Thách thức nặng nề

Nguyễn Trường |

Cuộc bầu cử tổng thống Syria đã khép lại với kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát khu vực và quốc tế.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu bầu cử tại Douma, gần Damascus ngày 26/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu bầu cử tại Douma, gần Damascus ngày 26/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi) đã giành chiến thắng với hơn 95% số phiếu ủng hộ để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo dài 7 năm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới của Syria sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, giữa lúc cuộc xung đột kéo dài hơn 10 năm qua đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với người dân và đất nước Syria, trong khi tiến trình chính trị nhằm đem lại ổn định cho quốc gia Trung Đông này vẫn gặp nhiều trắc trở.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai của Syria kể từ khi đất nước này bị cuốn vào làn sóng mang tên "Mùa xuân Arab" từ giữa tháng 3/2011. Ông al-Assad đã giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ là cựu thành viên chính phủ Abdallah Saloum Abdallah và thủ lĩnh một đảng đối lập ôn hòa, ông Mahmoud Ahmed Marei. Lên nắm quyền từ năm 2000, đương kim Tổng thống al-Assad có nhiều lợi thế hơn so với hai ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử. Mặc dù Syria đã trải qua hơn 10 năm xung đột và luôn phải đương đầu với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, chính quyền của Tổng thống al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước và duy trì bộ máy nhà nước hoạt động bình thường cho tới nay. Với việc tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống al-Assad có cơ hội tiếp tục thúc đẩy chính sách hiện hành. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng toàn diện, cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội và nhân đạo ở Syria sau khi làn sóng "Mùa xuân Arab" tràn vào khu vực Trung Đông-Bắc Phi, thực sự là bài toán nan giải.

Các cuộc biểu tình bùng nổ tại Syria tháng 3/2011 trong làn sóng "Mùa xuân Arab" đã dẫn đến những chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Syria, kéo theo đó là cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa quân chính phủ và các phe nhóm đối lập. Điều đó cũng đã để lại khoảng trống an ninh rất lớn, tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như các nhóm thánh chiến và một số nhóm khủng bố khác hoành hành, gây bao đau thương cho người dân Syria. IS có thời điểm chiếm đóng hơn 80% diện tích lãnh thổ Syria và kiểm soát hầu hết các cơ sở sản xuất dầu mỏ của nước này. Từ cuối tháng 9/2015, nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga và Iran, quân đội Chính phủ Syria đã đánh bại hoàn toàn IS và các nhóm khủng bố khác, đồng thời đẩy lùi các lực lượng đối lập. Chính quyền Syria đến nay đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 75% lãnh thổ đất nước, trong đó có các thành phố lớn.

Tuy nhiên, tình hình Syria vẫn rất phức tạp. Các khu vực Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc hiện vẫn do lực lượng đối lập và các nhóm thánh chiến chiếm giữ, khiến bất ổn an ninh tiếp diễn tại một số nơi và luôn tiềm ẩn khả năng leo thang. Bên cạnh đó, cuộc xung đột của Syria liên quan tới nhiều nước, kể cả Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 12.000 quân ở Tây Bắc Syria nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn và các chiến binh thánh chiến tràn qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như chống lại lực lượng người Kurd mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh. Ở vùng Đông Bắc giàu dầu mỏ, sau cuộc chiến kéo dài chống IS ở Syria và Iraq, Mỹ vẫn duy trì gần 900 binh sĩ để vừa kiềm chế Iran tăng cường sức ảnh hưởng ở Syria và trong khu vực, vừa hỗ trợ Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) người Kurd gồm hơn 100.000 chiến binh, hiện kiểm soát khoảng 25% lãnh thổ và 80% tài nguyên của Syria.

Xung đột dai dẳng cùng bất ổn chính trị và an ninh đã đẩy Syria rơi vào cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khi hơn 50% trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải lưu vong tại các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Iraq và Ai Cập. Sau hơn 10 năm, hiện có tới 13,4 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận các loại lương thực cơ bản vì giá lương thực đã tăng 250% trong năm ngoái do đồng nội tệ của Syria mất giá thê thảm và nguồn cung lương thực khan hiếm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres từng nói rằng tình hình ở Syria là cơn ác mộng kinh hoàng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Trong khi đó, những thiệt hại về vật chất khó có thể đo đếm được. Nền kinh tế Syria đã bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm mạnh từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn 21,6 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Hiện chưa có số liệu chính thức về những tổn thất kinh tế, song theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc xung đột đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD, với nhiều cơ hội tăng trưởng bị đánh mất và hoạt động sản xuất đình đốn, trong khi nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá. Khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, như bánh mì, đường sữa… đã tăng hơn gấp đôi, khiến đời sống của người dân ngày càng khó khăn. Chi phí cho các hoạt động tái thiết tại Syria ước lên tới 250-500 tỷ USD.

Cho dù tình hình an ninh đã cải thiện hơn trong năm 2020, nền kinh tế Syria vẫn đang rơi tự do, nhất là khi chịu tác động do tình hình kinh tế-tài chính tại Liban. Việc Chính phủ Liban phải tăng cường kiểm soát các hoạt động rút tiền và chuyển tiền ra nước ngoài cũng ảnh hưởng lớn đến kinh tế Syria khi phần lớn các thương nhân Syria đều có tài khoản ngân hàng tại Liban. Bản thân Tổng thống al-Assad từng thừa nhận rằng việc hàng tỷ USD của doanh nghiệp Syria bị đóng băng tại Liban là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại nước này. Theo ước tính, các doanh nghiệp Syria hiện đang nắm giữ khoảng 20-42 tỷ USD tại các ngân hàng Liban. Trong khi đó, nguồn thu ngoại tệ của Syria từ xuất khẩu dầu khí và lúa mì hiện không còn, do hầu hết các mỏ dầu đều nằm trong khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát, trong khi sản lượng lúa mì giảm mạnh từ 4 triệu tấn/năm trước năm 2011, xuống còn 1,2 triệu tấn năm 2019.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt nhằm gây sức ép buộc Tổng thống al-Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập cũng cản trở hoạt động đầu tư và tái thiết đất nước. Kể từ tháng 6/2020, các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, quy định trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trên thế giới hỗ trợ cho Chính phủ Syria. Đặc biệt, Syria cũng đang đương đầu với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 với khoảng 24.200 ca nhiễm, trong đó có hơn 1.700 trường hợp tử vong.

Nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hiện nay của Tổng thống al-Assad cùng ban lãnh đạo Syria là thực hiện các cải cách để vực dậy nền kinh tế và tái thiết đất nước vốn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Song song với đó, chính quyền Tổng thống al-Assad cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực đảm bảo an ninh, ngăn chặn đại dịch COVID-19 và tham gia hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhận đạo của LHQ và cộng đồng quốc tế tại Syria. Điều quan trọng hơn cả là Chính phủ Syria và phe đối lập cần nhanh chóng thu hẹp các khác biệt và xây dựng lòng tin trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó thúc đẩy đàm phán với sự trung gian của quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại