Theo nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Quốc gia Warsaw (Ba Lan), thai nhi đã được bảo quản nguyên vẹn như bất kỳ xác ướp Ai Cập nào khác, cho dù các thủ thuật ướp xác chỉ được làm với người mẹ.
Cận cảnh xác ướp thai nhi tự nhiên nằm trong cơ thể người nữ quý tộc Ai Cập 2.000 tuổi - Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Warsaw (Ba Lan)
Trước đó, trong nghiên cứu được công bố trên Journal of Archaeology Science từ Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, xác ướp bí ẩn từng bị lầm tưởng là của linh mục Hor-Djehuti cho đến khi kết quả kiểm tra vào năm 2016 cho thấy đó là một phụ nữ. Sau đó vài năm, kết quả quét CT đã gây choáng váng khi người ta phát hiện một bào thai 26-30 tuần tuổi trong bụng cô.
Thông thường thai nhi trong cơ thể các nữ quý tộc Ai Cập qua đời sẽ được mang ra khỏi cơ thể mẹ và ướp xác riêng. Không rõ lý do bào thai này được để nguyên. Đây cũng là xác ướp Ai Cập mang thai đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Cuộc kiểm tra mới đã tiết lộ nhiều điều đặc biệt. Tờ Heritage Daily dẫn lời tiến sĩ Ozarek-Szilke, đồng giám đốc của Dự án Xác ướp Warsaw, cho biết xác ướp đã được phủ một lớp natron để làm khô cơ thể. Natron là một hỗn hợp có trong tự nhiên của natri cacbonat decahydrat, cùng một lượng nhỏ natri clorua và natri sunfat.
Trong quá trình mẹ được ướp xác, thai nhi trong tử cung đã bị tác động bởi môi trường bị thay đổi từ kiềm sang axit. Axit fomic và các hợp chất khác được hình thành trong tử cung người chết đã thay đổi độ Ph bên trong cơ thể người mẹ .
Điều này khiến các khoáng chất trong xương của thai nhi bị rửa trôi, xương khô dần. Toàn bộ cơ thể trải qua quá trình khoáng hóa, y như cách người Ai Cập đã cố tạo nên cho các mô của xác ướp người lớn. Đó là lý do trong ảnh chụp CT, thai nhi hầu như không thấy xương cho dù hình hài thì rất nguyên vẹn.
Như vậy, dù không được tác động trực tiếp, đứa bé đã trở thành xác ướp hoàn hảo mà vẫn ngủ yên trong bụng mẹ.