Ông Kishida (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh chung với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Suga Ảnh: Reuters
Ngày 30/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng, Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với chính phủ mới của Nhật Bản...để làm sâu sắc quan hệ hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung - Nhật”.
Vẫn được coi là ôn hoà trong chính sách đối ngoại, nhưng ông Kishida (người đã vượt qua 3 ứng cử viên khác trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) để trở thành lãnh đạo mới của đảng cầm quyền, thay thế Thủ tướng Suga Yoshihide) có vẻ ngày càng cứng rắn hơn với quốc gia láng giềng. Trong những ngày vận động tranh cử gần đây, ông nói rằng đối phó với Trung Quốc sẽ là ưu tiên cao nhất nếu đắc cử và Nhật Bản nên phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nền dân chủ “cùng chí hướng” để đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Quan điểm này phù hợp với chủ trương của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông cũng gợi ý rằng ông sẽ bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt cho thủ tướng để xử lý cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, đồng thời muốn tăng ngân sách quốc phòng. Trong một bước đi có thể chọc giận Bắc Kinh, ông Kishida hoan nghênh việc Đài Loan (Trung Quốc) nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nikkei Asia đưa tin.
Nhật Bản là nước đi đầu trong nỗ lực xúc tiến hoàn tất hiệp định này sau khi Mỹ rút lui vào đầu năm 2017, và hiện là chủ tịch CPTPP của năm nay. Nhấn mạnh Đài Loan là một phần lãnh thổ, Bắc Kinh kêu gọi 11 thành viên CPTPP phản đối việc Đài Loan xin tham gia.
Đầu năm nay, Trung Quốc cáo buộc Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide gây chia rẽ khi tuyên bố sẽ chống lại “sự đe dọa” của Bắc Kinh và lần đầu tiên nhắc tên Đài Loan (Trung Quốc) trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo.
Ông Chen Youjun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế học Thượng Hải, cho rằng quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn sẽ phát triển ổn định. “Ông Kishida đưa ra nhiều phát biểu cứng rắn về Trung Quốc để lấy lòng cử tri. Điều đó cho thấy trong vấn đề Trung Quốc, những tiếng nói cứng rắn vẫn lấn át và trở thành dòng chính ở Nhật Bản. Chịu ảnh hưởng của những tiếng nói đó, ông Kishida có thể có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong một số lĩnh vực”, ông Chen nhận định.
Ông Zhou Yongsheng, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng ông Kishida sẽ tiếp nối các nhà lãnh đạo tiền nhiệm bằng cách coi quan hệ liên minh với Mỹ là ưu tiên. “Ông ấy thay đổi quan điểm trong giai đoạn sau của chiến dịch bầu cử và trở nên khá tích cực về quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc. Ông ấy đề xuất những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Trung - Nhật trong năm sau, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao, dù giống như mọi chủ tịch của đảng LDP, quan hệ của Nhật với Mỹ vẫn sẽ quan trọng nhất”, ông Zhou đánh giá.
Trong cuộc tranh luận của các ứng viên vào đầu tháng này, ông Kishida tái khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Trung Quốc để bảo đảm quan hệ hai nước ổn định.
Tuy nhiên, dù vẫn là đồng minh thân thiết của Mỹ, Tokyo từ chối làm theo Washington trong việc cấm bông vải nguồn gốc từ Tân Cương và chấm dứt quan hệ kinh tế đặc biệt với Hong Kong. Chính sách này dễ hiểu nếu nhìn từ góc độ Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của Nhật, chiếm tới 21% xuất khẩu toàn cầu của Nhật trong nửa đầu năm 2021. Quan hệ này càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng ở châu Á, nơi Nhật đang cung cấp các linh kiện giá trị cao cho các sản phẩm hoàn thiện của Trung Quốc.
Xu hướng không tránh khỏi
Một số nhà phân tích cho rằng, trong chính sách đối ngoại, chính phủ mới của Nhật có thể sẵn sàng cho những thay đổi lớn, vì không tránh khỏi xu hướng tình hình chung hiện nay.
Từ thời chính phủ của ông Abe Shinzo, Nhật Bản góp phần định hình khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do”, tham gia tập trận hải quân với ngày càng nhiều quốc gia và tăng cường quan hệ với các thành viên khác trong “Bộ tứ”, gồm Mỹ, Úc và Ấn Độ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg gần đây, ông Kishida nói rằng sự quyết liệt của Trung Quốc buộc ông phải thay đổi quan điểm.
Câu hỏi được nghĩ đến hiện nay là liệu chính phủ của ông Kishida có điều chỉnh gì đáng kể trong chính sách với Trung Quốc hoặc sẽ bỏ lại phía sau những phát ngôn cứng rắn trong giai đoạn tranh cử. “Việc ông Kishida sẵn sàng nêu quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, dù chỉ để củng cố sự ủng hộ của ông ấy bên phe cánh hữu, cũng là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy trọng tâm của đảng LDP chuyển theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc”, Tobias Harris, nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, viết trên Twitter.
Người bạn thân thiết của Việt Nam
Nhân dịp ông Fumio Kishida được bầu làm Chủ tịch đảng LDP, ngày 29/9, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng.
Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, ông Kishida đã nhiều lần gặp gỡ và tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, có nhiều đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước. Sau khi ông Kishida chính thức trở thành thủ tướng, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.