Hành động của FAT đến ngay sau khi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tăng số lượng đội dự World Cup từ 32 lên 48, bắt đầu từ giải năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc châu Á sẽ có có 8,5 suất thay vì 4,5 suất như hiện tại. Cơ hội dành cho những đội như Thái Lan tăng lên rõ rệt.
"Chúng tôi cần một kế hoạch phát triển dài hạn trong 10 – 20 năm. Mục đích của FAT là biến Thái Lan thành đội tuyển hàng đầu châu Á và có khả năng dự World Cup trong vòng 10 năm tới", phát ngôn viên của FAT Patit Supapong cho biết.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Somyot Poompunmuang (ở giữa)
Với chủ đề "Come Together", FAT đã lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các quan chức bóng đá, HLV, cầu thủ và cả giới truyền thông. Chủ tịch Somyot Poompunmuang nhấn mạnh FAT chưa có một kế hoạch phát triển bóng đá bằng văn bản trước khi ông lên nhậm chức năm ngoái.
"Khi tôi bắt đầu làm Chủ tịch FAT tôi đã không nhận được bất cứ hướng dẫn nào từ nhiệm kỳ trước. Tôi biết rằng mình sẽ không ở vị trí này mãi mãi nên muốn tạo một kế hoạch cụ thể cho người kế nhiệm.
Đây chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi lắng nghe ý kiến đóng góp từ mọi người để xây dựng nên một kế hoạch lâu dài", Somyot chia sẻ.
Thái Lan sẽ làm mọi cách để giành vé đến World Cup.
Theo kế hoạch đề ra đến năm 2037, Thái Lan sẽ tập trung phát triển chất lượng cầu thủ và HLV để có thể cạnh tranh ở cấp độ quốc tế. Từ trước đến giờ, Thái Lan chưa từng dự World Cup và không có khả năng thực hiện điều đó ở giải đấu năm 2018.
Sau 5 trận của vòng loại thứ 3, đội bóng của HLV Kiatisak chỉ giành được 1 điểm, qua đó xếp cuối bảng B sau Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia, UAE và Iraq. Đội ĐKVĐ AFF Cup còn 5 trận lượt về trong năm 2017 nhưng khả năng họ chiếm 1 trong 2 suất đầu bảng để góp mặt ở Nga gần như không xảy ra.
Hành động của FAT cho thấy họ có tham vọng thật sự để góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa có một phản ứng nào để xây dựng lộ trình hướng đến World Cup.
Trước đó, FAT cũng công bố lộ trình xây dựng hệ thống giải chuyên nghiệp mới, bắt đầu từ năm 2017. Theo đó, hệ thống giải chuyên nghiệp của họ sẽ có mô hình kim tự tháp với đỉnh là Thai League (T1). Từ năm 2019, Thai League sẽ giảm số lượng đội từ 18 xuống 16 để ĐTQG có nhiều trận đấu quốc tế hơn.
Càng xuống dưới, số lượng đội càng tăng lên, chẳng hạn như cấp thứ 3 (T3) sẽ có 32 đội được chia làm 2 vùng. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng mở cửa để các đội đăng ký cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á đến thi đấu. Với những đội ở Thai League, nó sẽ bắt đầu có hiệu lực từ mùa giải 2018.
Những điều này cho thấy rằng, người Thái sẵn sàng làm tất cả để biến giấc mơ dự World Cup thành hiện thực.
Ngoài kế hoạch chỉn chu, bóng đá Thái Lan còn có tiềm lực tài chính hùng hậu. Mới đây, Toyota đã công bố số tiền tài trợ gần 20 triệu USD (hơn 440 tỷ) từ năm 2017 đến 2020 cho các giải đấu ở Thái (Thai League, League Cup, Mekong Cup…). Ở Việt Nam, đối tác này cũng tài trợ cho V-League nhưng chỉ dừng ở mức 40 tỷ ở mùa giải 2016.