Tháng giêng kì lạ nhất
Nói về Tết Giáp Ngọ 2014, GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã giải thích tường tận về tháng Tết kì lạ năm mới. Theo ông, Tết Nguyên đán bắt đầu từ tháng giêng âm lịch. Theo âm lịch, tức là theo chu kỳ vận hành của Mặt trăng nên không trùng với đầu năm dương lịch.
Vì theo quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch.
Năm nay Tết Nguyên đán rơi vào ngày 31-1 dương lịch, cũng có nghĩa đây là tháng lạ nhất vì có 3 ngày mồng Một (hai ngày theo âm lịch, một ngày theo dương lịch).
Trước năm 1967, Việt Nam cũng như một số nước khác lấy múi giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành việc đổi lịch, dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn và từ đó ngày Tết ở nước ta thường lệch ít nhiều so với ngày Tết ở Trung Quốc và một vài nước khác.
Như GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, còn một số những điều về Tết nguyên đán mà người dân ít biết. Trước hết là chữ Tết, có thể bắt nguồn từ chữ Xuân, tiết theo chữ Hán. Hai chữ "Nguyên đán" có gốc từ chữ Hán: "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" có nghĩa là buổi sáng sớm. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như "Tết Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) và "Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).
Văn hóa Đông Á – Thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – Do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Bày bàn thờ đúng nghi thức
Tết Nguyên đán có thể xem như một lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Đón Tết – cũng là đón một năm mới bao gồm nhiều nghi thức khác nhau, mỗi nghi thức trong dịp Tết là nét truyền thống lâu đời của dân tộc và chứa đựng những ý nghĩa linh thiêng đặc biệt.
Từ phong tục tảo mộ, hái lộc cho đến lệ không quét nhà ngày Tết hay trang hoàng nhà cửa và bày biện bàn thờ đều là những việc làm không thể thiếu đối với mỗi gia đình Việt Nam mỗi độ Tết đến, xuân về.
Nhất là việc bày biện và trang trí bàn thờ đều được mỗi gia đình thực hiện một cách trang nghiêm, cẩn trọng. Tuy nhiên, cách làm sao cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Mâm ngũ quả thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi, màu sắc, cách sắp xếp.
Theo GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, trên bàn thờ Tết thường phải có mâm ngũ quả. Nói là ngũ quả nhưng thường nhiều hơn sao cho đẹp và có ý nghĩa tùy theo từng vùng. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Một mâm Ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam chủ yếu gồm cam, quất, bưởi, chuối và dứa. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người.
Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Mâm ngũ quả của người miền Bắc có thể là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay là chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, lê-ki-ma, táo, na.
Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.
Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu Xiêm, xoài, sung, với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài. Người miền Nam thường kiêng kỵ bầy các trái cây có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng, bom (táo), lựu - lựu đạn... và không chọn các trái cây có vị đắng,vị cay.
Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ chiếc cuốn thư, có khi là một chữ Nho (chữ Tâm, Phúc, Đức...).Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân nước ta và không chỉ người có tiền mới chơi tranh mà người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền . Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình .
Dựng cây nêu ngày tết là phong tục truyền thống hết sức đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong ngày xuân mới.
Bên cạnh đó, để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các sĩ phu cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ.
Chúng ta đều biết có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Câu đối gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, dù bằng nghi thức hay vật phẩm như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm đức của con người. Mỗi độ xuân về, không chỉ là dịp đoàn viên sum vầy mà còn là lúc mà mỗi người nhìn lại chính mình trong một năm qua và mong cầu cho những điều tốt đẹp sắp tới!
Ngày nay, nghi thức đón Tết của người Việt Nam đã có nhiều điều đổi mới. Tết không còn đốt pháo để tránh gây tai nạn, tiết kiệm. Thêm vào đó, cũng không còn có chuyện dựng cây nêu do đất đai chật hẹp và suy nghĩ thực tế của con người. Những tục, hái lộc, xông nhà cũng có nhiểu chuyển biến mà không còn cứng nhắc như xưa. Những chuyển biến đó là tất yếu do cuộc sống con người đã phát triển hơn xưa rất nhiều. Quan trọng nhất là những phong tục xưa đã không còn phù hợp với hoàn cảnh ngày nay, như tục hái lộc đầu xuân nhiều khi làm ảnh hưởng đến cây xanh, cảnh quan đô thị nay thường được thay bằng việc mua một cành táo trĩu quả để mang về nhà lấy lộc đầu xuân.
Theo GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng
Theo Thiên Thanh (Giadinh.net.vn)