Thạc sĩ giáo dục chỉ ra kỹ năng quan trọng giúp trẻ thành công trong học hành và các mối quan hệ

Hiểu Đan |

Đây là một trong những kỹ năng thuộc nhóm những năng lực học tập suốt đời (lifelong learning skills).

Tư duy phản biện (Critical Thinking) là một trong những kỹ năng thuộc nhóm những năng lực học tập suốt đời (lifelong learning skills). Theo thạc sĩ giáo dục Hồng Đinh, tác giả cuốn Phát triển năng lực cảm xúc xã hội, chúng ta sống trong thế giới rộng lớn với hàng triệu, hàng tỷ người. Mỗi người lại có những quan điểm, niềm tin, cách nhìn, quan niệm khác nhau. Để nhận biết thông tin nào chứa đựng sự thực, bằng chứng; thông tin nào mang tính chủ quan, sai lệch, và thiên kiến, bạn cần đến tư duy phản biện.

"Tư duy phản biện nói chung và khả năng đặt câu hỏi nói riêng giúp bạn có khả năng điều khiển cuộc đàm thoại, dẫn đến kết quả mong muốn. Điều này đặc biệt hữu ích trong những tình huống cần sự đàm phán hay tranh luận. Ngoài ra, biết đặt câu hỏi giúp thể hiện sự quan tâm - một điều hết sức cần thiết khi bạn xây dựng các mối quan hệ.

Người có tư duy phản biện nhiều khi cảm thấy hào hứng vì đã phát hiện ra điều gì, hay khi đánh giá các tranh luận, thu thập chứng cứ; hay khi thấy quan điểm về đúng và sai trùng hợp với suy nghĩ của mình, mang lại cho mỗi người hứng thú với việc suy nghĩ, tư duy.

Ngoài ra, những kỹ năng thuộc tư duy phản biện còn hết sức cần thiết để giúp bạn ra được những quyết định đúng đắn và dứt khoát, mang tính hệ thống. Nhiều khi bạn thấy khó khăn khi phải tự lựa chọn điều gì", tác giả Hồng Đinh chia sẻ.

Thạc sĩ giáo dục chỉ ra kỹ năng quan trọng giúp trẻ thành công trong học hành và các mối quan hệ - Ảnh 1.

Thạc sĩ giáo dục Hồng Đinh, tác giả cuốn "Phát triển năng lực cảm xúc xã hội"

Suy nghĩ phản biện không phải là phản đối, là tìm kiếm lỗi của người khác, của nguồn tin khác. Người có tư duy phản biện thực sự là người sáng tạo, hay suy nghĩ, cởi mở, duy lý, và dễ thích nghi, hay cân nhắc.

Thuộc năng lực tư duy bậc cao, suy nghĩ phản biện là khả năng: Evaluate: đánh giá; Analyze: phân tích; Question: đặt câu hỏi; Synthesize/Infer: kết luận, suy luận; Problem-solve: giải quyết vấn đề dựa trên những lập luận logic, xâu chuỗi, trên những suy luận đã có.

Trong đó 3 yếu tố đầu tiên hết sức quan trọng vì là tiền đề cho 2 yếu tố sau. Tựu trung lại, tư duy phản biện là quá trình xử lý, phân tích thông tin thu thập được để cho ra kết quả không có thiên kiến (input -> analyze-> output without bias).

Cách luyện tư duy phản biện và vận dụng trong và ngoài lớp học

Trong bối cảnh lớp học, tư duy phản biện thể hiện ở khả năng người học biết cách chia nhỏ lượng thông tin, kiến thức; biết phân loại, đánh giá, và tìm kiếm thông tin; biết tư duy logic; biết phán đoán, vận dụng kiến thức, khái niệm giữa những chủ đề hay môn học khác nhau.

Liệu luyện suy nghĩ theo lối phản biện có khó không? Vừa dễ vừa khó: dễ vì có thể có nhiều cách, nhiều phương pháp, nhiều cơ hội khác nhau để luyện, từ tình huống nhỏ xíu hàng ngày đến những lúc phải giải quyết việc lớn hay đưa ra những quyết định quan trọng. Khó vì luôn đòi hỏi mỗi người phải kiên trì, quyết tâm, và không bỏ cuộc.

Vậy luyện phân tích, đánh giá vấn đề với những tình huống hàng ngày như thế nào? Chẳng hạn như khi chở con đi học chẳng may có hôm bị tắc đường, bạn hãy thử cùng con nhận định, phán đoán xem có chuyện gì xảy ra, nên làm thế nào để giải quyết khó khăn này (đi đường khác hay sẽ làm gì…). Hoặc khi con cần lấy món đồ ở trên cao, thay vì lấy hộ con, bạn hãy thử gợi ý xem có những cách nào để con lấy được món đồ (bắc ghế, nhờ người lớn, trèo lên…).

Thay vì đưa ra câu trả lời thì hãy chỉ gợi mở và/hoặc cung cấp phương tiện. Trong lớp học cũng vậy, khi các bạn nhỏ lớp tôi hỏi về cách đánh vần một từ nào đó, thay vì đánh vần luôn hộ cho các em, tôi sẽ dạy các chiến thuật để học sinh tự tìm cách đánh vần một từ như nói chậm lại để lắng nghe từng âm trong từ, sử dụng từ điển…

Khi phân tích, hãy nghĩ về điều gì là quan trọng nhất, từ đó sẽ xác định được thông tin quan trọng. Như khi cân nhắc mua một món đồ mới như chiếc xe đạp chẳng hạn, tính năng nào của chiếc xe bạn cho là quan trọng nhất? Liệu có phải là trọng lượng nhẹ, hay cấu trúc của lốp xe? Sau khi xác định được điều quan trọng, bạn sẽ lấy được/thu thập thông tin quan trọng từ nhiều nguồn khác nhau.

Cách luyện tư duy phản biện quan trọng nhất là hãy Thường xuyên đặt câu hỏi. Đặc biệt, chú ý tới sự khác biệt giữa câu hỏi đóng và mở (closed and open-ended questions).

Câu hỏi đóng là những câu hỏi chỉ cần một câu trả lời ngắn, thường là một từ với những câu trả lời hết sức hạn chế, như Có, Không, hay dạng câu hỏi trắc nghiệm, dạng câu hỏi tìm kiếm thông tin cụ thể liên quan đến một chủ đề. Ví dụ như: Bạn có muốn ăn kem không? Giá tiền chiếc máy tính này là bao nhiêu?

Câu hỏi mở là dạng câu hỏi cần câu trả lời dài hơn, thông tin phong phú và sáng tạo hơn; được bắt đầu với từ để hỏi như Tại sao (Why), Thế nào/Bằng cách nào (How), Điều gì/Cái gì (What), Hãy miêu tả (Tell me, Describe)…

Dạng câu hỏi mở hỏi về kiến thức, ý kiến, cảm giác của người được hỏi. Do đó, những câu hỏi mở thường chất lượng hơn câu hỏi đóng. Ví dụ như: Tại sao bạn lại chọn màu này? Làm thế nào để viết được bản báo cáo này? Điều gì xảy ra khi bạn quên khoá cửa? Kể cho mình biết một ngày bạn ở biển...

4 kỹ thuật/cách đặt câu hỏi

1. Leading questions: câu hỏi dẫn dụ mà người hỏi đặt ra nhằm hướng tới câu trả lời cụ thể và có lợi cho người hỏi. Ví dụ như khi người bán hàng hỏi bạn muốn mua bao nhiêu cái, tức là người bán hàng đã mặc định là bạn sẽ mua hàng. Khi dùng dạng câu hỏi này cần hết sức thận trọng, nếu không sẽ bị coi là thô thiển và mang tính điều khiển.

2. Probing questions: trong bối cảnh lớp học, dạng câu hỏi này rất hay được dùng khi thày cô muốn gợi mở cho học sinh để đào sâu một kỹ năng, vấn đề, chủ đề. Đây là dạng câu hỏi buộc người được hỏi phải nghĩ sâu hơn về thông tin đã có trong câu trả lời trước.

Ví dụ như khi dạy các bạn nhỏ lớp tôi về các vùng thuộc địa của Mỹ thời lập quốc, sau khi hỏi về đặc trưng kinh tế hay địa lý của mỗi vùng, tôi sẽ hỏi các bạn về sự khác biệt giữa các vùng và mối liên hệ giữa các đặc điểm đó với nhau hay với các yếu tố khác. Hoặc khi ai đó đưa ra câu trả lời có chữ "chính xác", bạn sẽ hỏi lại là chính xác bao nhiêu phần trăm, đến mức nào…

3. Funneling questions: đây là dạng câu hỏi hướng người được hỏi theo 2 hướng của hình phễu, hoặc mở rộng ra hoặc thu hẹp lại sau mỗi câu hỏi. Có thể bắt đầu bằng câu hỏi mở rồi tiếp tục bằng câu hỏi đóng hoặc ngược lại.

Đây cũng là một trong những chiến thuật các giáo viên hay áp dụng để dạy cho học sinh tài năng năng khiếu khi các em cần tự tìm hiểu thông tin về một chủ đề cụ thể. Ví dụ như khi dạy về nền y học của một nền văn minh cổ đại, thầy cô sẽ đưa ra một bức hình rồi để cho học sinh đặt câu hỏi cho giáo viên. Từ những câu trả lời của giáo viên, học sinh sẽ thu thập được thông tin.

Đây cũng là kỹ thuật đặt câu hỏi hay được áp dụng khi bạn cần tìm hiểu, điều tra về một sự việc hay thói quen cụ thể. Như "Bạn có hay đi chơi/dự tiệc/liên hoan không? Lúc đi dự tiệc bạn hay làm gì? Liên hoan có nhiều đồ ăn không? Bạn có ăn món kẹo dẻo không?" Trong ví dụ này, các câu hỏi thu hẹp dần, tập trung hơn.

4. Rhetorical questions: dạng câu hỏi có mà như không, câu hỏi không nhất thiết phải có câu trả lời. Ví dụ như khi thấy một sợi dây thật dài, bạn hỏi "Sợi dây này dài bao nhiêu vậy?!" Tôi rất hay dùng dạng câu hỏi này khi muốn nhắc nhở học sinh của mình về hành vi hay thái độ. Như "Tại sao em không đi lên bảng bằng lối này? Em đã giơ tay xin phép chưa?"

Một điều quan trọng khi đặt câu hỏi là hãy dành thời gian cho người được hỏi đưa ra câu trả lời. Trong dạy học thì giáo viên chúng tôi thường đưa ra thời gian đợi (Wait time) cho học sinh đưa ra câu trả lời là 3-5 giây.

Thạc sĩ giáo dục chỉ ra kỹ năng quan trọng giúp trẻ thành công trong học hành và các mối quan hệ - Ảnh 2.

Cách luyện tư duy phản biện quan trọng nhất là hãy Thường xuyên đặt câu hỏi. (Ảnh minh họa)

Khi nói đến câu trả lời, thì việc hiểu câu trả lời cũng quan trọng như khi hiểu câu hỏi. Vì khi bạn đặt câu hỏi nhưng câu trả lời bạn nhận được là sự giả dối hoặc sự tránh né/không có câu trả lời thì có câu hỏi hay cũng không để làm gì. Những tình huống như trả lời bằng cách đánh lạc hướng hay tránh không trả lời để trốn tránh trách nhiệm hoặc ngại bày tỏ ý kiến cá nhân là minh chứng cho tình huống này.

Một trong những cách rất tốt để luyện kỹ năng đặt câu hỏi là sử dụng hình ảnh. Đặc biệt là những hình ảnh thế loại phóng sự, thời sự, không hư cấu. Nguồn hình ảnh rất tốt để thực hành là mục Hình ảnh trong ngày /Photo of the Day của trang National Geographic (https://www.nationalgeographic.com/.../carnival-ontario... ).

Ngoài ra, hãy cùng tìm hiểu vô vàn những câu trả lời theo các chủ đề phong phú khác nhau trên Wonderopolis: trang web https://wonderopolis.org/. Đây cũng là trang web tôi hay dùng để khuyến khích việc đọc và học hỏi, khám phá của các bạn học sinh lớp tôi. Hãy thử tập thói quen nhìn vào bức hình hay một cảnh tượng, cảnh trí rồi nghĩ và viết ra tất cả những câu hỏi mà bạn có cho bức hình hay cảnh tượng đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại