Truyền thông sở tại dẫn lời Somboon Chitphentom, Trợ lý Thống đốc BoT phụ trách nhóm quản lý tiền giấy, cho biết những đồng tiền giấy nói trên chưa bao giờ được lưu thông và đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, BoT cũng đang thu hồi và cách ly tiền giấy trong vòng 14 ngày, thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, và sau đó sẽ đưa trở lại lưu thông.
Tại Thái Lan cho tới nay đã ghi nhận 50 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Ngoài một trường hợp tử vong, đã có 31 bệnh nhân khác được xuất viện. Hai trường hợp mới được công bố hôm 7/3 là công dân Thái Lan trở về từ Italy.
Theo Phó Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh Thanarak Plipat, Bộ Y tế Thái Lan đang phát triển một ứng dụng báo cáo sức khỏe dành cho tất cả những người trở về từ bốn nước Trung Quốc (tính cả Macau và Hong Kong), Hàn Quốc, Italy và Iran. Ông Thanarak cho biết ứng dụng trực tuyến này dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới và khi được triển khai, những người trở về có thể ở nhà mà vẫn liên lạc được với các quan chức y tế công cộng.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của Đại học Suan Dusit Rajabhat công bố ngày 8/3 cho thấy kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người dân Thái Lan trong giai đoạn hiện nay, tiếp theo là dịch COVID-19.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ 3 - 7/3 đối với 1.162 người trên khắp đất nước để thu thập ý kiến về tình hình hiện nay liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh cuộc sống và tài sản.
Khi được hỏi về những lo ngại trong tình hình hiện nay, 78,45% số người trả lời chỉ ra vấn đề kinh tế, nói rằng thu nhập của họ khó có thể đáp ứng giá cả hàng hóa đang tăng lên, buộc họ phải tìm việc làm thêm. Họ gợi ý rằng Chính phủ đẩy mạnh những nỗ lực để giải quyết vấn đề này.
Dịch COVID-19 được 71,47% số người trả lời đề cập tới. Họ gợi ý rằng Chính phủ nên tìm những địa điểm để cách ly những người có nguy cơ cao, nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu khẩu trang, hỗ trợ những bệnh viện cần giúp đỡ và thông tin sự thật liên quan đến việc lây nhiễm COVID-19 với người dân.