Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố

Phương Anh |

Đang bước xuống từ cầu thang ở nhà trọ tập thể, An bị tụt canxi máu rồi rơi tự do. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trên sàn nhà, đôi chân tê dại, mồ hôi túa ra như tắm.

Cú ngã mất nửa thân thể và sự nghiệp

“Sao mình nằm ở đây?”, An nghĩ và nhìn xung quanh. Không thấy ai, anh lết đôi chân đứng dậy theo quán tính. Một cơn đau truyền đến thân dưới khiến anh bất ngờ. Nhìn xuống đầu gối bầm tím, sưng tấy, An nghĩ “chắc cũng chỉ bình thường thôi”.

“Tôi luôn cho rằng sức khỏe mình tốt nên gắng thức khuya làm việc hết công suất, không ngờ nó yếu và suy nhược từ bên trong. Cú ngã năm 2016 đó đã khiến tôi thức tỉnh nhưng quá muộn”, Đặng Hoàng An (32 tuổi, quê Cần Đước, Long An) kể.

Sáng hôm sau, cơn đau không ngớt, An uống thuốc giảm đau và thoa salonpas. Đến chiều, anh phải đến bệnh viện vì quá sức chịu đựng. Thời điểm ấy, anh vẫn đi được một quãng, nhưng khi đứng lâu thì chân bị tê nhức và khụy xuống. Nữ y tá thấy vậy đã lấy cho An chiếc xe lăn và hướng dẫn anh nhập viện.

Ban đầu, anh nghĩ sẽ sớm khỏi nên giấu bố mẹ ở quê vì sợ họ lo lắng. Nhưng đến ngày thứ 3, anh không còn tự đứng vững được nữa, chân ngày càng đau hơn, muốn đi toilet cũng phải vịn vào tường. 

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 1.

Đặng Hoàng An trước khi gặp biến cố.

“Chấn thương khá nặng kèm theo chứng suy tủy và tụt canxi máu khiến chân tôi teo lại, không thể đi lại được nữa. Tôi phải gọi cha mẹ lên túc trực. Một tháng sau, cơn sốt suy giảm tiểu cầu khiến sức khỏe dần yếu đi, tôi phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nói không còn phác đồ điều trị thích hợp, chân cũng không có khả năng phục hồi nên quyết định “trả về”. 

Tôi như chết đi một nửa. Những cơn tê buốt và những lần chọc tủy sống đã vắt kiệt sức lực của tôi trong vòng 2 tháng. Tôi thường khó hô hấp và có thể ngừng thở bất cứ lúc nào”, An cho biết và nói không ngờ mình bị tàn phế, mất tất cả sự nghiệp sau cú ngã định mệnh.

Trước đó, Đặng Hoàng An đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và có tương lai rộng mở. Chàng trai Long An sau khi tốt nghiệp khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP HCM, thì học lên thạc sĩ, trở thành giảng viên ngành tâm lý học. Với sự nhiệt huyết và sức trẻ, anh còn nhận dạy thỉnh giảng cho một số trường cao đẳng khác ở Sài Gòn.

Nghĩ đến cái gối, con dao

“Bây giờ con tàn phế rồi sao?”, An hỏi cha trong ngày xuất viện. Anh nằm trong phòng bệnh, ghì chặt chiếc giường vì không muốn về nhà. Anh xin cha được ở lại đây vì thường lên cơn sốt co giật và sợ nếu về có chuyện bất trắc không ai cứu. Nhưng cha anh thuyết phục, nói rằng sẽ đưa anh đi chữa bệnh bằng phương pháp khác.

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 2.

Cha bế anh, hứa sẽ đi tìm thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho con.

An vẫn nhớ hôm đó là buổi chiều trời xám xịt, gió thổi lá cuộn. Lúc cha ẵm anh lên taxi, mặt ông nhăn lại vì xót con trai. “Từ một thanh niên nhanh nhẹn cao 1m8, nặng hơn 70kg, sau biến cố chỉ còn cái cơ thể suy sụp, chưa đầy 50kg”, ông Đặng Văn Thành, 54 tuổi, nói.

Khi xe đi đến Đại lộ Đông Tây, trời bắt đầu đổ mưa lớn, tiếng lộp bộp rơi trên kính xe, An thốt lên: “Trời cùng đất tận rồi! Cuộc đời tôi cũng trượt dài rồi!”. Cha và cô của anh ngồi trong xe cũng không biết nói gì, chỉ lau nước mắt.

Về đến nhà, anh thấy họ hàng tập trung rất đông để thăm hỏi. “Lúc nằm trên giường, tôi nghe thấy tiếng ai đó nói mẹ tôi đi chọn chỗ chôn cất. Tôi nghe mẹ quát lại người đó và khóc rất nhiều. Lúc đó tôi rất bất lực, không biết làm gì hơn vì mình chỉ còn cái xác không hồn”, anh An nói.

Từ khi về nhà, sức khỏe của anh không mấy cải thiện. Ông Thành sau đó đưa con trai đi khắp dọc miền đông tây để tìm thầy thuốc chữa đôi chân nhưng vẫn vô vọng.

“Dù là Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học, được tiếp cận khoa học về tâm lý con người, là diễn giả, chuyên gia dạy kỹ năng sống tích cực cho học sinh, sinh viên, nhưng tôi thú thật, khi đứng trước cú sốc quá lớn ấy, tôi không đủ sức để tải”, An thừa nhận.

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 3.

An bị trầm cảm, nhiều lần có ý định tự tử.

Quá chán nản với những cơn đau và nghĩ đến tương lai mù mịt, lại là gánh nặng cho cha mẹ, anh An tìm đến cái chết. Thấy con trai nhìn cái gối và con dao gọt hoa quả một lúc lâu, cha mẹ anh có linh cảm xấu nên cất tất cả vật nhọn đi. An lại quyết định tuyệt thực.

Cha mẹ anh vừa thương con, vừa tức giận khi thấy con mình bi quan như vậy. Lúc đút cơm cho con, An quay mặt đi, ông Thành quát lớn: "Con chó đói còn biết tìm cái mà ăn, mày có còn là người không mà cơm đút không ăn?"

An nghe xong liền bật khóc, trút mọi phẫn uất trong lòng ra ngoài. Kể từ đó, anh tìm lại khát khao sống trong mình.

Tỉnh thức và tự gỡ rối

Khoảng 1 năm rưỡi sau, An chấp nhận việc mình bị tàn phế, bớt phụ thuộc vào thuốc giảm đau. Chiếc xe lăn thầy cô khoa Tâm lý học mua cho đang bám bụi ở góc nhà, nay mới được sử dụng. 

Hoàng An sau đó đến trường nhận quyết định thôi việc. Gặp anh tại trường, ThS Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không kìm được nước mắt.

“Ai cũng tiếc cho An. Cậu ấy là một chàng trai đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Ngay từ thời sinh viên, An luôn cống hiến hết mình trên cương vị một Bí thư Đoàn khoa. An học cũng rất giỏi, cố gắng trở thành giảng viên của Khoa Tâm lý học. Khi ước mơ thành hiện thực, cậu không ngại khó khăn để học nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm của mình. 

Chúng tôi đều nghĩ An có một tương lai tươi sáng. Không ngờ An lại gặp biến cố lớn và suy sụp như vậy. Tôi và mọi người trong khoa cũng cố gắng hết sức để nâng đỡ tinh thần cho An”, cô Hạnh chia sẻ.

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 4.

Thạc sỹ Mai Mỹ Hạnh luôn đồng hành giúp An cải thiện tâm lý.

Thấy An dần ổn định tâm lý, các đồng nghiệp trong khoa gửi đề tài khoa học để anh cùng tham gia. Dần dần, thạc sĩ Đặng Hoàng An lấy lại sự lạc quan và tự tin vốn có, rồi được mời làm diễn giả truyền động lực sống và dạy kỹ năng cho học sinh một số trường tại TP HCM.

Ngoài ra, An còn đăng ký làm chuyên gia tâm lý tư vấn cho chuyên mục Phát thanh học đường của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long. Thời gian rảnh, anh viết bài cộng tác cho các báo về những vấn đề xoay quanh lĩnh vực giáo dục, vấn đề liên quan đến tâm lý người và giới,…

Đầu năm 2019, An muốn chủ động kiếm thêm nguồn thu nhập. Anh tự nghiên cứu và khởi nghiệp trồng 2.000 phôi nấm sạch bào ngư. Nhưng vì dịch bệnh bùng phát nên sau 1 năm anh phải tạm dừng. An may mắn thu lại được vốn, còn ít nấm chưa bán được, anh biếu người thân và cúng dường cho nhà chùa.

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 5.

An tìm niềm vui từ việc làm "nông dân" trồng nấm.

“An lại một lần nữa chứng minh chỉ cần nhiệt huyết, ý chí nghị lực thì có thể khắc phục được nghịch cảnh. Đôi chân An có thể giảm đi sức lực nhưng tinh thần, trái tim và niềm tin của cậu chưa bao giờ suy giảm mà còn được bồi đắp thêm những nguồn năng lượng tích cực, lạc quan”, ThS Mai Mỹ Hạnh, người theo dõi hành trình hồi phục của An, cho hay..

Sáng thứ 2, ngày 04/7/2022, anh An mặc quần áo chỉnh tề, ngồi trên chiếc xe lăn tư vấn tâm lý online cho một người ở xa. Cuộc trò chuyện trong vòng 30 phút ít nhiều đã giúp người bên kia đầu dây cắt phăng những suy nghĩ tiêu cực và dần xuất hiện dấu hiệu khả quan. Việc giúp mọi người bình ổn tâm lý cũng là cách An đang tìm lại và giúp chính mình.

“Đến bây giờ, tôi vẫn còn đôi chút tự ti về đôi chân của mình nhưng nhìn xung quanh thấy nhiều người khốn khó hơn. Nhiều khi tôi thấy mình may mắn vì đã có thể vực dậy, vượt qua trầm cảm và gỡ rối tâm lý cho chính mình”, Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ.

Thạc sỹ tâm lý bị trầm cảm sau cú ngã hỏng đôi chân: Vực dậy nhờ câu so sánh của bố - Ảnh 6.

An thấy hạnh phúc vì chữa được bệnh cho chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại