Điều khiến nợ công Mỹ tăng nhanh, đạt mức kỷ lục
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ thì tổng số nợ liên bang, gồm các khoản nợ cổ phần nội bộ chiếm khoảng 1/4 và nợ công chúng gồm các nhà đầu tư cá nhân, các tập đoàn, chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư, chính phủ nước ngoài và các tổ chức khác nắm giữ, đã vượt qua con số 34.000 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Không chỉ vậy, tốc độ tăng cũng ở mức kỷ lục, khi ước tính cứ khoảng mỗi 3 tháng nợ công của Mỹ lại phải gánh thêm 1 nghìn tỷ USD. Trong giai đoạn trước năm 2020 thì tỷ lệ nợ công của Mỹ tương đương hoặc thấp hơn tổng sản phẩm quốc hội (GDP), tuy nhiên, chỉ trong 3 năm qua đã tăng vọt, cao nhất vào thời điểm tháng 4 năm 2021 ở mức hơn 130%.
Có thể thấy rằng trong số các khoản nợ công thì một số khoản xuất phát từ chính sách, ví dụ như cắt giảm thuế, chi tiêu chính phủ và một số khoản mang tính phản ứng như đối phó với đại dịch, khủng hoảng tài chính… Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nợ công của Mỹ tăng kỷ lục trong thời gian là do chi tiêu quá nhiều hoặc cắt giảm thuế quá nhiều. Dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là hai năm đầu cầm quyền, đảng Dân chủ đã thông qua hàng loạt các chương trình chi tiêu liên bang khổng lồ. Trước đó, các gói cắt giảm thuế dưới thời Chính quyền Tổng thống Trump trị giá hàng nghìn tỷ USD cũng khiến ngân sách rơi vào tình trạng thâm hụt. Đặc biệt trong thời kỳ Covid, các gói cứu trợ khổng lồ với tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD của cả Chính quyền Biden và Trump cũng đẩy nợ công của Mỹ tăng nhanh.
Ngoài ra, trong những năm qua chi tiêu của chính phủ Mỹ ngày càng nhiều trong khi nguồn thu cơ bản không tăng. Theo Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, chi tiêu liên bang dự kiến sẽ tăng từ mức hơn 24% trong năm 2023 lên gần 30% vào năm 2053 trong khi thu ngân sách chỉ tăng từ khoảng 18% lên mức 19% tương ứng. Tổng hợp tất cả những khoản nợ này lại thì tổng số nợ công của Mỹ tăng nhanh lên mức cao kỷ lục và có thể sẽ còn tăng tiếp là điều khó tránh khỏi và đã được dự báo từ trước.
Gánh nặng trên lưng nền kinh tế Mỹ và người dân Mỹ
Khoản nợ công khổng lồ của Mỹ hiện nay có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ cũng như người dân nước này nhưng mức độ có lẽ không quá nghiêm trọng như một số đánh giá. Cụ thể hơn, thì việc gánh nặng nợ công tăng nhanh có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, hạn chế chi tiêu của chính phủ cho các chương trình quan trọng hay làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. Đối với mỗi người dân, việc nợ công tăng cao khiến đầu tư tư nhân có thể giảm mạnh, cơ hội phát triển kinh tế bị hạn chế, dẫn đến năng suất thấp và hậu quả cuối cùng là tiền lương lao động không thể tăng.
Tuy nhiên, trong số các khoản nợ công của Mỹ thì các khoản nợ do các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước ngoài nắm giữ lại là điều tốt. Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu chính phủ để bán ra thị trường và những trái phiếu này là công cụ tài chính chính để chính phủ nước này trả cho các hoạt động chi tiêu của mình. Nợ công từ bán trái phiếu tăng có nghĩa là các nước vẫn coi trái phiếu Mỹ và các chứng khoán khác là một trong những tài sản an toàn nhất trên thế giới.
Ngoài ra, Mỹ hoàn toàn có thể giảm nợ công, tránh không để chạm trần và rơi vào tình trạng vỡ nợ. Các khoản nợ của chính phủ Mỹ là bằng đồng USD và theo giới chức Cục dữ trữ liên bang thì nước này có thể trả mọi khoản nợ bằng cách in thêm tiền. Trên lý thuyết, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ, dù là kỹ thuật hay chính thức là có thật, tuy nhiên, các đảng phái tại Mỹ thường xuyên lợi dụng nguy cơ này để mặc cả cho chương trình nghị sự đảng mình. Hay nói cách khác, những cảnh báo nghiêm trọng mà giới chức Mỹ đưa ra chỉ nhằm gây sức ép trong nội bộ liên quan đến tranh cãi ngân sách là chính chứ không phải thực tế sẽ diễn ra như vậy.
Nợ công tác động thế nào lên quan điểm lưỡng đảng Mỹ
Tranh cãi gay gắt về trần nợ công hoặc nguyên nhân nợ công cao kỷ lục chưa bao giờ giảm bớt sức nóng trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Vấn đề này cũng trở thành tâm điểm tranh chấp giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trong nhiều năm qua, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn về chi tiêu liên bang và khiến chính phủ Mỹ đã nhiều lần phải đóng cửa. Mặc dù đã thông qua hai dự luật tạm thời để ngăn chặn nguy cơ phải đóng cửa chính phủ, vấn đề trần nợ công và ngân sách có thể sẽ nóng trở lại khi Quốc hội Mỹ sắp đối mặt với thời gian chót thông qua một số khoản ngân sách cho năm tài khóa 2024 vào cuối tháng 1 này và đầu tháng 2 tới.
Liên quan đến trần nợ công, trên thực tế Quốc hội Mỹ biết rõ chính phủ phải đi vay bao nhiêu tiền để giải ngân kế hoạch chi tiêu, nhưng trần nợ công không được tự động nâng lên tương ứng. Để cắt giảm nợ công thì có hai giải pháp chính là tăng thuế hoặc cắt giảm các chương trình chi tiêu hoặc thực hiện song song. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ thực hiện khi động chạm đến cương lĩnh cũng như cam kết của hai đảng, với Dân chủ là tăng thuế người giàu để đảm bảo phúc lợi xã hội, với Cộng hòa là giảm thuế để tăng trưởng kinh tế.
Với Tổng thống Biden, trong thời gian tới nếu không đạt được thỏa thuận ngân sách với đảng Cộng hòa để Chính quyền rơi vào vỡ nợ hoặc phải cắt giảm các khoản chi tiêu thì đều mất uy tín với cử tri và có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử cuối năm. Chính vì thế, trần nợ công phần nào đã trở thành công cụ chính trị hữu hiệu trong đời sống chính trị Mỹ. Dự kiến trong thời gian tới, đặc biệt là khi chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu vào giai đoạn nước rút, hai đảng sẽ đẩy mạnh lợi dụng vấn đề này để thu hút cử tri và mâu thuẫn liên quan đến trần nợ công hoặc chi tiêu ngân sách chắc chắn sẽ gia tăng.