Khi hoa đào, hoa mai rộn ràng khoe sắc trên khắp các phố phường, chúng ta lại bắt gặp đâu đó hình ảnh ông đồ già “Bày mực tàu giấy đỏ” để viết nên những nét chữ “Như phượng múa rồng bay”. Những nét vẽ ấy đã được tạc vào cảnh cho chữ và trở thành “thú chơi” mỗi khi xuân về. “Thú chơi” này đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu và ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống tinh thần cũng như đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt.
“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”, câu nói này phần nào phản ánh sự phổ biến của thú chơi ấy. Sáng mùng 1 đầu năm, dù trong cái lạnh se se hay lất phất những hạt mưa xuân, người Hà Nội vẫn giữ thói quen xuất hành đầu năm để đi xin chữ. Những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Trí có nghĩa là người có ý thức minh mẫn. Hiểu được ta, biết được người, định được việc, thấy được chỗ cao xa. Tránh được chỗ nguy hại và luôn nắm vững cơ hành động. Trí ở đây có ý nói là người có đầu óc thông minh biết việc, xét việc rõ ràng minh bạch, chứ không phải là người có mưu mô thủ đoạn xảo quyệt hại người. Ngoài khả năng thiên phú ra, con người nhờ vào học tập để hiểu biết thêm và kinh nghiệm đời từng trải sẽ cho ta thêm trí óc minh mẫn, lanh lẹ.
Người buôn bán xin chữ Lộc, chữ Tín. Người đi làm xin chữ Danh. Gia đình thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Đối với các cháu nhỏ, thầy đồ thường tặng chữ Minh…
Chữ “An”, một chữ đơn giản nhưng chứa đựng bao điều muốn nói, một cuộc sống an lành, một chỗ an cư trong cuộc sống, một chữ an toàn trong mọi việc… Lạ ở chỗ, chữ “An” không trắc trở, có tính hai mặt như những chữ khác mà mọi người vẫn thường hay xin; rồi “Nhẫn” - chữ nhẫn không phải đơn giản là bốn chữ cái ghép lại mà hãy tưởng tượng ra những gì tác dụng từ nó và ý nghĩa nhân sinh hàm chứa. Chữ “Nhẫn” đứng đầu trên muôn hạnh, là đạo đức cần thiết của con người. Nhưng “Nhẫn” không phải là chấp nhận thực tại. Đó là sẵn sàng đương đầu, và âm thầm chuẩn bị để vượt qua khó khăn, thách thức, để rồi lại tiếp tục “Nhẫn”, lại tiếp tục vượt qua thử thách lớn hơn. Hình ảnh minh họa là những lớp sóng trên đại dương, không ngừng nghỉ, cái sau tiếp nối cái trước, ngọn sóng sau cao hơn và mạnh mẽ hơn ngọn sóng trước... Rồi một “Hạnh Phúc” được kết sinh trong “Gia Đình” đầm ấm. Và hàng ngàn, hàng vạn chữ được các ông đồ thảo nét trên từng trang giấy dó.
Mỗi chữ thư pháp, người viết đều thể hiện tâm hồn, tài năng và trí tuệ của mình. Người chơi chữ phải có cái nhìn sâu sắc, tinh tế, hoài cổ mới thấy được nét đẹp ẩn hiện sau những con chữ uyển chuyển bay lượn. Tâm trạng, tính cách của người viết thế nào sẽ được thể hiện ngay trên đường nét con chữ. Viết thư pháp nếu có nét chữ đẹp rồng bay phượng múa các ông đồ sẽ chinh phục được lòng người. Còn việc giữ được lòng người hay không chính là cái tâm trong thư pháp.
Xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Ngày nay, người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà – nhưng dù gì, đó cũng là một sở thích đẹp, hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt đã một thời bị phai nhạt. Từ chỗ chỉ có vài mâm chiếu của các cụ đồ mái tóc bạc trắng như cước giờ có cả những ông đồ còn ở lứa tuổi thanh niên. Nói là trẻ nhưng họ vẫn taọ được cho mình cái “thần lực” trên đầu bút.
Nhiều năm trước, con phố Bà Triệu hay phố Hàng Bồ vẫn thấp thoáng bóng dáng của các ông đồ trên mâm chiếu để cho chữ nhưng những năm gần đây họ lại tập trung về “Phố ông đồ” ở khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám. Có nhiều gia đình năm nào cũng đưa các con đến đây để cảm nhận được không khí của những ngày đầu xuân, của những sắc đỏ, giấy vàng, những nét chữ của ông đồ và nét tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý. Các ông đồ từ Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương,… cũng bắt đầu “mở rộng phạm vi ảnh hưởng” của mình trên đất Thủ đô để cùng hòa chung trong không khí đón xuân rộn ràng trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Có những du khách nước ngoài từng nghe danh các cụ đồ và tục chơi chữ đầu năm của người Việt, cũng ghé qua để tận mắt chứng kiến 1 nét đẹp văn hóa còn lưu sót lại từ nhiều năm nay. Họ cũng xin chữ để mang may mắn về cho cả năm.
Không chỉ có tại Văn Miếu, những mâm chiếu với cảnh cho chữ còn xuất hiện ở các lễ hội xuân đầu năm. Cảnh cho chữ và xin chữ cũng diễn ra tấp nập. Dừng chân tại một mâm chiếu của thầy đồ ngay ở đường lên chùa Yên Tử, để xin cho mình chữ Tâm, cùng bàn với thầy đồ về chữ Tâm trong thư pháp, chúng ta có thể nhận thấy, chữ Tâm luôn được tồn tại trong thư pháp, tách rời chữ Tâm không còn là thư pháp nữa. Bất kỳ con người bình thường nào cũng đều có tâm và ý thức được cái tâm đó. Tuy nhiên, cái Tâm không phải là “vô hướng” mà là “có hướng”. Cái Tâm xuất phát từ bản thân mình, nhưng hướng vào đâu mới là điều quan trọng. Cái Tâm trong sáng luôn luôn gắn liền với ý thức trách nhiệm. Không có ý thức trách nhiệm thì không bao giờ có thể nói mình có cái Tâm trong sáng được.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh từng căn dặn học trò mình: “Đừng quá chú ý vào tờ giấy mà hãy cảm nhận nét bút đang chạy. Mỗi con chữ đều ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa trong đó. Khi người viết hiểu được ý nghĩa và cảm được nội dung câu, chỉ cần đặt bút xuống, dù cầm ở đâu khi viết, chữ cũng chạy theo ý mình”.