Theo hai tác giả Malcolm Davis và Charlie Lyons Jones trong bài viết trên The Strategist, những ưu tiên chiến lược mà Trung Quốc đã thiết lập cho quân đội kể từ những năm 1980 đòi hỏi sự chuyển hướng từ sức mạnh trên bộ sang sức mạnh trên không và trên biển.
Khi Liên Xô sụp đổ và biên giới đất liền của Trung Quốc đã được giải quyết phần lớn (mặc dù còn tranh chấp với Ấn Độ), lực lượng lục quân của Giải phóng Quân Nhân dân (PLAGF) đã phải vật lộn để tìm ra vai trò của họ trong cơ cấu lực lượng tương lai của Trung Quốc ngoài việc duy trì khả năng cần thiết để giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạn chế trên biên giới Trung-Ấn.
Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc nêu ra một số điều không nhất quán. Trong một bài báo trên tờ Nhật báo Giải phóng quân, Wang Ronghui tìm cách khám phá vai trò của lực lượng thiết giáp trong chiến tranh tương lai. Với nhiều biệt ngữ và ít chi tiết, Wang lập luận rằng lịch sử xung đột vũ trang gần đây đã khẳng định vai trò của lực lượng thiết giáp là 'vua của chiến tranh trên bộ' (lục chiến chi vương).
Wang nhận xét, lực lượng thiết giáp Trung Quốc đã tỏ ra thành thạo trong việc 'kết hợp các công nghệ vũ khí tiên tiến'. Các thiết bị như xe chiến đấu bọc thép và xe tăng chiến đấu chủ lực đã trở nên đủ linh hoạt và thích ứng với những thay đổi trên chiến trường dày đặc thông tin.
Không cung cấp nhiều bằng chứng, Wang lập luận rằng những đặc điểm này của tác chiến thiết giáp đã bác bỏ một cách hiệu quả "lý thuyết xe tăng vô dụng" (thản khắc vô dụng luận).
Sau khi bắt đầu bài luận với những tuyên bố mơ hồ về bản chất của chiến tranh trên bộ, Wang tiếp tục đưa ra cơ sở lý luận chiến lược tại sao PLAGF cần một lực lượng thiết giáp mạnh. Ông nói: “Lực lượng thiết giáp có nhiệm vụ quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chống ngoại xâm, ổn định biên giới và bảo vệ lãnh thổ cùng với các vai trò chiến đấu khác”.
Có những vấn đề quan trọng với dòng lập luận này, theo Malcolm Davis và Charlie Lyons Jones. Không chỉ biên giới đất liền của Trung Quốc đã được giải quyết phần lớn, mà ở một dải biên giới đất liền mà Trung Quốc chưa giải quyết, cụ thể là với Ấn Độ trên dãy núi Himalaya, các lực lượng thiết giáp sẽ rất khó hoạt động vì địa hình cực kỳ hiểm trở.
Không có mối đe dọa an ninh quan trọng, mục đích sử dụng chính của lực lượng thiết giáp sẽ là phục vụ các sứ mệnh ổn định dọc biên giới Triều Tiên, tập trận ở Trung Á với các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và có lẽ trong một cuộc xâm lược trên bộ vào Nga hoặc Mông Cổ.
Điều này cho thấy rằng các nhà tư tưởng chiến tranh trên bộ của Trung Quốc đang đấu tranh để tìm một vai trò bền vững cho lực lượng tăng- thiết giáp trong cơ cấu lực lượng của PLA.
Với những suy nghĩ đó, tương lai sẽ ra sao đối với lực lượng lục quân của PLA? Về mặt chính trị, PLAGF luôn là lực lượng thống trị trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Tuy nhiên, sách trắng quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc nhấn mạnh rằng PLAGF cần sự cơ động hơn giữa các chiến khu và đề xuất chú trọng đến các đơn vị nhỏ, đa chức năng kiểu mô-đun sẽ cho phép PLAGF tự thích ứng với các nhiệm vụ ở các khu vực khác nhau.
Việc nhấn mạnh vào khả năng cơ động và linh hoạt cao hơn đang ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực và định hình bản chất của các cuộc tập trận quân sự, ngày càng chú trọng đến cơ giới hóa vũ khí kết hợp và các hoạt động quân sự tổng hợp.
Sách trắng quốc phòng năm 2019 lưu ý rằng PLAGF 'đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các nhiệm vụ của mình từ phòng thủ khu vực sang tác chiến đa miền.
Gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy mục tiêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021–2025) sẽ là đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội để PLA sẽ được cơ giới hóa và thông tin hóa hoàn toàn vào năm 2027 – dịp kỷ niệm 100 năm thành lập PLA.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Dean Cheng cho rằng điều đó sẽ đòi hỏi phải cắt giảm đáng kể lực lượng, tăng ngân sách lớn hoặc xác định lại những gì cấu thành các đơn vị 'được thông tin hóa'.
Những tác động kéo dài của COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc có khả năng gây áp lực lên ngân sách quốc phòng, buộc PLA phải tập trung nhiều hơn vào việc phát triển một quân đội tinh gọn hơn’.
Với việc Hải quân PLA, Lực lượng Không quân, Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược đã tiêu hết phần lớn kinh phí, có thể PLAGF sẽ phải đối mặt với những khoản cắt giảm hơn nữa.
Thách thức đối với ban lãnh đạo PLAGF là coi đây là cơ hội hơn là rủi ro. Cắt giảm hay loại bỏ các khả năng lỗi thời và định hình lại tổ chức quân đội để chuẩn bị tốt hơn cho chiến tranh trong nhiều khu vực hoạt động sẽ giúp PLAGF đóng một vai trò đồng đều hơn bên cạnh các lực lượng không quân, hải quân, vũ trụ và tên lửa.
Điều đó có thể có nghĩa là lực lượng mặt đất gọn hẹ hơn, nhanh nhẹn hơn và cơ động hơn, được tích hợp với hàng không quân đội và hỏa lực tầm xa, cũng như tập trung nhiều hơn vào việc nắm bắt công nghệ như vũ khí tự động sát thương.