Chỉ trong 4 ngày Tết, 2 bệnh nhân tử vong vì rượu và tiết canh

H.Đan |

(Soha.vn) - Chỉ tính từ ngày mùng 1 đến hết ngày 4 Tết đã có 2 bệnh nhân tử vong vì ăn tiết canh lợn và ngộ độc rượu.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sáng mùng 1 Tết, một bệnh nhân nam (48 tuổi, ngụ Thái Bình) đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn.

"Theo gia đình bệnh nhân, vào ngày 28 Tết, bệnh nhân ăn món tiết canh tất niên. Bình thường, gia đình rất hiếm khi ăn tiết canh nhưng ngày Tết nên có mổ lợn “sạch” nhà tự nuôi để làm món tiết canh. Có 5 người cùng ăn nhưng chỉ bệnh nhân này bị nhiễm liên cầu lợn.

Một ngày sau ăn tiết canh, bệnh nhân sốt cao, người lạnh run, rối loạn tiêu hóa nhưng không đến BV.

Sau một ngày sốt, chiều 30 Tết, thấy bệnh nhân mệt lả, tụt huyết áp nên người nhà đã đưa đến trạm xá khám, sau đó chuyển lên BV tỉnh rồi đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi tiếp nhận bệnh nhân đang trong tình trạng tụt huyết áp, sốc, chúng tôi đã dùng thuốc vận mạch nhưng huyết áp không hồi phục nên bệnh nhân đã tử vong ngay trong chiều cùng ngày.

Ca bệnh này diễn tiến rất nhanh và được chẩn đoán ở thể tối cấp. Chỉ sau 1 ngày sốt, bệnh nhân đã tụt huyết áp, sốc dù chưa có những dấu hiệu điển hình của liên cầu lợn", bác sỹ Cấp cho biết.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương.

Ngoài trường hợp này, theo bác sỹ Cấp, còn gần chục trường hợp khác cũng nhập viện sau khi thưởng thức món khoái khẩu là tiết canh. Hiện vẫn còn một số bệnh nhân đang phải “ăn Tết” ở BV để chữa trị do nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn.

Vác sỹ Cấp cho biết thêm, số bệnh nhân nhập viện vì xơ gan cũng tăng cao bất thường trong những ngày Tết và đã có ít nhất 6 trường hợp tử vong. Đây đều là những bệnh nhân bị xơ gan mãn tính, được xuất viện về ăn Tết. Tuy nhiên, họ đã không tiết chế việc  ăn uống, nhất là rượu, điều trị không đến nơi đến chốn hoặc bỏ điều trị.

Đáng nói là rất nhiều bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, đã chủ quan không nhập viện, trong khi với bệnh nhân xơ gan, khả năng chuyển hóa các độc chất kém hơn so với người bình thường. Vì vậy, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê nên đã không thể qua khỏi.

Còn theo Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày Tết vừa qua, mỗi ngày trung bình có từ 10 - 12 bệnh nhân nhập viện điều trị. Trong đó, 1/3 bị ngộ độc rượu... Hai trường hợp đã tử vong trong dịp Tết vừa qua gồm 1 trường hợp uống thuốc trừ sâu tự tử và một trường hợp ngộ độc rượu.

"Do dịp Tết năm nay nghỉ dài, cộng với hủ tục rượu chè vẫn còn ăn sâu trong nhiều người dân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Tỉ lệ tử vong do rượu so với năm ngoái đã giảm hơn. Với trường hợp ngộ độc rượu tử vong vào ngày mùng 4 Tết là một bệnh nhân quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Trước đó, từ ngày 30 Tết bệnh nhân đã uống triền miên nhiều loại rượu khác nhau đến mùng 3 Tết thì xuất hiện dấu hiệu bị ngộ độc rượu. Khi đưa vào đây, dù chúng tôi đã cố gắng nhưng không cứu được", bác sỹ Sơn cho hay.

Bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Trong tối mùng 4 Tết cũng có thêm một bệnh nhân khác nhập viện vì bị viêm dạ dày, kích thích do uống nhiều rượu, ăn uống kém.

Ngoài những trường hợp ngộ độc rượu, bác sỹ Sơn cho biết trong dịp Tết Giáp Ngọ, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai còn ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột gây rối loạn đông máu, 4 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ, trong đó có 3 trường hợp uống thuốc diệt Paraquat - loại cực độc.

Đây đều là những trường hợp tự tử, nguyên nhân hầu hết xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình như bố mẹ với con cái, vợ chồng hoặc do nợ nần căng thẳng. Hiện các bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tích cực tại trung tâm.

Bên cạnh đó, 8 giờ tối mùng 3 Tết, một bệnh nhân 14 tuổi ở Bắc Ninh được chuyển đến Trung tâm trong tình trạng bị ngộ độc mật cá trắm, men gan tăng gần 200 lần so với mức bình thường, đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, đi ngoài… Sau khi được tích cực điều trị, men gan của cháu bé đã giảm đáng kể, sức khỏe tạm thời ổn định.

Những điều nên tránh trong "tháng ăn chơi"

Trước tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu, thực phẩm vẫn khá cao, bác sỹ Sơn lưu ý, người dân không nên uống quá nhiều rượu bia và sử dụng thức ăn phải hợp vệ sinh.

"Dịp Tết Nguyên đán đã qua nhưng tháng Giêng này vẫn được coi là tháng ăn chơi nên người dân cần hết sức lưu ý, không nên uống quá nhiều rượu bia, cũng như uống nhiều loại rượu khác nhau và uống rượu nhưng không ăn uống gì.

Bởi việc sử dụng như vậy sẽ dễ dẫn đến say xỉn, không làm chủ được bản thân, nếu điều khiển phương tiện giao thông thì còn rất dễ gây ra tai nạn và hơn thế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến chính sức khỏe bản thân.

Bên cạnh đó, để tránh ngộ độc thức ăn thì người dân nên sử dụng những thực phẩm đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng. Tránh dùng những thức ăn cũ mà không đun lại, thức ăn có mùi ôi thiu...", bác sỹ Sơn chia sẻ.

Còn theo bác sỹ Cấp, điều quan trọng nhất trong "tháng ăn chơi" và trong cả năm chính là người dân phải tự nâng cao ý thức trong việc đảm bảo sức khỏe của mình, không uống quá nhiều rượu bia, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng các bệnh lây qua đường hô hấp...

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại