Tính cách Vua Charless III được cho là khác với thân mẫu của ông - Nữ hoàng Elizabeth II. Ông được coi là người có thể thổi làn hơi "cải cách" vào chế độ quân chủ lâu đời của nước Anh.
Thách thức với tân vương
Dù có một số lời đàm tiếu về thời tuổi trẻ và cuộc hôn nhân đầu tiên không hạnh phúc, nhưng vua Charles III lại đang được kỳ vọng sẽ kế tiếp di sản hình ảnh hoàng gia ổn định, biểu tượng thống nhất quốc gia của thân mẫu vừa băng hà cũng như giữ vững thể chế mà bà đã cố gắng bảo vệ.
Nguồn: Anadolu Agency - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH
Đây là "gánh nặng" quá lớn cho vị tân vương, trong khi ông cũng muốn theo đuổi những chương trình nghị sự của riêng mình.
Mặc dù có một số quyền lực danh nghĩa theo hiến định nhưng nhà vua ở nước Anh không có thực quyền.
Vua thường được cho là sẽ không can thiệp vào các vấn đề chính trị do nước Anh theo chế độ quân chủ lập hiến. Công việc của người đứng đầu Hoàng gia Anh ngày nay hầu như chỉ mang tính nghi lễ, nhưng vẫn có một số ý nghĩa tác động nhất định.
Một trong những thách thức đầu tiên với Vua Charles III là tiếp tục duy trì chế độ quân chủ như biểu tượng của sự thống nhất quốc gia khi cái bóng của Nữ hoàng để lại quá lớn.
Nữ hoàng Elizabeth II nổi tiếng là người gắn bó với truyền thống, giữ vai trò trung lập, không đảng phái. Bà đã duy trì hình ảnh bất biến như thế khi đưa nước Anh qua 15 đời thủ tướng, kể cả tân Thủ tướng Liz Truss.
Mặc dù Vua Charles III đã cẩn thận để không thể hiện quá công khai, nhưng khi còn trẻ ông được coi là một thành viên có quan điểm thẳng thắn về chính trị trong hoàng tộc.
Do đó, có một số ý kiến lo ngại ông có thể sẵn sàng lấn sân sang các vấn đề chính sự nhiều hơn khi làm vua. Và ông có thể sẽ từ bỏ lập trường trung lập, không đảng phái của người đứng đầu vương quốc như người mẹ quá cố.
Vượt qua "cái bóng"
Chế độ quân chủ ổn định trong nhiều năm qua của Anh đã giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự kết nối giữa Anh với di sản đế quốc của họ là khối Thịnh vượng chung.
Nữ hoàng Elizabeth II trong 70 năm là nguyên thủ quốc gia đã mang lại cho khối Thịnh vượng chung một biểu tượng nối kết và phi đảng phái. Nhiều chuyến thăm của bà tới các nước thuộc Khối thịnh vượng chung đã củng cố nguồn sức mạnh mềm và thúc đẩy ảnh hưởng ngoại giao của Vương quốc Anh.
Chính vì vậy, vị tân vương phải đối mặt với thách thức lớn khi vai trò toàn cầu của chế độ quân chủ Anh và quyền lực mềm của Vương quốc Anh sẽ bị giảm sút đáng kể khi nhiều thế hệ trên thế giới đã quen với hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II trong bảy thập niên qua.
Tuy nhiên, nhà vua 73 tuổi này cũng được biết đến như một chiến binh bảo vệ môi trường và là người ủng hộ nhiệt thành Hiệp định khí hậu Paris 2015.
Năm ngoái, tại Diễn đàn khí hậu Cop26 ở Glasgow (Scotland), Thái tử Charles nói với các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng thời gian để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã "gần hết theo nghĩa đen" và đây là một "mối đe dọa sinh tồn" lớn.
Ông nhấn mạnh: "Với dân số toàn cầu ngày càng tăng, tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên hữu hạn của hành tinh, chúng ta phải giảm lượng khí thải khẩn cấp và hành động để giải quyết lượng carbon đã có trong khí quyển, kể cả từ các nhà máy nhiệt điện than".
Khi lên ngôi ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, Vua Charles III phải gặp nhiều thách thức để có thể viết lại lịch sử theo cách của mình.
Do không được ưa thích như Nữ hoàng Elizabeth II, sự lên ngôi của Vua Charles III có thể làm sống lại cuộc tranh luận âm ỉ về tương lai của chế độ quân chủ Anh.
Bên cạnh những người xem đó là biểu tượng thống nhất quốc gia thì cũng có nhóm người cấp tiến xem đó là tàn tích của chế độ phong kiến. Đây cũng là thách thức với vị tân vương trong việc duy trì sự ủng hộ với hoàng tộc và thể chế quân chủ.