Quy mô bảo tàng sánh ngang các khu trưng bày lớn nhất ở Moskva, St. Petersburg, Saratov hay Togliatti. Đặc biệt, đây là bảo tàng tư nhân, ra đời năm 2005, ban đầu nhằm giới thiệu các tranh thiết bị quân sự chế tạo tại Ural trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Sau đó nó chính thức được khai trương ngày 9/5/2013 với không gian trưng bày ngoài trời rộng tới 5ha, không gian trưng bày trong nhà rộng 7.000m2 cùng hàng trăm hiện vật, vũ khí, khí tài thú vị.
Ngoài các khí tài quân sự, khách đến bảo tàng còn có thể chiêm ngưỡng các đồ vật độc đáo liên quan đến lịch sử chiến tranh. Hiện bộ sưu tập của bảo tàng gồm hơn 500 thiết bị quân sự, một bộ độc đáo các huân huy chương, pháo cỡ lớn, cũng như quân phục, trang thiết bị và phù hiệu của lực lượng vũ trang Nga từ thế kỷ 18.
Không gian rộng lớn ngoài trời của bảo tàng trưng bày rất nhiều xe tăng, xe thiết giáp, pháo nổi tiếng của Liên Xô trước đây, như các dòng xe tăng hạng nặng IS-1 và IS-2 (Iosif Stalin).
Chiếc xe tăng “cổ” T-35 với 5 tháp pháo có tới 12 người điều khiển có thể vận hành tốt; pháo tự hành 152mm sản xuất năm 1909, pháo tự hành B-4 203mm, xe tăng T-34 huyền thoại, chiến đấu cơ, tàu chiến, tàu ngầm và cả những đoàn tàu hỏa quân sự.
Tuy nhiên, do thời gian có hạn, chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan bảo tàng từ tầng 1 khu trưng bày trong nhà và cũng đã vô cùng bất ngờ, thú vị khi được giảng giải tỉ mỉ về những khối thép lạnh lẽo, vô tri vô giác. Từ cửa vào là thế giới những chiếc tăng đầu tiên do Xô viết chế tạo. Trước tiên là xe tăng đầu tiên Liên Xô sản xuất hàng loạt MS-1 hay T-18.
Xe tăng này ra đời trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ I. Nó được chế tạo dưa trên tăng Renault FT của Pháp, độ dày vỏ thép từ 5-15mm, động cơ Nikylin dẫn động bánh sau.
Người điều khiển xe tăng rất khó quan sát và tháp pháo nặng tới 700kg rất khó xoay sở vì phải quay bằng tay. Tuy nhiên, vào thời đó, chỉ cần 3 trong số 10 xe tăng tiến tới được vị trí quân địch là đã giành phần thắng.
Tiếp đến là xe tăng Vickers E hai tháp pháo Liên Xô sản xuất theo giấy phép của Anh, gọi là T-26. Theo lời kể của anh hướng dẫn viên, điểm đặc biệt ở Liên Xô là sĩ quan chỉ huy xe tăng điều khiển lái xe bằng cách đạp chân, đạp vào vai phải là rẽ phải, đạp vai trái là rẽ trái, đặt chân lên lưng thì đi thẳng.
Tăng T-26 bản năm 1933 rút lại còn 1 tháp pháo. Xe tăng này đã tham chiến ở Khalkhin Gol với Nhật Bản. Xe tăng chỉ huy có thêm lan can, song trong trận chiến ở Khalkhin Gol do Nhật Bản phát hiện xe tăng chỉ huy có lan can nên tất cả các xe tăng đều làm thêm lan can để tránh thương vong cho chỉ huy.
Bảo tàng cũng có rất nhiều mẫu xe tăng thú vị của Liên Xô trước đây, như xe tăng “bơi” đầu tiên sản xuất hàng loạt Т-37А có cả chân vịt; tăng Series BT của nhà thiết kế Mỹ John Walter Christie, mà để vận chuyển về nước, Liên Xô phải gỡ tháp pháo để khai báo là máy kéo do khi đó bị Mỹ cấm vận.
Xe tăng này có thể chạy cả bằng bánh và xích. Xe lắp bánh có thể đạt tới tốc độ 72 km/giờ nhờ lắp động cơ của máy bay, thông số rất ấn tượng vào năm 1933; tăng T-38 hạng nhẹ dễ dàng di chuyển trên địa hình đầm lầy nhờ bộ bánh xích đã tham gia trận chiến bảo vệ thành phố Leningrad; hay xe tăng BT-7 có thể “bay” qua hào rộng 42m nhờ một động cơ diesel.
Câu chuyện về xe tăng còn tiếp tục với các dòng tăng hạng nhẹ trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Đầu tiên là tăng T-40 sản xuất năm 1941 có thể đi trên mặt nước. Tiếp đến là dòng tăng T-70 từng xuất hiện trong trận Stalingrad cũng như ở vòng cung Kursk, trang bị pháo 40mm.
Tuy nhiên sau trận ở vòng cung Kursk, xe tăng này không còn được sản xuất, thay vào đó là tăng T-80 cải tiến, ra đời năm 1942, cũng đã tham gia trận chiến ở Stalingrad và vòng cung Kursk; đặc biệt là chiếc tăng hạng nhẹ T-90 chỉ sản xuất duy nhất 1 chiếc.
Khoảng không giữa các tầng của tòa nhà trưng bày các máy bay chiến đấu đặc biệt như chiếc P-39 Airacobra do Mỹ chế tạo, là bản copy máy bay của phi công 2 lần anh hùng Liên Xô Grigory Rechkalov “Địa ngục Xô viết”.
Trong thời gian chiến tranh ông đã bắn hạ 56 máy bay quân thù; Máy bay chiến đấu Hurricane 2B của Anh tham gia vào trận đánh bảo vệ nước Anh những năm 1940.
Phi công Liên Xô Amet-khan Sultan bằng chiến máy bay này khi hết đạn đã đâm vào máy bay ném bom Junker-88 của Đức song ông vẫn kịp nhảy dù khỏi buồn lái; Yak-3, một trong những tiêm kích tốt nhất của Hồng quân thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2; Máy bay chiến đấu I-15 và I-16 của Liên Xô, từng tham gia các trận chiến ở Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Tầng 2 của bảo tàng trưng bày cái loại pháo của quân đội Nga. Tại đây chúng ta có thể “mục sở thị” pháo chiến trường 76,2mm mẫu năm 1902 sản xuất năm 1917 tại nhà máy Putilov ở St.Peterburg bánh làm bằng gỗ; hay dàn phóng pháo phản lực M-30 300mm rất đơn giản sản xuất năm 1942, có thể xem như tiền thân của các hệ thống rốc két đa nòng danh tiếng Katyusa.
Các dòng xe bọc thép đầu tiên của Liên Xô như xe bọc thép BA-27 ra đời năm 1927; xe bọc thép BA-3 sử dụng ụ pháo xe tăng T-26 đã tham gia chiến dịch bao vây quân Nhật ở Khalkhin Gol; hay các mẫu xe bọc thép BA-64, BA-20 chế tạo trên khung gầm ô tô con.
Tầng 2 còn có nhiều thiết bị khí tài thú vị như các mẫu xe đạp quân đội các nước châu Âu - Italy, Thuy Điển, Đức, Thụy Sĩ, Anh sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II; ô tô Dodge WC-21 Mỹ viện trợ theo chương trình “cho thuê và thuê” được phi công nổi tiếng Liên Xô Ivan Kozhedub sử dụng.
Xe chiến đấu chở quân M3A1 do hãng Ford sản xuất; xe Jeep Billy nổi tiếng của Mỹ; chiếc xe co-măng-ca huyền thoại GaZ 57 cua Liên Xô hay thậm chí là chiếc xe máy Harley Davidson của Mỹ mà Hồng quân Liên Xô đã sử dụng.
Bước lên tầng 3, chúng tôi lạc vào thế giới huân huy chương và quân phục của quân đội Nga qua các thời kỳ. Quân phục của người lính Nga là sự kết hợp cả sắc thái phương Đông và phương Tây thể hiện qua những hình nộm người lính Nga được chế tác công phu qua nhiều thời kỳ.
Điển hình như chiến binh Nga thời Trung cổ thế kỷ XIV; Lính bắn súng thế kỷ 16; Lính Trung đoàn tuyển chọn thế kỷ 17; Lính kỵ binh địa phương thế kỷ 16; Lính kỵ binh thế kỷ XVII; các bộ quân phục của quân đội Nga thế kỷ 18; quân phục lính Nga cuối thế kỷ 19; lính Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ I.
Tất nhiên không thể thiếu quân phục của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ II; cho tới quân phục binh sĩ Liên Xô trong cuộc chiến tại Afghanistan; quân phục binh sĩ Nga trong cuộc chiến tại Chechnya; hay quân phục binh sĩ Nga đang phục vụ tại Syria hiện nay.
Quân phục của người lính Nga từ Chiến binh Nga thời Trung cổ thế kỷ XIV; Lính bắn súng thế kỷ 16; Lính Trung đoàn tuyển chọn thế kỷ 17; Lính kỵ binh địa phương thế kỷ 16; và Lính kỵ binh thế kỷ XVII. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên điểm nhấn ấn tượng hơn cả của tầng 3 có lẽ bộ sưu tập các loại súng cầm tay. Tại đây, chúng ta có thể tìm hiểu từ khẩu súng lục Thổ Nhĩ Kỳ nạp đạn từ nòng sử dụng trong chiến tranh ở Crimea (giữa thế kỷ 19); súng lục côn xoay sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ I.
Các loại đầu đạn khác nhau trong đó có đầu đạn bằng đá; súng cối cầm tay trong thành phần đầu đạn có chứa thủy tinh và tầm bắn chỉ 30m; súng kíp bắn được 500m, song tầm sát thương chỉ 100m.
Đặc biệt ấn tượng trong số này ta có thể tìm hiểu súng trường Mosin 7,62mm của nhà sang chế nổi tiếng Sergey Ivanovich Mosin (1848-1902) chế tạo từ thời Sa hoàng, đưa vào sử dụng từ năm 1891, tồn tại đến tận năm 1955 (hơn nửa thế kỷ), và được cả quân đội Sa hoàng lẫn Hồng quân Liên Xô sử dụng.
Súng của nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng Liên Xô Fedor Vasilyevich Tokarev (1871-1968) với súng lục Tokarev TT và súng trường SVT-38/40; tiểu liên PPD 7,62mm năm 1940 của nhà chế tạo nổi tiếng Vasily Alekseevich Degtyarev hay trung liên Degtyarev (DP-27) và trung liên RP-46 từng cung cấp cho quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dòng súng trường tự động lên đạn 7,62mm SKS, còn nổi tiếng với tên gọi súng trường CKC-45 của Liên Xô do Sergei Simonov chế tạo.
Chiến đấu cơ Liên Xô tại khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng. Ảnh: TTXVN
Tại bảo tàng, khẩu súng trường Kalashnikov AK-47 nổi tiếng (bản sớm nhất 1947-49) được tháo ra từng chi tiết để so sánh với súng trường tấn công của Đức Sturmgewehr 44 nhằm cho thấy AK-47 hoàn toàn do người Nga phát minh và chẳng liên quan gì đến súng trường Đức.
Trên cơ sở súng trường tấn công Kalashnikov 7,62mm của nhà sáng chế thế kỷ Mikhail Timofeyevich Kalashnikov, bảo tàng còn trưng bày hàng loạt các biến thể cầm tay khác của nó với cỡ nòng khác nhau, trong đó có súng trường tấn công AKM và AK-74 không báng và các biến thể của chúng đang được quân đội Nga sử dụng.
Tàu ngầm tại khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng. Ảnh: TTXVN
Bộ sưu tập vũ khí và khí tài khổng lồ tại bảo tàng quân sự ở Verkhnyaya Pyshma không chỉ cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú về những thành tựu quốc phòng của Liên Xô trước kia mà nó còn giúp lưu giữ ký ức chiến thắng của người lính Nga qua nhiều thời kỳ.