistan khoảng 20 phút lái xe. Khu vực này từ lâu đã được biết đến như một địa chỉ mất an ninh nhất Afghanistan.
Thực tế cho thấy, luật pháp hay chính phủ tại Kabul hoàn toàn không có quyền lực gì ở đây cả. Ngay cả đồng tiền quốc gia Afghanistan cũng ít có người sử dụng. Việc trao đổi mua bán được thực hiện chủ yếu thông qua đồng Pakistan Rupee.
Bên trong một cửa hàng vũ khí hơn trăm tuổi tại Guruko.
Tội phạm và phiến quân Taliban có thể tự do đi lại và thực hiện công chuyện của họ giữa thanh thiên bạch nhật. Vì vậy mà Guruko cũng trở thành “thủ đô” buôn lậu của Afghanistan.
Thế nên, người ta thể tìm được đủ mọi loại hàng buôn lậu tại thị trấn này: từ điều hoà nhiệt độ đến đá quý và ma tuý. Các mặt hàng này được xuất ra khỏi Afghanistan để lấy tiền nhập vũ khí vào quốc gia này.
Ở bên kia đường biên giới là Adam Darra Khel, một khu vực khét tiếng thế giới về ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Tại Adam Darra Khel xuất hiện những gia đình có tới ba, bốn thế hệ cùng làm nghề chế tạo súng ống. Khả năng chế tạo súng của những người thợ này “cao thủ” đến mức họ có thể lấy gần như bất cứ mẫu súng hiện đại nào của các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, v.v…để sao chép và sản xuất mới từ những vật liệu tưởng như là bỏ đi.
Những xưởng chế tạo súng của Adam Darra Khel là nhà cung cấp chính cho khu chợ vũ khí Guruko. Những đối tượng buôn lậu thường đi bộ hay cưỡi lạc đà men theo các con đường mòn xuyên biên giới đến một số điểm tập kết nhất định.
Một người có thể vác được một bao 10 - 15 khẩu súng và nhận được số tiền trong khoảng 4.000-5.000 Pakistan Rupee (tương đương 27-33 USD) cho một chuyến cửu vạn. Đây là số tiền không hề nhỏ tại Afghanistan, và ngay cả nhiều nhân viên chính phủ tầm trung cấp cũng không bao giờ nhận được mức lương cao đến thế.
Những thương nhân chở vũ khí từ Darra Adam Khel đến Guruko.
Vậy nên không có gì lạ khi nhiều cá nhân trong chính quyền và quân đội Afghanistan sẵn sàng phá luật bằng cách lạm dụng quyền hạn của mình để ăn trộm vũ khí của chính phủ đem lên khu chợ Guruko bán. Bản thân việc này không có gì khó lắm, vì quân đội chính phủ vẫn đang tiếp tục thực hiện các chiến dịch chống phiến quân Taliban.
Những đối tượng bất lương có thể dễ dàng viện cớ rằng, vũ khí bị mất trong lúc giao tranh hay bị Taliban ăn trộm. Nhớ lại hồi năm 2001, sau khi quân đội Mỹ đã lật đổ chế độ Taliban và thu giữ được một số lượng vũ khí mới từ phiến quân. Đáng lẽ ra số vũ khí này phải bị tiêu huỷ, nhưng một lượng lớn đã bị tuồn ra ngoài và bán lại cho chính Taliban.
Một scandal khác xảy ra dưới thời nguyên tổng thống Hamid Karzai. Ấy là việc Bộ Quốc phòng của ông đã “làm mất” đến khoảng 20.000 khẩu súng AK.
Nghiêm trọng hơn, một số lượng lớn súng ống mà họ tuồn ra chợ Guruko vốn là hàng hoá hỗ trợ từ Mỹ. Đã nhiều lần Bộ Ngoại giao và các tướng lĩnh Mỹ phải lên tiếng cảnh báo sẽ cắt việc cung cấp vũ khí cho Afghanistan nếu chính quyền Kabul không ngăn chặn được việc ăn cắp súng ống tuồn ra ngoài.
Một khẩu súng đang được chạm trổ trang trí.
Chính phủ Afghanistan còn có một lý do khác để dẹp bỏ nạn buôn lậu tại khu chợ Guruko: việc buôn lậu đang đem lại nguồn lợi lớn cho Taliban! Phiến quân Taliban có đặt các chốt chặn trên những tuyến đường mòn, người buôn lậu nào muốn đi qua cũng phải trả phí.
Mặt khác, lực lượng phiến quân đóng giữa Guruko và Adam Darra Khel giữ luôn nhiệm vụ bảo vệ các chuyến hàng chở thuốc phiện do Taliban sản xuất và bào chế từ Afghanistan sang Pakistan.
Không chỉ có quân đội Afghanistan và quân Mỹ mới muốn tấn công những chuyến hàng, mà còn có cả các nhóm tội phạm có tổ chức khác sẽ chiếm lĩnh được thị trường ma tuý khu vực nếu như Taliban thất bại. Đấy chính là lý do mà dòng chảy vũ khí - ma tuý tại Afghanistan qua Guroko tiếp tục diễn ra ngày càng sôi động hơn bao giờ hết dưới sự kiểm soát của phiến quân Taliban.
Dạo quanh "thị trường"
Quay trở lại Guruko, vũ khí sau khi đến thị trấn này sẽ được đem ra chợ bán. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy vũ khí được bán khắp mọi nơi tại Guruko, từ những sạp hàng bày bên lề đường; đến những cửa hàng đã có tuổi đời trên trăm tuổi.
Người mua, người bán tự do thoả thuận giá cả và trao đổi vũ khí với nhau mà không cần giấy phép đặc biệt như ở những địa phương khác tại Afghanistan. Nếu không tìm được loại vũ khí vừa ý hay không đủ số lượng, người mua còn có lựa chọn tự thoả thuận với các đối tượng buôn lậu để sau này họ nhập về đúng, nhập về đủ loại súng ống mà khách hàng có nhu cầu.
Chủng loại và giá cả vũ khí bán tại Guruko vô cùng đa dạng. Một khẩu súng lục làm thủ công tại Darra Adam Khel có giá khoảng 7.000 Pakistan Rupee (47 USD), trong khi cũng là loại đó nhưng nếu do nước ngoài sản xuất sẽ lập tức đắt gấp 3, 4 lần trong khoảng 15.000 đến 50.000 Rupee, tương đương với 100-340 USD.
Người mua thử vũ khí ngay tại bãi đất trống đằng sau chợ.
Tuỳ thuộc vào chủng loại mà súng AK có giá khoảng từ 60.000 đến 170.000 Rupee, ứng với khoảng 400 đến 1.150 USD. Còn một khẩu RPG sẽ rơi vào mức giá 50.000-100.000 Rupee, khoảng từ 340-640 USD.
Đấy là những loại vũ khí có xuất xứ từ Liên Xô (cũ) có thể được sản xuất hàng loạt và đem bán công khai. Trái lại, nếu muốn có được vũ khí do Mỹ sản xuất, người mua trước hết phải lấy được lòng tin của người bán để tổ chức được một cuộc gặp riêng.
Ngoài bán súng ống, tại chợ Guruko còn có các cửa hàng, dịch vụ phụ trợ ăn theo, đơn cử như những ông thợ điêu khắc. Người Afghanistan coi việc có được một khẩu súng chạm trổ công phu là dấu hiệu của quyền lực và sự giàu có, vậy nên nhiều khách hàng đem luôn khẩu súng mới mua đến những ông thợ điêu khắc. Hoặc là dịch vụ du lịch săn bắn.
Qua mạng Internet, càng ngày có nhiều người quốc tế biết đến Guruko và tò mò muốn đến thăm thị trấn này.
Cơ hội tốt nhất để cho các vị khách nước ngoài được tự mình sử dụng và cảm nhận những khẩu súng là tổ chức các buổi đi săn cho họ. Cách không xa thị trấn lại là một số khu vực có nhiều loài cừu hoang, hươu xạ, và gấu đen qua lại, trở thành những điểm tuyệt vời để khách đi săn.
Điều kỳ lạ là tuy súng ống tại Guruko rất sẵn có, song người ta lại khó tìm được đạn dược hơn. Trong trường hợp người bán có đạn thì cũng chỉ có với số lượng rất ít. Một viên đạn AK-47 có giá trung bình từ 30 đến 100 Rupee, tương đương từ 0,2 đến 0,7 USD.
Trong khi đó, một viên đạn PK có giá rơi vào khoảng 45 Rupee, khoảng 0,3 USD. Còn một đầu đạn đạn RPG-7 sẽ bán được tầm 2.000-7.000 Rupee, tương ứng với từ 13 - 47 USD. Mức giá cao như vậy là do nguồn cung đạn dược đang thiếu. Hầu hết số đạn được Pakistan sản xuất đều được thị trường nội địa của họ tiêu thụ, trong khi phiến quân Taliban khi lấy được đạn làm chiến lợi phẩm đều giữ riêng cho mình.
Một tương lai bấp bênh
Hiện nay Guruko đang phải đối mặt với một vấn đề đe dọa đến chính sự tồn tại của thị trấn này. Đó là, ở bên kia biên giới, chính phủ Pakistan đang tìm mọi cách có thể nhằm xác lập và củng cố quyền lực của mình tại khu vực giáp ranh Afghanistan. Adam Darra Khel và một số địa phương khác tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa nằm trong khu vực tự trị của người Pashtun.
Nhiều người bán súng tại Guruko đã làm việc này từ khi còn nhỏ.
Người Pashtun từ lâu có tinh thần độc lập, và trong nhiều năm liền họ duy trì một số thoả thuận tự trị với chính phủ tại Islamabad. Tuy vậy, trong khi mối quan hệ giữa hai bên dần trở nên xấu đi, chính quyền trung ương đang lên kế hoạch tước quyền tự trị của Adam Darra Khel.
Trong trường hợp điều nói trên xảy ra, việc mua bán vũ khí tại Adam Darra Khel chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn. Các cơ sở chế tác, các cửa hàng sẽ không còn được tự do bán súng cho bất kỳ ai nữa, mà phải xem xét liệu họ có giấy phép sử dụng vũ khí do chính quyền cấp không.
Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của chính phủ trung ương cũng như “mở đường” để quân đội Pakistan tràn vào thực hiện việc kiểm soát biên giới. Hiện Islamabad đang chịu áp lực từ Washington phải thắt chặt kiểm soát đường biên giới, ngăn chặn dòng người và vũ khí của phiến quân Taliban đi lại giữa hai quốc gia.
Ngay từ lúc này Taliban và các nhóm đối lập khác cũng đang mở rộng nguồn cung vũ khí của mình, giảm phụ thuộc vào Guruko. Đã xuất hiện tin đồn rằng, các nhóm phiến quân Afghanistan đang liên kết với một số tổ chức khủng bố tại Turkmenistan và Uzbekistan để buôn lậu vũ khí.
Họ cũng đang sử dụng khoản tiền thu được từ việc buôn bán ma tuý để nhập khẩu máy móc thiết bị chế tạo vũ khí từ Ấn Độ, Trung Quốc và Iran. Rất có thể trong tương lai gần, những khẩu súng có nguồn gốc từ Guruko sẽ trở thành “của hiếm” trên bãi chiến trường Afghanistan.
Guruko là một thị trấn lịch sử không chỉ vì tuổi đời mà còn vì theo một cách nào đó, nó như tấm gương phản chiếu lịch sử Afghanistan đầy biến động và bạo lực.
Guruko tồn tại vì vẫn còn chiến tranh, bởi lẽ người dân Afghanistan không lúc nào không cần súng trong tay để tự vệ. Vậy nên khi chiến tranh tại Afghanistan thay đổi, khu chợ vũ khí Guruko cũng sẽ phải tự tìm cách tự đổi mới, hoặc nếu không họ sẽ bị thời gian nhấn chìm là điều hiển nhiên.