Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với 'Diên Hi', 'Như Ý'

Phương An |

Trong cả hai bộ phim Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện, Thái hậu đều chỉ là mẹ nuôi của Càn Long Đế nhưng sự thật lại hoàn toàn khác xa với những gì khán giả thấy trên màn ảnh nhỏ.

Trong thời gian gần đây, hai bộ phim cung đấu Diên Hi công lượcHậu cung Như Ý truyện đang được nhiều khán giả quan tâm theo dõi.

Cả hai bộ phim đều nói về thời Càn Long Đế và có điểm chung là vị Thái hậu cao cao tại thượng được Càn Long thập phần kính trọng chỉ là mẹ nuôi của vị Hoàng đế này. Vậy trong lịch sử điều này có phải là sự thật?

Sùng Khánh Hoàng thái hậu: Mẹ đẻ hay mẹ ruột của Càn Long?

Trong bộ phim Diên Hi công lược, sau khi lên ngôi một thời gian dài, Càn Long Đế mới phát hiện ra vị Thái hậu ôn nhu, thấu hiểu lòng người mà ông ngày đêm kính trọng chỉ là mẹ nuôi.

Ngược lại, trong Hậu cung Như Ý truyện, trước khi đăng ngôi đại bảo, Càn Long đã biết thân mẫu nuôi dưỡng mình bao nhiêu năm qua chỉ là mẹ nuôi.

Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với Diên Hi, Như Ý - Ảnh 1.

Sùng Khánh Hoàng thái hậu (1691 - 1777).

Với một vị Thái hậu luôn muốn nắm quyền lực, Càn Long hết sức kiêng dè.

Ngay cả những phi tần mà Thái hậu tiến cử, vị vua này cũng chỉ nhận, sủng ái có, ghét bỏ có nhưng nhất quyết không để ai có con với ông, phòng thế lực của Thái hậu bành trướng. Mặc khác, Càn Long vẫn ngày ngày tới thỉnh an Thái hậu, tỏ lòng hiếu thảo với bà.

Xoay quanh mối quan hệ giữa Càn Long và Sùng Khánh Hoàng thái hậu, trong dân gian cũng xuất hiện nhiều giai thoại khác nhau.

Có truyền thuyết kể lại rằng, do Ung thân vương (tức Ung Chính sau này) do muốn lấy lòng Khang Hi Đại Đế để ngồi lên ngai vàng đã đánh tráo con gái của mình lấy con trai của Trần Các Lão - một viên quan người Hán có quan hệ mật thiết với ông.

Do từng trải chốn quan trường nên Trần Các Lão đã dọn nhà về quê ở Hải Ninh sinh sống, để Ung Thân vương yên tâm mà cho gia đình ông một con đường sống.

Đứa con trai của Trần gia sau khi vào Ung vương phủ đã được Ung Thân vương đặt tên cho là Hoằng Lịch, tức Càn Long sau này.

Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với Diên Hi, Như Ý - Ảnh 2.

Sùng Khánh Hoàng thái hậu là vị Hoàng thái hậu trường thọ bậc nhất nhà Thanh.

Sau khi Càn Long biết về thân thế thật của mình, trong thời gian trị vì của mình, Càn Long đã 6 lần xuống Giang Nam du tuần.

Trong đó, có tới 4 lần ông chọn Hải Ninh là điểm nghỉ chân và đều chọn ở lại tại phủ nhà họ Trần. Chính vì lẽ đó mà hậu thế đều tin rằng ông tới đây để thăm lại cha mẹ đẻ của mình, đi tuần Giang Nam chẳng qua chỉ là cái cớ.

Tuy nhiên, lịch sử lại khác xa những gì xuất hiện trên phim ảnh và những lời đồn đại trên. Hoằng Lịch - Càn Long Đế thực chất là con trai thứ 4 của Ung Chính và Sùng Khánh Hoàng thái hậu (1691 - 1777).

Sùng Khánh Hoàng thái hậu là người của dòng tộc Nữu Hỗ Lộc thị thuộc Mãn quân Tương Hoàng kỳ. Tuy đại gia tộc Nữu Hỗ Lộc rất được trọng vọng, nhưng riêng gia đình bà chỉ là một nhánh xa, cuộc sống không khác người bình dân là bao.

Năm Khang Hi thứ 43 (1704), khi mới 13 tuổi, Nữu Hỗ Lộc thị được gả vào phủ Ung Thân vương với danh phận Cách cách (dưới Đích Phúc tấn, Trắc Phúc tấn và trên các thị thiếp không danh phận khác). Vào năm 1711, Nữu Hỗ Lộc thị sinh hạ người con thứ 4 cho Ung thân vương là Hoằng Lịch.

Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với Diên Hi, Như Ý - Ảnh 3.

Tranh vẽ Sùng Khánh Hoàng Thái hậu và vua Càn Long lúc mới đăng cơ.

Năm Hoằng Lịch 10 tuổi, Nữu Hỗ Lộc lần đầu theo Ung Thân vương vào bái kiến Khang Hi Đế trong một buổi yến tiệc tại Mẫu Đơn đài - Viên Minh Viên.

Khang Hi Đế lúc đấy thấy Hoàng tôn thông minh hơn người thì thập phần yêu thích, liền đón vào cung cho đọc sách, tự mình dạy dỗ.

Cách cách Nữu Hỗ Lộc thị do đó cũng được khen ngợi biết dạy con, được chính vua Khang Hi ưu ái nhận xét là “phúc hậu lạ kỳ”.

Năm 1722, vua Khang Hi băng hà, Ung Thân vương lên ngôi Ung Chính Hoàng đế.

Đích Phúc tấn Ô Lạt Na Lạp thị sắc phong lên Hoàng hậu, Trắc Phúc tấn Niên thị được lập làm Quý phi, Trắc Phúc tấn Lý thị tấn phong làm Tề phi, còn Cách cách Nữu Hỗ Lộc thị làm Hi phi.

Vốn dĩ, theo lệ Nữu Hỗ Lộc thị chỉ được sắc phong lên chức Tần nhưng do trước đây bà có công chăm sóc Ung Thân vương, lại có con trai Hoằng Lịch thông minh hết phần thiên hạ, nên được ưu ái phong tước Phi.

Cuối cùng, Hoàng hậu và Niên Quý Phi đều tạ thế, Hi Phi tiến thêm một bước trở thành Hi Quý phi, danh chính ngôn thuận thống lĩnh cả hậu cung.

Sau khi trị vì 12 năm, vua Ung Chính băng hà, nhường ngôi cho tứ a ca Hoằng Lịch, lấy niên hiệu là Càn Long. Lúc này, Càn Long đã tôn mẫu thân là Hi Quý phi trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu.

Vị Thái hậu sống thọ nhất Thanh triều và lòng hiếu thảo của vua Càn Long

Sùng Khánh Hoàng thái hậu hưởng thọ 86 tuổi, trong đó có tới 43 năm giữ vị trí Hoàng thái hậu, trở thành người sống thọ nhất trong số các Thái hậu của nhà Thanh.

Không chỉ vậy, Sùng Khánh Hoàng thái hậu lại sống vào thời “Khang - Càn thịnh thế” nên mọi vinh hoa phú quý trong thiên hạ bà đều từng nếm trải qua.

Tấm lòng hiếu thảo của Càn Long Đế đối với Sùng Khánh Hoàng thái hậu luôn được hậu thế ca ngợi và được coi là tấm gương của mọi người con trong thiên hạ.

Cụ thể, trong những chuyến Nam tuần, Càn Long đều đưa Sùng Khánh Hoàng thái hậu đi thưởng ngoạn, đồng thời cũng hỏi ý kiến bà trong một số công việc. Khi Thái hậu tuổi đã cao, Càn Long cũng dừng lại mọi chuyến du ngoạn và chỉ tiếp tục xuất hành khi bà qua đời.

Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với Diên Hi, Như Ý - Ảnh 4.

Tạo hình Thái hậu trong phim Diên Hi công lược.

Năm đại thọ 60 tuổi của Thái hậu, Càn Long do muốn thân mẫu của mình được nhìn ngắm phong cảnh phương nam của Trung Quốc ngay tại Tử Cấm Thành nên đã ra lệnh xây một phố thị theo phong cách của Tô Châu.

Cho các thái giám, cung nữ đóng giả thành người mua kẻ bán tấp nập để mô phỏng cuộc sống thường ngày ở Tô Châu.

Năm Sùng Khánh Hoàng thái hậu 86 tuổi, Càn Long Đế cũng đã 67 tuổi. Do đó, Càn Long Đế muốn tổ chức một bữa tiệc thật long trọng để chúc mừng đại thọ 90 tuổi của Thái hậu cũng như lễ mừng thọ 71 tuổi của ông.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, vào đầu tháng 1/1777, Thái hậu đột nhiên đổ bệnh.

Lúc này, Càn Long mỗi ngày đều ghé qua cung của Thái hậu, hầu bà cơm tối mỗi ngày. Bệnh tình không mấy nghiêm trọng nhưng mấy tuần sau, tình hình bất ngờ chuyển biến xấu đi và Sùng Khánh Hoàng thái hậu qua đời.

Thái hậu chỉ là mẹ nuôi của Càn Long và sự thật khác xa với Diên Hi, Như Ý - Ảnh 5.

Tạo hình Thái hậu trong phim Hậu cung Như Ý truyện.

Tới tháng 3/1777, Càn Long Đế đích thân cử hành đại lễ dâng thụy tại Thái Hòa môn, kính cẩn sách tôn thụy hiệu cho Hoàng thái hậu là Hiếu Thánh Từ Tuyên Khang Huệ Đôn Hòa Kính Thiên Quang Thánh Hiến Hoàng hậu.

Bên cạnh đó, Càn Long còn xây riêng cho bà một lăng mộ, cách Thái lăng của Ung Chính không xa.

Không chỉ vậy, Càn Long Đế vẫn muốn vì Thái hậu mà làm nên một bảo tháp bằng vàng, dùng để đựng những cọng tóc rụng trên lược chải của bà mỗi ngày.

Vào mỗi ngày đại lễ tang giá cử hành, Càn Long Đế lúc đó tuy đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn rất mực cung kính, đều đích thân đến tế tang, tế rượu, tế điện. 

Các quan viên đều sợ ảnh hưởng thân thể Hoàng đế, nên kiến nghị cử người đi thay, nhưng Càn Long Đế vẫn một mực từ chối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại