Thái Lan: Người hùng tử nạn trong "kỳ tích Tham Luang" từng nhắc tới cái chết

Thi Anh |

"Saman nói rằng chúng ta không bao giờ biết khi nào mình sẽ chết. Ta không kiểm soát được chuyện đó nên ta cần trân trọng từng ngày", vợ cựu đặc nhiệm Thái Lan nói.

Sự hy sinh cho một kỳ tích

Thái Lan đã giải cứu thành công 12 cầu thủ nhí của đội bóng Lợn Hoang và huấn luyện viên của các em sau nhiều ngày mắc kẹt trong hệ thống thang động tối tăm và ngập nước ở Chiang Rai. Đóng góp vào thành công này là sự hy sinh không hề nhỏ của cựu đặc nhiệm hải quân Saman Gunan, người duy nhất tử nạn trong chiến dịch giải cứu.

Người cựu đặc nhiệm 38 tuổi hoạt động với vai trò của một tình nguyện viên khi anh bị bất tỉnh dưới nước trong lúc đặt các bình dưỡng khí dự trữ dọc tuyến đường từ cửa hang vào nơi đội bóng nhí trú ẩn.

Gunan đã hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng bị bất tỉnh trên chặng đường quay trở ra ngoài. Người bạn lặn đồng hành với anh đã cố gắng thực hiện hồi sức tim phổi cho Gunan nhưng không thể đưa anh quay trở lại.

Gunan là một trong số gần 80 đặc nhiệm Thái Lan tham gia vào hoạt động giải cứu. Cái chết của anh đã làm nảy sinh lo ngại về khả năng những người mắc kẹt không thể ra khỏi hang Tham Luang. Nhưng không vì thế mà những người làm nhiệm vụ cứu hộ lung lạc tinh thần. Thậm chí, sự hy sinh của Gunan còn tiếp thêm sức mạnh cho họ.

"Chúng tôi sẽ không để mạng sống [của cựu đặc nhiệm Gunan] bị lãng phí", chỉ huy lực lượng SEAL Thái Lan Arpakorn Yookongkaew cho hay.

Và tối qua, họ đã làm được.

"Chúng tôi không biết đây là ký tích, khoa học hay gì. Tất cả 13 thành viên đội Lợn Hoang giờ đã ra khỏi hang", SEAL Thái Lan đăng trên Facebook.

Trong khi cả thế giới vui mừng trước tin tức tốt lành hiếm hoi ấy, thì gia đình Gunan phải chuẩn bị cho một cuộc sống không còn bóng dáng của anh.

"Người hùng của hang Tham Luang"

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, vợ anh, chị Waleeporn Gunan đã chia sẻ nỗi mất mát của mình.

"Ngày nào trước khi đi làm chúng tôi cũng dành cho nhau những lời yêu thương", chị Waleeporn nói.

Thái Lan: Người hùng tử nạn trong kỳ tích Tham Luang từng nhắc tới cái chết - Ảnh 2.

Chị Waleeporn Gunan, vợ cựu đặc nhiệm Saman Gunan. Ảnh: BBC

Chị cũng cho biết hai vợ chồng từng nói chuyện về cái chết với nhau.

"Saman nói rằng chúng ta không bao giờ biết khi nào mình sẽ chết. Ta không kiểm soát được chuyện đó nên ta cần trân trọng từng ngày".

Giờ đây, khi anh Gunan đã ra đi, chị Waleeporn cảm thấy như mình đã chết: "Nếu bạn hỏi tôi rằng tôi có buồn không thì giờ tôi sống mà như đã chết. Tôi cố gắng kìm nén nỗi buồn bằng lòng tự hào".

Chị Waleeporn cho hay, chồng chị yêu thích công tác tình nguyện và giúp đỡ người khác. "Anh ấy đã được ca ngợi là người hùng. Em muốn nói với anh rằng anh mãi là người hùng trong trái tim em, đã luôn và sẽ luôn như vậy", chị Waleeporn dành những lời yêu thương cho người chồng đã khuất.

Chỉ huy chiến dịch giải cứu Narongsak Osottanakorn đã gọi anh Gunan là "người hùng của hang Tham Luang".

"Cậu ấy là một đặc nhiệm SEAL rất có năng lực và là một người ưa thích thể thao mạo hiểm", lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Lan đăng tải trên Facebook, "Mặc dù cậu ấy không còn phục vụ trong đơn vị nữa nhưng cậu ấy vẫn yêu quý và giữ liên lạc với tất cả các đặc nhiệm".

"Ngay cả chặng cuối của cuộc đời, hạ sĩ nhất Saman đã rời bỏ chúng ta và thế giới này khi đang làm việc cùng các người anh em SEAL, những người cố gắng tiến lên và hoàn thành nhiệm vụ đã định".

"Sự quyết tâm và lòng tốt của anh ấy sẽ luôn ở trong tim tất cả những người anh em SEAL".

Trước khi lên đường tới Chiang Rai để tham gia vào công tác cứu hộ, Saman đã ghi lại hình ảnh của mình. Trong đoạn video, anh nói rằng anh muốn giúp "đưa các cậu bé quay trở về nhà".

"Đã chất toàn bộ đồ đạc của tôi lên máy bay rồi. Tôi sẵn sàng lên đường tới Chiang Rai", anh Gunan nói trong đoạn video tự quay, "Hẹn gặp lại các bạn ở Tham Luang, Chiang Rai. Hy vọng may mắn sẽ đồng hành với chúng ta để đưa các cậu bé quay trở về nhà".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại