Stena Impero - mang cờ Anh, do Thụy Điển vận hành - bị bắt với 23 thủy thủ trên tàu. Tehran cáo buộc chiếc tàu này không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế và tắt thiết bị thu phát sóng sau khi va chạm với một tàu cá Iran.
Tàu chở dầu của Anh hiện neo đậu tại cảng Bandar Abbas, miền Nam Iran.
Trong đoạn video do Press TV phát sóng ngày Chủ nhật, 21/7, quốc kỳ Anh được treo trên tàu Stena Impero đã không còn, thay vào đó là quốc kỳ màu xanh-trắng-đỏ của Iran. Đoạn clip ngắn cũng cho thấy một tàu tuần tra nhỏ hoạt động quanh vùng nước gần chiếc tàu này.
Vào sáng ngày 21, người đứng đầu của Tổ chức hàng hải và cảng biển ở tỉnh Hormozgan, Iran, ông Allah-Morad Afifipoor, nói với Press TV rằng hiện chưa rõ cuộc điều tra đối với tàu chở dầu vừa bị bắt sẽ kéo dài bao lâu, tùy thuộc vào mức độ hợp tác của thủy thủ đoàn cũng như khả năng Tehran thu được các tài liệu liên quan.
Hãng thông tấn ISNA (Iran) ngày 20/7 đưa tin, thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu - gồm 18 người Ấn Độ, 3 người Nga, 1 người Latvia và 1 người Philippines - vẫn ở trên tàu, được thông báo trong tình trạng "tốt và khỏe mạnh", có thể trở thành đối tượng trong một cuộc thẩm vấn.
Chính phủ Anh đã gửi thư lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phản bác hành động của hải quân Iran. London tuyên bố tàu Stena Timpero bị Tehran bắt giữ trong lãnh hải Oman và không có hành động sai trái gì.
Một đoạn ghi âm radio được công bố mới nhất hé lộ cuộc trao đổi căng thẳng giữa hải quân Iran với tàu hộ vệ HMS Montrose của Anh - chiếc tàu ở gần và có nhiệm vụ bảo vệ tàu chở dầu, cho thấy phía Anh kiến nghị tàu Stena Impero chống lại yêu cầu của quân đội Iran.
Iran treo quốc kỳ lên tàu chở dầu của Anh bị bắt
"Các vị đang lưu thông quá cảnh tại một eo biển quốc tế được công nhận, căn cứ theo luật pháp quốc tế thì hành trình này không được phép bị can thiệp, ngăn cản, gây trở ngại hoặc làm tổn hại," chiến hạm Anh trao đổi với tàu chở dầu.
Trong khi đó, phía Iran tuyên bố họ không có ý định "khiêu khích" và cần phải kiểm tra tàu của Anh vì "lý do an ninh".
Theo dự kiến, chính phủ Anh sẽ công bố các bước hành động tiếp theo trong phiên họp tại Quốc hội ngày hôm nay, 22/7. Tuy nhiên, các chuyên gia trong khu vực nhận định không có nhiều phương án khả thi đối với London vào thời điểm này, bởi Iran đã hứng chịu những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhất có thể đến từ Mỹ - bao gồm lệnh cấm Tehran xuất khẩu dầu mỏ ở phạm vi toàn cầu.
Một tàu hải quân Iran di chuyển quanh tàu chở dầu của Anh bị bắt (Ảnh: Mizan News Agency)
Sputnik News bình luận, trong khi Iran lý giải việc bắt tàu dầu Anh do vi phạm luật hàng hải, đã có sự liên hệ rõ ràng giữa hành động này với vụ hải quân hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu cỡ lớn Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar hai tuần trước.
Chiếc Grace 1 bị Anh nghi ngờ vận chuyển trái phép dầu mỏ của Iran tới đất nước bị cấm vận là Syria. Tehran bác bỏ cáo buộc và kêu gọi Anh thả tàu.