WHA Corp, công ty hàng đầu ở Thái Lan về cung cấp loại hình bất động sản này, dự báo trong năm nay và cả năm sau các công ty Trung Quốc sẽ chiếm khoảng một nửa các hợp đồng mua bán đất khu công nghiệp do họ cung cấp. Năm 2018 con số chỉ là 12%. Công ty này cũng hoạt động ở cả Việt Nam.
"Mọi người đang dịch chuyển một số hoạt động sản xuất", David Nardone, một lãnh đạo của WHA cho hay. "Thái Lan và Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Một "giọt nước" ở Trung Quốc có thể trở thành "lũ" ở hai nước này do sự khác biệt về quy mô nền kinh tế".
Thái Lan đã tung ra những ưu đãi hấp dẫn ví dụ như giảm thuế 50% để lôi kéo các nhà sản xuất đang tìm cách tránh né những đợt thuế quan dồn dập mà Trung Quốc và Mỹ tung ra. Những bằng chứng gần đây cho thấy Việt Nam đang nhỉnh hơn một chút trong cuộc đua thu hút các nhà sản xuất.
Ví dụ, số công ty dự định chuyển hẳn nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc mở thêm nhà máy ở Việt Nam hiện cao gấp hơn 3 lần so với sang Thái Lan, theo nghiên cứu của Nomura.
Tổng vốn FDI đăng ký ròng mà các công ty Trung Quốc đổ vào Thái Lan đang tăng nhanh, trong nửa đầu năm 2019 tăng trưởng gấp 5 lần so với 1 năm trước.
Tổng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc và Hồng Kông đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ đứng sau các nhà đầu tư Nhật Bản vốn đã hoạt động mạnh ở Thái Lan từ nhiều năm nay.
WHA dự định mở thêm 6 bên cạnh 10 khu công nghiệp hiện đang có owr Thái Lan và đã bắt đầu bán đất khu coog nghiệp ở Việt Nam.
Ông Nardone cho rằng Thái Lan và Việt Nam không phải là đối thủ của nhau, mỗi bên đều có những thế mạnh và nhược điểm riêng.
Trong khi mất nhiều thời gian để có thể thành lập 1 nhà máy ở Việt Nam, Thái Lan lại thiếu hụt nhân công. Các nhà sản xuất cũng có xu hướng chỉ chuyển một phần hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Các quan chức Thái Lan cho biết các công ty gồm Sony, Sharp và Harley Davidson đang chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Thái. Họ kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ giúp tăng thêm đáng kể sức mạnh cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu vốn đã trì trệ trong thời gian gần đây do đồng baht Thái tăng mạnh, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và bất ổn chính trị.