Đối với nhiều sinh viên sắp ra trường, tìm việc làm không chỉ là vấn đề trọng đại của bản thân mà còn là sự kiện trọng đại trong mắt cha mẹ, họ hàng.
Trong khi bạn đang "rải" hồ sơ khắp nơi để tìm việc, bố mẹ bạn cũng không nhàn rỗi. Họ kể cho bạn nghe về kinh nghiệm bản thân, gửi thông tin tuyển dụng, thậm chí còn huy động các mối quan hệ xung quanh bạn để giới thiệu việc làm cho bạn. Một số họ hàng cũng nghiêm túc nhận lời và cam đoan sẽ tìm được chỗ làm việc phù hợp với bằng cấp của bạn.
Vậy, việc người thân giới thiệu việc làm có nghiêm túc và khả thi hay chỉ là lời khách sáo? Chúng ta nên chấp nhận hay từ chối nó? Dưới đây là chia sẻ của 2 người cùng tuổi về câu chuyện giới thiệu việc làm này. Sau khi đọc xong, trong lòng bạn sẽ có câu trả lời rõ ràng.
01.
Tiểu Triệu sinh ra trong một gia đình lao động phổ thông ở một thành phố cấp 4 vùng Đông Bắc, Trung Quốc. Cô tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn ở một trường đại học ở thành phố. Thế nhưng đã 2 tháng trôi qua, Tiểu Triệu vẫn chưa tìm được cho mình một công việc phù hợp. Lo cho con gái, cha mẹ cô ngay lập tức liên hệ với những họ hàng thân thiết để nhờ giúp đỡ.
Ảnh: Internet
Ngay sau đó, một người họ hàng nói rằng công ty của mình đang tuyển người và anh có thể "thu xếp" giúp Tiểu Triệu. Bản thân Tiểu Triệu trong mùa tốt nghiệp cũng rất lo lắng, khi biết bố mẹ tìm được cơ hội, cô đã nhận lời mà không hỏi thêm bất cứ điều gì. Sau vài lần tiếp xúc, Tiểu Triệu nhận ra "cơ hội tốt" mà bố mẹ nói đến hóa ra là trở thành một nhân viên đánh máy tự do.
Cả công ty chỉ có chưa đầy 10 người và vẫn đang hoạt động trong một văn phòng nhỏ trong khu dân cư. Tiểu Triệu tìm cớ để trốn tránh và không đến phỏng vấn, điều này khiến cha mẹ cô rất phiền lòng. Hai người chỉ mong cô sớm tìm được một công việc ổn định, thế nhưng Tiểu Triệu lại có suy nghĩ khác. Trong lòng Tiểu Triệu hiểu rất rõ cơ hội của mình. Thay vì mất thời gian và tiền của để tìm kiếm một công việc hay phải "đối đầu" với các ứng viên khác trong các cuộc phỏng vấn, cô đã có ngay một công việc dành cho mình.
Tuy nhiên với Tiểu Triệu, công việc được định sẵn cho cô lại quá tẻ nhạt, không phù hợp với mục tiêu của cô. Nếu chọn gắn bó với công việc này tức là cô chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân. Tiểu Triệu đã quyết định nói ra suy nghĩ của mình với bố mẹ. Ngay cả khi được nhận mức lương thấp, cô vẫn chấp nhận làm một công việc với đúng chuyên môn và dùng sự cố gắng của mình để có thể thăng tiến trong tương lai. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng cha mẹ Tiểu Triệu cũng đồng ý với nguyện vọng của con gái. Dẫu vậy, trong lòng họ vẫn canh cánh những nỗi âu lo khó tả.
02.
Một câu chuyện khác xảy ra với người bạn của Tiểu Triệu. Anh ấy từng trượt đại học và đã tìm mối và chi tiền để đăng ký vào một trường cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, cha mẹ vì muốn con trai ở bên cạnh, có công việc ổn định nên làm mọi cách để nhờ người quen đưa con trai vào làm công chức. Sau khi tiêu tới tiêu lui gần 100.000 NDT, anh ấy đã thành công trở thành quản lý cấp thấp trong một nhà máy ở địa phương.
Có được công việc và đã làm được 5 năm, thế nhưng đối với anh, mỗi ngày đi làm là một ngày đầy áp lực. Ở dưới, anh phải xử lý rất nhiều công việc, lại thường xuyên phải nghe những lời xì xào, bàn tán từ cấp dưới về việc anh được "hỗ trợ" thì mới có được công việc này. Ở trên, dù anh đã cố gắng hoàn thành công việc tốt nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở chức quản lý cấp thấp, lương cũng chẳng có biến chuyển là mấy. Trong gia đình, anh luôn được cha mẹ dặn dò về việc mang ơn người đã giúp đỡ mình. Điều này không sai nhưng lại khiến chàng trai này nảy sinh cảm giác mình mắc nợ họ.
Ảnh: Internet
Quá nhiều thứ áp lực dồn nén, sau 5 năm làm việc, anh chàng này quyết định xin nghỉ việc ở quê và lên thành phố để tìm kiếm cơ hội mới cho mình. Anh cho biết bản thân chấp nhận một công việc với mức lương không cao nhưng vẫn có thể thoải mái sống với sự chọn lựa của mình. Tại thành phố, anh được làm những gì mình thích và không bị ai soi xét hay đánh giá. Thay vì phải nhìn vào sắc mặt của người khác, anh chọn có một công việc bình thường nhưng có thể thoải mái là chính mình.
03.
Thực ra, cốt lõi của câu hỏi ‘nên nhận hay từ chối công việc do người quen giới thiệu’ là để đánh giá vị trí đó có phù hợp với bạn hay không. Điều này tương tự với quy trình tìm việc bình thường của chúng ta. Khi nhìn thấy nhiều công ty và vị trí khác nhau, điều đầu tiên chúng ta cân nhắc là mình có thích công ty này không, nội dung công việc, mức lương và phúc lợi, cơ hội thăng tiến và đào tạo, bầu không khí trong công ty ... Bạn hoàn toàn có thể thử sức với nó, nếu phù hợp thì hãy ở lại, nếu không phù hợp, bản thân bạn hãy dũng cảm để rời đi.
(Theo Zhihu)