Ngày 13/9, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu tại một sự kiện của Không quân Philippines tại thành phố Pasay: "Chúng tôi sẽ không cắt đứt sợi dây rốn nối mình với các quốc gia đồng minh". Trong đó, có Mỹ - đồng minh lâu năm, thân thiết của Manila.
Tuy nhiên, trái ngược với phát ngôn trên, nhà lãnh đạo Philippines năm lần bảy lượt công khai chọc giận Washington khi hết mắng Tổng thống Mỹ Barack Obama là "đồ chó đẻ", lại tố cáo binh lính Mỹ giết hại người Philippines ở thế kỷ trước.
Gần đây nhất là tuyên bố trục xuất lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang đóng quân tại đảo Mindanao, miền Nam Philippines, đồng thời ngừng tuần tra trên biển Đông với Washington.
Theo giới quan sát, hàng loạt hành vi trên của Tổng thống Duterte được coi như tín hiệu mới giúp Manila có thể thay đổi tình trạng vốn có của hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines tồn tại từ năm 1951 đến nay.
Đặc biệt, kể từ sau khi ông Duterte tuyên bố Philipines sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao "độc lập, tự chủ", quan hệ Mỹ - Philippines cũng sẽ bước vào một "trạng thái mới".
Ông Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Manial, Philippines nhận định, tuy sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông sẽ khiến quan hệ Mỹ - Philippines trở nên chặt chẽ.
Nhưng dưới sự nắm quyền của Duterte, "Mỹ hiển nhiên không thể trông đợi sự phối hợp chiến lược và ủng hội ngoại giao từ Philippines như dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III".
Duterte - dấu ấn của một "cường nhân"
Tổng thống Duterte đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cuộc chiến chống ma túy trong nước. (Ảnh: www.bayanmall.org)
Từ việc đưa cuộc chiến chống khủng bố, ma túy và tham nhũng trở thành trọng tâm chính trị, Duterte đã vạch ra lằn ranh đỏ nhằm khiến Washington "không thể can thiệp vào công việc nội chính" của Manila.
Tuy nhiên, theo Đa chiều (Mỹ), những chỉ trích về vấn đề nhân quyền liên quan tới chiến dịch truy quét tội phạm ma túy từ Tổng thống Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon dường như càng chọc giận một chính trị gia nóng tính như Duterte.
Theo đó, càng kỳ vọng có thể giải quyết sạch sẽ mọi vấn đề nội bộ Philippines, Duterte càng muốn thay đổi chính sách ngoại giao với Mỹ trước đây.
Trước đó, Duterte từng chỉ trích việc triển khai máy bay không người lái của Mỹ tại thành phố Davao, miền Nam Philippines trong chiến dịch chống khủng bố và nổi dậy tại nước này.
Mới đây, ông lên tiếng đòi lực lượng Mỹ rời Philippines vì cho rằng sự hiện diện của lực lượng này tại Mindanao khiến họ dễ trở thành mục tiêu tấn công của nhóm phiến quân Abu Sayyaf, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến khủng bố của Manila.
Giới phân tích nhận định, những động thái trên chứng tỏ, từ sau khi Duterte lên nắm quyền, trọng tâm an ninh quốc gia Philppines đã được thiết lập lại - chuyển dịch từ bảo vệ lãnh thổ sang chống khủng bố, nổi dậy trong nước.
Như thế, chính sách ngoại giao "độc lập, tự chủ" của Duterte hoàn toàn bất lợi cho chiến lược của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy Mỹ - Philippines có quan hệ đồng minh không thể tách rời nhưng một Duterte "vô nguyên tắc" sẽ khiến Washington "quay như chong chóng".
Đặc biệt, trong tương lai, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả cuối cùng, chính phủ Tổng thống Duterte và chính phủ mới của Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thử thách mới.
Obama "ôn hòa" hay Duterte đang "đùa với lửa"?
Duterte luôn mạnh miệng công kích nước Mỹ nhưng Obama lại mềm mỏng với Manila. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đại diện cho việc vì cần sự hợp tác của Manila trong chiến lược quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương mà Washington có thể để Duterte "tự tung tự tác".
Đặc biệt, tuyên bố "trục xuất" quân đội Mỹ đang động chạm đến giới hạn cuối cùng và khiến Washington bất mãn.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest "đá xéo" khi so sánh ông Duterte với ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump.
Tuyên bố trục xuất lực lượng đặc nhiệm Mỹ khỏi Mindanao - một hành động "đùa với lửa" của Duterte. (Ảnh: navyseals.com)
"Tôi nghĩ, điều này cho thấy các cuộc bầu cử quan trọng như thế nào. Các cuộc bầu cử mang lại những hậu quả riêng.
Chúng sẽ quyết về người sẽ đại diện cho đất nước bạn trên trường quốc tế. Vì thế khi bỏ phiếu, bạn cần coi trọng tố chất của ứng cử viên như cách cư xử, tính cách và khả năng phán đoán", Josh Earnest nhấn mạnh.
Điều này cho thấy, Nhà Trắng bất mãn với Tổng thống Duterte nhưng theo giới quan sát, ông Duterte lại rất "thông minh" khi chỉ dọa "trục xuất" lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Mỹ tại đảo Mindanao.
Điều này không có nghĩa Duterte "vờn" Mỹ về chiến lược quân sự nhưng nếu trong tương lai, Philippines thực sự vượt qua lằn ranh đỏ, động chạm đến kế hoạch chiến lược cốt lõi của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Washington đương nhiên sẽ không dễ dàng bỏ qua.
Giới quan sát cho rằng, hiện nay, Mỹ vẫn có ảnh hưởng tương đối lớn tại Philippines và chính sách ngoại giao của Duterte đang gặp phải sự phản đối từ phe "thân Mỹ". Trước đó, ngày 12/9, ông đã cáo buộc đảng đối lập khi âm mưu dùng những "thủ đoạn bẩn thỉu" để hạ bệ mình.
Được biết, đảng đối lập mà Duterte ám chỉ chính là đảng Tự do của cựu Tổng thống Aquino. Đương nhiên, đảng này đã phủ nhận mọi cáo buộc của Tổng thống Philippines đương nhiệm.
Các quan chức là thành viên đảng ông Aquino hiện giữ nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và có sự ủng hộ nhất định tại Philippines. Đây là chính đảng luôn duy trì mối quan hệ thân thiết lâu đời với Washington.
Vì thế, không quá thiếu thực tế nếu Mỹ mượn lý do "những thủ đoạn tàn bạo trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte đã khơi mào cho mâu thuẫn nội bộ" để ủng hộ người của phe đối lập lên nắm quyền.
Tuy nhiên, theo Đa chiều, Duterte "gặp may" do nước Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử Tổng thống.
Một mặt, ông Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ và khó có cơ hội "đối đầu" với chính phủ của Duterte. Mặt khác, bầu cử Mỹ đang gặp nhiều vấn đề phát sinh nên Washington không đủ sức để quan tâm quá nhiều việc khác nhau.
Đây chính là nguyên nhân căn bản vì sao Duterte "chơi dao nhưng không đứt tay".
Tuy nhiên, dù là Tổng thống Obama hay chính phủ mới của Mỹ đều sẽ không để Duterte xâm phạm đến lợi ích quốc gia cũng như chính sách chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay cả khi chính phủ mới của Mỹ đang trong giai đoạn kiện toàn nhưng nếu Duterte cứ mạnh miệng với những phát ngôn gây sốc thì Manila sẽ vẫn đối mặt với áp lực đến từ Washington.
"Lợi dụng Mỹ trong đoạn chuyển giao quyền lực để đạt được lợi ích quốc gia và tránh 'chơi dao đứt tay' luôn là thử thách lớn nhất với Duterte", Đa chiều bình luận.