30 Tết vẫn xúc đất làm thuê
Người bố sống trong ống cống, ngủ ngoài vỉa hè hàng ngày chạy xe ôm, bơm vá xe đạp mưu sinh hơn 10 năm trên thành phố nuôi 4 con học đại học, trong đó Nguyễn Hữu Tiến là thủ khoa ĐH Y Hà Nội là 0.câu chuyện cảm động, ý nghĩa trong năm 2013.
Nhớ lại những ngày tháng nghèo khó của gia đình ở căn nhà nhỏ ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội), bà Hoàng Thị Thanh (mẹ của Tiến) rưng rưng xúc động.
“Những năm trước có gì ăn nấy. Năm ngoái tôi nuôi được con gà, cấy được gạo nếp làm nồi bánh chưng, chứ chẳng bao giờ có giò chả, cây đào, quất gì cả. Có năm, đến 30 Tết bố nó (ông Nguyễn Hữu Định – PV) tranh thủ làm ngoài kia, còn tôi xúc đất thuê ở Vân Đình kiếm vài đồng mua ít thịt ba chỉ làm nhân bánh”, mẹ thủ khoa Tiến nói trong nước mắt.
Những Tết trước, do gia đình không có tiền mua sắm nên bố mẹ Tiến chỉ mong giao thừa có nồi bánh chưng cho các con. Bản thân hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (thủ khoa ĐH Y Hà Nội 2013) và Nguyễn Hữu Tiền (sinh viên năm 1 ĐH Bách khoa) chỉ mong được gói và trông nồi bánh chưng.
Bà Thanh tâm sự, ngày Tết với gia đình bà là những bữa cơm no, trên bàn thờ chỉ có con gà, đôi bánh chưng.
“Có năm, cả nhà trông chờ bố nó đi cưa gỗ về để sắm Tết. Nhưng 29 Tết ông về mặt buồn rầu lắc đầu nói không để ra được đồng nào. Đến ngày 30 Tết tôi đành gọi người để bán lúa đủ sắm lễ, vài lạng ba chỉ luộc thắp hương mùng 1. Nghĩ đến lúc ấy mà ứa nước mắt”, bà Thanh gạt nước mắt tâm sự.
Ngay từ khi còn nhỏ, biết gia đình mình nghèo nên Tiến, Tiền không đòi hỏi quần áo mới hay bất cứ điều gì khi Tết đến. Mẹ Tiến nhớ lại, ngày hai cậu còn bé, bà ngoại hay đi chùa có lộc cho hai anh em 200, 500 đồng. Tiến không mua kẹo, bánh mà mang về kẹp vào quyển vở, lâu lâu được nhiều đưa cho mẹ nói đóng tiền điện.
“Năm nào cũng thế, nhận được tiền lì xì Tết hay được bố mẹ lì xì 500 đồng, 1000 đồng…và năm ngoái được nhiều nhất là 20 nghìn đồng nhưng đến tối mùng 1 hai anh em gom lại đưa cho mẹ giữ để mua thức ăn”, bà Thanh bùi ngùi.
Tết năm nay bớt suy nghĩ hơn…
Tâm sự với chúng tôi về việc chuẩn bị Tết năm nay, mẹ của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến tâm sự: “Ngồi trong nhà thấy người ta đi sắm Tết mà tủi thân. Biết công việc làm thuê thì phải chấp nhận, tôi với ông nhà thay nhau về quê ăn Tết vì còn ông bà nội ngoại nữa. Mấy hôm trước, căn nhà ở quê bị trộm cạy cửa vào nhà lấy tất xoong nồi, chậu đến cả chày giã cua. Có bằng khen của hai cháu vẫn còn”.
Hiện nay, gia đình bà Thanh đang ở trong căn nhà hơn 10 mét vuông để trông coi thuê khu chung cư mini. Trước Tết hai mẹ con về trước dọn dẹp nhà cửa, sắm lễ, còn bố Tiến về đêm giao thừa, mùng 1 để lo việc nhà.
Những ngày giáp Tết, bố Tiến vẫn tranh thủ đứng ở bến xe buýt khu vực Cầu Giấy để chạy xe ôm, bơm vá xe. Có ngày đứng cả sáng mới được một chuyến 20 – 30 nghìn đồng. Có hôm cả buổi chiều chẳng được khách nào nhưng bố của thủ khoa luôn lạc quan không than nghèo, khó khăn.
So với mọi năm, bà Thanh bớt lo nghĩ hơn bởi từ ngày hai em đỗ đại học, được sự hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân. Nhờ sự nỗ lực của Tiến, Tiền, bà không phải lo lắng về tiền học phí. Có "mạnh thường quân" giúp đỡ, gia đình bà không phải đi thuê nhà, được ở cạnh nhau và có việc làm. "Với tôi, như thế này là mãn nguyện lắm rồi. Cầu chúc cho mọi người có được cái Tết ấm áp", bà Thanh nói.
Nói về mong ước trong năm mới, bà Thanh thật thà chia sẻ: “Không có gì vui bằng là hai cháu lại đỗ đạt, học tốt, ngoan ngoãn. Tôi chẳng có dự định làm giàu hay điều gì ngoài mong cho con cái trưởng thành, mạnh khỏe”.
Bày tỏ mong muốn năm mới, Tiến cười nói: “Nhà em không có điều kiện nên em chỉ nghĩ phải làm sao cố gắng học thật tốt trong trường, sớm tốt nghiệp có công ăn việc làm giúp bố mẹ, gia đình có cuộc sống tốt hơn”.
Dự định của Tiến năm 2014 là hoàn thành việc học tiếng Anh để sang năm thứ 2,3 cậu yên tâm tập trung vào chuyên ngành y. Chàng trai 20 tuổi khoe với tôi rằng, vừa rồi 3 lần cậu đi hiến máu với mong muốn cứu giúp người bệnh.
Dù cuộc sống trước mắt của gia đình Tiến còn khó khăn nhưng trong đôi mắt của họ vẫn ánh lên niềm tin, lạc quan…và căn phòng nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười, sự yêu thương.