Có câu nói rằng: "Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra đường nhờ vào bạn bè."
Từ góc độ này, chúng ta thấy được rằng, kết giao với càng nhiều bạn bè càng hữu ích cho sự phát triển trong cuộc sống của bạn.
Thế nhưng đồng thời, ông cha ta cũng dạy rằng: "Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở."
Xây dựng các mối quan hệ xung quanh giống như bạn đang đầu tư. Nếu chất lượng không cao, sở hữu càng nhiều càng thua lỗ.
Những người thông minh biết rằng không phải tất cả bạn bè đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành những người trợ giúp cho sự nghiệp, cuộc sống. Ngược lại, người từng kề vai sát cánh gọi nhau là “bạn bè” cũng có thể trở mặt hóa thành kẻ thù, phân tranh lợi ích với ta ngay sau lưng.
Cho nên, trong các mối quan hệ, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng, phải học cách nhìn nhận lòng người cho dù quá trình này khó khăn đến mấy. Xét cho cùng, con người là loài động vật giỏi ngụy trang nhất và ngày càng có xu hướng tự đeo lên những lớp mặt nạ thật dày để che đậy cho chính mình.
Đạo lý “Họa hổ, họa bì nan họa cốt; Biết mặt, biết người, khó biết lòng” không phải chúng ta không biết. Chỉ là rất ít người đủ tỉnh táo để không sa vào biểu hiện bên ngoài, nhìn thấu được bản chất bên trong.
Vì lẽ đó, người xưa đã để lại cho chúng ta 3 dấu hiệu đặc biệt để có thể nhận biết một kẻ tiểu nhân hay có lòng ganh ghét, đố kỵ và nhỏ nhen. Nếu gặp người có những đặc điểm này, điều chúng ta cần làm là tránh kết giao thân thiết và không nên giao phó niềm tin hay trọng trách quan trọng kẻo bị “đâm lén sau lưng”.
01. Đầu tiên, hãy tránh xa kẻ vô ơn bạc nghĩa
Kẻ vô ân bạc nghĩa thường quên những điều mà người ta đã làm được cho họ, nhưng sẽ chẳng bao giờ quên những điều mà người ta không làm được cho họ.
Trên đời này, rất nhiều người máu lạnh vô tình như loài rắn, cũng rất nhiều người không biết tri ân như lang sói độc địa. Họ nhận lòng tốt như một viên kẹo, ngọt ở đầu môi, nuốt vào bụng là hết. Nhưng họ sẽ coi những điều thiếu sót khác như hạt mầm, ngày ngày tưới tắm nuôi dưỡng bằng suy nghĩ tiêu cực, khiến chúng mọc rễ đâm chồi, thâm căn cố đế.
Những người có lòng dạ ích kỷ thường coi việc được giúp đỡ như một điều đương nhiên, an tâm tận hưởng mà không mảy may suy nghĩ gì. Để rồi khi ân nhân gặp nạn, họ bình thản đứng ngoài cuộc để xem, thậm chí kẻ tiểu nhân còn không ngại ngần bỏ đá xuống giếng mà chẳng chút áy náy nào trong lòng.
Giống như câu nói của cổ nhân: "1 đấu gạo tạo ơn, 1 thúng gạo tạo oán." Vậy đấy, với những người vô ơn bạc nghĩa, bạn càng thân thiết thì càng dễ rước họa vào thân.
02. Thứ hai, tránh xa những người hay đưa chuyện, nói xấu sau lưng
Các cụ hay dạy rằng, “Nói dài, nói dai, thành ra nói dại.”
Những kẻ hay đưa chuyện thường là những kẻ nói nhiều, mà quan trọng hơn, họ lại bàn luận thị phi, đem cuộc sống của người khác ra để nói.
Một truyền mười, mười truyền trăm, tam sao thất bản, đến cuối cùng, câu chuyện ban đầu bị “thêm mắm dặm muối” để trở thành đề tài thú vị cho họ bàn luận với nhau. Chẳng ai quan tâm sự thật đằng sau là gì, đương sự sẽ phải gánh chịu hậu quả thế nào vì những lời đồn bị thêm thắt lung tung.
Một chuyện bé như con kiến, qua miệng rất nhiều người cũng có thể hóa thành con voi. Đó chính là hệ lụy đáng sợ của thói quen đưa chuyện mà rất nhiều người tưởng là vô hại.
Bên cạnh đó, kẻ hay nói xấu sau lưng người khác cũng là một đặc điểm nhận dạng tiểu nhân. Họ có lòng dạ nhỏ nhen, hay ganh ghét. Khi thấy người khác sống tốt hơn mình, họ sẽ luôn cảm thấy khó chịu và nảy sinh tâm lý muốn nói xấu để “dìm” đối phương xuống.
Hãy cẩn thận với những người nói xấu người khác với bạn, vì họ cũng có thể quay đi nói xấu bạn với người khác.
03. Thứ ba, tránh xa những kẻ “lá mặt lá trái”
Người ta hay nói “Bạn bè ngày nay lá mặt lá trái không biết đâu mà lường” để chỉ những kẻ hay lật lọng, tráo trở, dễ trở mặt. Trước mặt người, họ cư xử một kiểu nhưng sau lưng, họ suy nghĩ và hành động hoàn toàn trái ngược.
Với người lương thiện, họ có lòng trắc ẩn, dễ cảm động lây khi nhìn thấy người khác gặp cảnh khó khăn đau khổ. Khi người xung quanh gặp vận rủi, họ có thể chủ động hoặc bị động giúp đỡ trong tầm khả năng của mình. Người như vậy luôn nhận được sự yêu quý và niềm tin chân thành.
Ngược lại, với những kẻ “đạo đức giả”, giỏi lá mặt lá trái, che giấu suy nghĩ đen tối trong nội tâm để phô bày vẻ ngoài chánh thiện sẽ khiến người khác khó lòng phòng bị.
Kiểu tiểu nhân này sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được lợi ích của mình, chẳng hạn là thăng chức, tăng lương, tranh đoạt tài nguyên… Nhưng bề ngoài của họ rất dễ khiến mọi người lầm tưởng rằng họ “vô hại”.
Họ giống những con thú âm thầm đi phía sau rồi bất ngờ cắn bạn, chúng tấn công bạn một cách đột ngột, bạn không thể biết chúng sẽ làm gì cho đến khi nhìn thấy vết thương của mình. Dù là trở thành bạn bè hay đối thủ của họ đều vô cùng hiểm nguy.
Đây là tuýp người khó nhận diện nhất trong xã hội. Muốn phòng tránh, chúng ta cần thực sự cẩn trọng khi quan sát thói quen, hành động thường ngày của đối phương thì mới có thể nhận ra.
Đừng quên câu nói “Vô sự hiến ân cần, phi gian tức đạo”: Khi không mà tỏ ra ân cần, không phải chuyện gian trá thì cũng là chuyện trộm cắp.
Trên trán của tiểu nhân không khắc chữ, trên mặt của kẻ xấu cũng không viết hai chữ “gian tà”, cho nên, nếu chỉ nhìn thoáng qua, chúng ta rất khó có thể nhìn thấu. Bản chất bên trong của một người chỉ có thể dần lộ ra sau khi từ từ hiểu biết quá trình tiếp xúc và giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu gặp người có 3 dấu hiệu trên đây, bạn cần tìm cách tránh xa, không giao thiệp quá nhiều để rồi rước họa vào thân.