Vừa qua, Tùng Dương đã gây xôn xao dư luận khi tuyên bố "Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc".
Chính chữ "thụt lùi trong âm nhạc" đã khiến rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải lên tiếng về quan điểm này của Tùng Dương. Đa số những nghệ sĩ lên tiếng đều có ý cho rằng, Tùng Dương đang tự kiêu và ảo tưởng về bản thân, đồng thời coi thường Bolero.
Vậy, Tùng Dương có thực sự đang kênh kiệu và coi thường Bolero?
Mr. Đàm cho rằng Tùng Dương đang "khinh miệt" những nghệ sĩ hát Bolero
Kiên quyết không hát Bolero – thừa nhận sự yếu kém hay ý thức về bản thân?
Thái độ của Tùng Dương hiện tại là kiên quyết không hát Bolero, dù có được trả nhiều tiền đi chăng nữa. Anh tuyên bố: "Ca sĩ cũng cần phải là những người có tâm và phù hợp mới theo đuổi những dòng nhạc đó được. Còn tôi, thú thật, có người trả tiền, doanh nghiệp tài trợ để tôi làm một album Bolero, tôi cũng sẽ không làm vì nhạc này không phù hợp với tạng âm nhạc của tôi".
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đó là sự kênh kiệu và coi thường Bolero. Có người lại cho rằng, nam ca sĩ không đủ sức hát Bolero nên mới từ chối thẳng thừng như vậy. Nhưng sự thật là, không phải ai cũng dám nhìn vào sự thật như Tùng Dương để chấp nhận bản thân mình.
Trên thế giới, một nghệ sĩ dù có giỏi tới đâu cũng không thể ôm quá nhiều loại nhạc. Họ thường chỉ tập trung vào một hoặc một số dòng nhạc nhất định, coi nó như sở trường để phát huy tài năng.
Và khi nghệ sĩ đặt cả tâm hồn, trái tim vào một loại nhạc, họ sẽ sống chết, thăng hoa để tạo nên những đỉnh cao cho nó. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng, họ sẽ khó có thể hát hay và thành công được ở những dòng nhạc khác, nếu không muốn nói là hát khá dở.
Aretha Franklin hát ca khúc pop Hero của Mariah Carey khá dở
Nhưng hát nhạc Soul thì khó ai vượt qua được
Ca sĩ nhạc Gospel Cissy Houston từng khẳng định: "Chúng tôi hát được một số loại nhạc, trừ nhạc dance. Chúng tôi không bao giờ hát nhạc đó và chắc chắn nếu hát sẽ rất chán". Ý của bà là với một ca sĩ theo dòng Gospel khó hát dance được.
Nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin lại thừa nhận: "Với cái giọng của tôi mà đi hát ballad thì ai mà nghe nổi. Thế nên, tôi chẳng dại gì hát ballad". Quả thực, giọng hát đanh, dày của Aretha mà hát ballad sẽ rất chua. Nhưng khi vào đúng sở trường Soul, bà lại trở thành một tượng đài không thể thay thế.
Huyền thoại nhạc Jazz Nina Simone khi được hỏi về đàn em Whitney Houston cũng nói: "Whitney Houston thì hơn tôi ở chỗ âm nhạc của cô ấy được giới trẻ ưa chuộng. Tôi không làm được điều này. Nhưng không có nghĩa cô ấy tài năng hơn tôi".
Trong câu nói này là cả một sự tự tin nhưng không hề tự kiêu của một người nghệ sĩ đã nhận thức rõ tài năng và vị trí của mình ở đâu.
Rõ ràng, với các nghệ sĩ thế giới, việc chọn hát dòng nhạc nào, thể loại nào đã được định hình rõ nét từ khi họ bước chân vào con đường nghệ thuật, để từ đó ăn sâu vào máu thịt của họ. Tên tuổi của họ sẽ gắn liền với dòng nhạc đó và được công nhận một cách rộng rãi.
Ở Việt Nam, xu hướng nghe của đa số công chúng về các dòng nhạc chưa được định hình rõ nét. Khán giả thích gì nghe nấy, thấy hay thì nghe, chứ ít dành nhiệt huyết cho một thể loại nào (trừ những người nghe rock).
Bởi vậy, bản thân ca sĩ cũng ít gắn bó và đam mê thực sự, đặt cả trái tim mình vào một loại nhạc, để thăng hoa, tạo nên đỉnh cao cho nó, trừ những ca sĩ gạo cội như Thái Thanh, Thanh Lam, Trần Lập, Hồng Nhung…
Xu hướng của ca sĩ ngày nay là nhạc gì hot, được công chúng ưa chuộng thì hát. Bởi thế mới có chuyện, Anh Thơ vốn là ca sĩ thính phòng, cách mạng lại chuyển sang hát Bolero. Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm là ca sĩ nhạc nhẹ cũng lấn sân hát Bolero.
Thậm chí, đến Hà Trần vốn không ít lần tự nhận mình là nghệ sĩ Indie, nhưng cũng hát Bolero, dù sự chuyển hướng này không được đón nhận nồng nhiệt.
Đôi khi, việc hát nhiều dòng nhạc, lấn sân sang Bolero cũng là cách để ca sĩ thể hiện sự đa dạng của bản thân và mở rộng thị trường. Điều này là chính đáng.
Tùng Dương tự nhận tạng nhạc của mình không hợp với Bolero
Nhưng Tùng Dương lại sẵn tính cầu toàn và thẳng thắn. Anh thừa nhận luôn là chưa đủ sức và dũng cảm để hát Bolero vì tự thấy "không hợp với tạng nhạc" của mình. Và đó cũng chính là lí do khiến anh kiên quyết không hát Bolero, dù được trả nhiều tiền.
Trong quan điểm này, Tùng Dương rõ ràng không hề kênh kiệu mà chỉ đang nhìn nhận đúng vị trí, năng lực của bản thân. Anh tự nhận thức được xu hướng âm nhạc, cũng như sở trường, và tâm hồn của mình đang đặt ở đâu để tập trung cho nó. Bản thân Tùng Dương không hát được quá nhiều thể loại nhạc và anh tự nhìn thấy điều đó.
Bolero là nhạc bình dân, ai hát cũng được, nhưng để hát hay, ra chất thì cần một quá trình lâu dài. Nó cũng có những kĩ thuật, lối hát riêng, mà người nghệ sĩ cần phải học rất nhiều, tới khi ngấm vào máu mới có thể hát được. Nhiều ca sĩ không ý thức được điều này nên khi chuyển sang hát Bolero sẽ không ra đúng màu sắc.
Điều này cũng tương tự như nhạc Jazz, vốn xuất thân là dòng nhạc bình dân của người da màu, thường hát ở các quán rượu, ai cũng hát được. Nhưng để hát được Jazz hay và nâng tầm nó lên thì cần sự cảm nhạc sâu sắc và chuyên môn cao.
Tùng Dương, dù đã có một nền tảng thanh nhạc vững chắc, vẫn không dám "đụng" tới Bolero như nhiều ca sĩ khác. Anh hiểu rằng, nếu đã hát một dòng nhạc nào thì cần phải đạt tới một trình độ nhất định ở dòng nhạc đó, chứ không thể hát hời hợt để thỏa mãn thị hiếu nhất thời của khán giả. Đây là thái độ của một nghệ sĩ nghiêm túc và trọng tính chuyên môn.
Chỉ có điều, phát ngôn của Tùng Dương lại hơi mạnh, dễ gây hiểu lầm rằng anh đang bất cần và ngông nghênh trước những lời mời hát Bolero.
Tùng Dương khinh thị hay vẫn coi trọng Bolero?
Những phát ngôn của Tùng Dương trong thời gian gần đây khiến công chúng cho rằng anh đang khinh thị Bolero. Nhưng thực chất, Tùng Dương vẫn coi trọng Bolero. Chỉ có điều, cách thể hiện của anh hơi gai góc và thẳng thừng, thiếu đi chút khéo léo của một người thuộc về công chúng.
Tùng Dương từng song ca và dành những lời có cánh cho danh ca Bảo Yến. Anh cũng khá ngưỡng mộ những danh ca Bolero khác như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Thanh Thúy… Điều này cho thấy, nam ca sĩ vẫn có thiện cảm nhất định với Bolero.
Tùng Dương song ca với Bảo Yến và dành tặng nữ danh ca Bolero nhiều lời có cánh, anh cũng tôn trọng các nghệ sĩ Bolero
Không những vậy, Tùng Dương hoàn toàn có cái nhìn nghiêm túc về Bolero, chứ không hẳn là sự khinh thị và thái độ đạp đổ. Đã từng nhiều lần, anh có những góp ý mang tính xây dựng, dù có gì đó hơi gay gắt:
"Tôi bị dị ứng! Các ca sĩ trẻ hiện nay đang làm dòng nhạc này bị biến đổi, không còn tinh thần như ban đầu nữa.
Những bài hát não nề, buồn đã được những nghệ sĩ như chị Hương Lan, anh Chế Linh, Ngọc Sơn,… hát rất hay, rất tình tứ, mang lại diện mạo của thời điểm nào đó.
Nhưng bây giờ, mọi người lại chạy theo trào lưu, thích bolero nên cứ cố để hát sao cho giống những người đi trước, nhưng họ hát không ra chất, không ra được những tinh thần nổi bật như thế".
Không những vậy, Tùng Dương còn tỏ ra thấu hiểu tâm thế của những nghệ sĩ Bolero trước đây, để nhìn về thị trường Bolero hiện tại: "Ca sĩ Bolero ngày xưa hát với máu thịt và niềm đam mê thực sự. Họ hát để thỏa cái đam mê trước chứ không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu".
Trong quan điểm của Tùng Dương, anh cho rằng Bolero là một tượng đài âm nhạc, nên cần phải được bảo tồn và giữ vững giá trị ban đầu, chứ không phải hát một cách ồ ạt theo thị trường để làm giảm chất lượng vốn dĩ của nó.
Quan điểm này khá phù hợp với cách nhìn nhận Bảo Yến. Nữ danh ca cũng từng cho rằng, có Bolero văn minh và Bolero sến. Và theo chị, Bolero văn minh như nhạc Lam Phương, Trúc Phương cần đến những ca sĩ cũng phải thật văn minh.
Hơn nữa, thái độ của Tùng Dương về tình trạng Bolero hiện nay cũng là nỗi đau đáu của người làm nghề khi thấy sự đa dạng hóa âm nhạc đang dần phai mờ trước việc "già trẻ, lớn bé đều hát Bolero".
Anh cho rằng, âm nhạc còn rất nhiều trường phái, ngóc ngách để tìm tòi và thưởng thức. Nếu giới trẻ cứ mãi đắm chìm trong Bolero như vậy, sẽ khó bắt kịp thế giới trong thời đại hội nhập.
Tùng Dương đang chuẩn bị cho live show Trời và Đất với những khai thác mới về âm nhạc đương đại
Tóm lại, trong quan điểm và cách nhìn nhận, Tùng Dương không sai. Anh vẫn tôn trọng Bolero và nhận thức rõ về năng lực, vị trí của mình khi tự thấy không thể hát và không muốn hát nó.
Chỉ có điều, cá tính quá mạnh khiến phát ngôn của Tùng Dương trở nên hơi gai góc, thẳng thừng, dễ gây đụng chạm tới nhiều nghệ sĩ và khán giả của dòng nhạc này, khiến họ tự ái. Từ câu chuyện của Tùng Dương, bài học cho cả giới nghệ sĩ lẫn công chúng là lòng bao dung và thấu hiểu nhau hơn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.