Tham chiến tại Syria, tàu sân bay Nga liệu có... chìm nghỉm?

Hải Vy |

Chiếc tàu sân bay "lắm tật" của Nga sẽ sớm bắt đầu đợt triển khai chiến đấu đầu tiên.

Con tàu "cà khổ"...

5 năm trước, tức là lần gần đây nhất tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga tới Địa Trung Hải, Hạm đội 6 của Mỹ đã luôn phải để mắt tới nó. Điều mà các sĩ quan Mỹ lo ngại không phải là phi đội máy bay trên tàu, mà là nguy cơ con tàu này sẽ chìm nghỉm, công tác cứu hộ sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.

Con tàu 26 năm tuổi đã vượt qua đợt triển khai năm 2011 "bình an vô sự" và theo kế hoạch, nó sẽ quay trở lại đông Địa Trung Hải trong mùa thu năm nay để tham gia chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Tham chiến tại Syria, tàu sân bay Nga liệu có... chìm nghỉm? - Ảnh 1.

Vệt dầu loang do nhiên liệu bị rơi xuống biển trong quá trình tiếp nhiên liệu cho tàu sân bay Kuznetsov (Ảnh chụp từ vệ tinh).

Tuy nhiên, những lo lắng trước đó không phải là không có cơ sở: Năm 2009, 1 thủy thủ Nga đã thiệt mạng khi tàu Kuznetsov bốc cháy. Chưa hết, con tàu còn làm đổ hàng tấn nhiên liệu xuống biển trong quá trình tiếp nhiên liệu. Nó gặp nhiều vấn đề tới mức Hải quân Nga phải điều động 1 tàu kéo kè kè theo sát để đưa con tàu về cảng mỗi khi hư hỏng.

Clip cảnh tàu kéo vất vả vượt sóng lớn đến lai dắt tàu sân bay Admiral Kuznetsov

Thế mà giờ đây, tàu Kuznetsov lại mang trên mình những mục tiêu mới. Nó sẽ tiến hành các đợt không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Theo tờ Foreign Policy (Mỹ), đây sẽ là đợt triển khai chiến đấu đầu tiên của con tàu này và sẽ là đợt thử nghiệm tác chiến đầu tiên của các tiêm kích hạm MiG-29K.

Đây cũng sẽ là cơ hội đầu tiên và có thể là cơ hội hoàn hảo nhất để Moscow trình diễn khả năng chiến đấu của mẫu tiêm kích hạm này trước các khách hàng tiềm năng như Ấn Độ. Hiện nay, New Delhi đang vận hành 1 tàu sân bay do Nga chế tạo và đã mua hàng chục tiêm kích MiG-29 trong thập kỷ qua.

Quyết định triển khai tàu Kuznetsov được đưa ra khi Nga đang nắm giữ vai trò ngày càng nổi bật trong cuộc khủng hoảng Syria.

Tuần trước (1 năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại đây), Moscow và Washington đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Khi thỏa thuận này có hiệu lực, Không quân Syria sẽ tạm thời ngừng hoạt động chiến đấu và các hoạt động cứu trợ nhân đạo sẽ được triển khai tới những thành phố bị bao vây.

Tham chiến tại Syria, tàu sân bay Nga liệu có... chìm nghỉm? - Ảnh 3.

Tàu sân bay Kuznetsov đã có một lịch sử đầy rẫy những trục trặc kỹ thuật kể từ khi được đưa vào hoạt động từ năm 1991.

Foreign Policy nhận định, ở nhiều phương diện, cuộc "phiêu lưu" của Nga tại Syria giống như một nỗ lực để tái lập tầm ảnh hưởng đã mất thời Liên Xô tại đông Địa Trung Hải (đạt mức cao nhất vào đầu những năm 1970), trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ sức mạnh của Hải quân Liên Xô trong khu vực.

Việc triển khai tàu Kuznetsov, dù rủi ro tới mức nào, vẫn đưa Nga trở thành 1 thành viên trong "câu lạc bộ tàu sân bay" độc nhất trên thế giới.

Hiện nay, những quốc gia hiếm hoi có có năng lực hàng không triển khai từ tàu lớn chỉ có Mỹ, Pháp và Trung Quốc (dù hạn chế hơn). Nhiều quốc gia khác có một số loại tàu chiến có thể triển khai máy bay, song chúng có kích cỡ nhỏ hơn, chưa phải là những tàu sân bay kích cỡ tối đa.

"Nếu hỏi những người hay theo dõi tình hình quân đội Nga ngay trước khi lực lượng này được triển khai tới Syria, họ sẽ trả lời rằng: 'Quân đội Nga không thể tác chiến viễn chinh, bởi họ không thể hỗ trợ hoạt động đó'" - Ông Dmitry Gorenburg, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nói.

"Nhưng họ (người Nga) rất sáng tạo. Chúng tôi sẽ không vội vàng phủ nhận (năng lực của họ) sau điều này" - ông Gorenburg cho biết thêm.

Biết rõ con tàu hoạt động tậm tịt nên có vẻ Điện Kremlin đang lựa chọn phương án an toàn. Hãng tin TASS dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, tàu Kuznetsov sẽ bám chặt tại bờ biển Syria để "máy bay trên tàu có đủ nhiên liệu hoàn thành nhiệm vụ rồi quay trở lại".

Theo Foreign Policy, Nga có lý do để làm như vậy: Tàu Kuznetsov không được trang bị máy phóng có khả năng triển khai máy bay từ đường băng ngắn, với tốc độ cao như các tàu sân bay của Mỹ và Pháp. Thay vào đó, chiếc tàu của Nga sử dụng boong phóng kiểu nhảy cầu như tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ.

Với boong phóng dạng này, các máy bay trên tàu (gồm 15 chiếc Su-33 và MiG-29) phải mang ít nhiên liệu và vũ khí hơn khi cất cánh. Trong khi đó, 10 tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ (chẳng hạn như chiếc USS Dwight D. Eisenhower đang tham chiến chống IS ở Trung Đông) có thể mang ít nhất 60 máy bay và triển khai chúng với lượng nhiên liệu, vũ khí tối đa.

Tham chiến tại Syria, tàu sân bay Nga liệu có... chìm nghỉm? - Ảnh 4.

Tàu Kuznetsov không trang bị máy phóng hơi nước, khiến các tiêm kích hạm trên tàu chỉ có thể cất cánh với lượng vũ khí và nhiên liệu hạn chế.

Trao đổi với Foreign Policy, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định, Moscow chỉ đơn thuần muốn "khoe cơ bắp". Nga đã bố trí các máy bay chiến đấu gần Latakia và từ đây, phi cơ Nga đã tiến hành các đợt tấn công trong năm ngoái. Việc bổ sung máy bay thả bom không dẫn đường trong các đợt xuất kích ngắn từ tàu Kuznetsov sẽ không mang lại nhiều biến đổi.

Vị quan chức Mỹ cho rằng, triển khai tàu sân bay Kuznetsov cũng giống như việc Nga sử dụng tên lửa hành trình khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria trong năm ngoái. Tất cả nhằm "trình diễn, tạo hiệu ứng", chủ yếu để chứng minh Nga là cường quốc quân sự toàn cầu, có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa.

... và viễn cảnh ngọt ngào

Con tàu 55.000 tấn dự kiến sẽ được đưa lên ụ khô vào năm 2017 để trải qua quá trình đại tu kéo dài 2 năm. Đợt triển khai mùa thu năm nay có vẻ nhằm thể hiện khả năng hoạt động của nó và các máy bay chiến đấu trên tàu.

Ít nhất điều này sẽ khiến Ấn Độ chú ý. Tàu sân bay INS Vikramaditya (từ thời Liên Xô) và INS Vikrant (đang được đóng) của Ấn Độ đều sử dụng tiêm kích MiG-29K nhưng chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần phàn nàn về khả năng hoạt động của mẫu máy bay này.

New Delhi chi 2,2 tỷ USD để mua 45 chiếc MiG-29K vào năm 2004 và 2010, nhưng chúng đã phát sinh một loạt vấn đề, từ lỗi động cơ cho tới tình trạng bay kém.

Tham chiến tại Syria, tàu sân bay Nga liệu có... chìm nghỉm? - Ảnh 5.

Tiêm kích MiG-29K cất cánh thử nghiệm từ tàu sân bay Kuznetsov

Một phần vấn đề nằm ở quy trình sản xuất. Ukraine đã cấm xuất khẩu tất cả các thiết bị quân sự sang Nga, trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu cũng tác động tiêu cực tới cơ sở sản xuất của Nga, buộc Ấn Độ phải tự mua một số phụ tùng và tự lắp đặt vào máy bay khi chúng được đưa tới căn cứ ở Goa.

Nếu triển khai chiến đấu thành công MiG-29, Nga có thể làm dịu các mối lo ngại của Ấn Độ khi cho nước này chứng kiến chiếc máy bay có thể làm được những điều gì.

Ngoài ra, 2 phía có thể đạt thêm nhiều thỏa thuận trong tương lai. Trong năm nay, Trung tâm nghiên cứu Krylov của Nga đã đàm phán với Ấn Độ về khả năng cung cấp cho nước này tàu sân bay đề án 23000E - phiên bản xuất khẩu của mẫu tàu sân bay đóng cho Hải quân Nga.

Đối thủ của Moscow là Paris. Gần đây, các hãng đóng tàu Pháp đã giành được nhiều hợp đồng lớn cung cấp tàu ngầm cho Ấn Độ và Australia.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, viễn cảnh ngọt ngào đó vẫn còn xa. Lúc này đây, tàu sân bay Kuznetsov của Nga vẫn đang nằm tại cảng Murmansk, trải qua các công đoạn sửa chữa và chuẩn bị cuối cùng cho đợt triển khai.

Còn phi đội tiêm kích hạm của nó đang có mặt tại Crimea, thực hành với một bãi đáp được xây dựng trên mặt đất để mô phỏng boong phóng trên chiếc tàu sân bay mà chúng sẽ sớm được triển khai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại