Theo truyền thống của người Việt, Tết Nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Đây cũng là khoảng thời gian để hướng về cội nguồn, mời gia tiên tiền tổ và người thân đã mất trở về bằng các nghi lễ cúng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không rõ trong dịp Tết Nguyên đán cần cúng bao nhiêu lần. Về số lượng các lễ cúng, có nhiều quan niệm khác nhau. Có gia đình làm mâm cơm cúng hằng ngày từ hôm tất niên cho đến lúc hóa vàng; nhiều gia đình chỉ thực hiện những lễ cúng cơ bản.
Tết Nguyên đán cần cúng bao nhiêu lần?
Theo quan niệm từ xa xưa, có 5 lễ cúng "bắt buộc" trong dịp Tết Nguyên đán mà các gia đinh Việt luôn thực hiện.
Cúng ông Công, ông Táo
Hàng năm, các gia đình thường làm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn Táo quân về trời báo cáo với Ngọc hoàng chuyện của năm qua. Đây là lễ cúng đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán.
Lễ cúng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng gia đình; có thể làm lễ mặn (xôi gà, giò chả,…) hoặc lễ chay (với trái cây, chè, xôi, bánh...).
Lễ vật cúng ngày ông Công ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất tươm tất, từ đồ hương hoa, vàng mã, hoa tươi đến mâm cơm mặn đủ món. Đồ vàng mã gồm 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn. Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng 23 tháng Chạp.
Cúng tất niên
Đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, cũng là nghi lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Ngoài việc tỏ lòng thành kính với gia tiên, thần linh thì đây là dịp các thế hệ trong gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm.
Nghi lễ cúng tất niên cũng là lời mời thành kính của con cháu dành cho tổ tiên và những người đã khuất, mong các vị về ăn Tết với con cháu, đồng thời thể hiện mong muốn xua đi những điều xui xẻo ở năm cũ, chào đón những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Tùy vào phong tục mỗi vùng miền cũng như truyền thống của từng gia đình, các món ăn trong mâm cúng tất niên có sự thay đổi.
Cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa vào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới còn được gọi là lễ trừ tịch, tức là trừ khử ma quỷ, những điều xui xẻo, không may mắn của năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Theo quan niệm dân gian, đây còn là nghi lễ tiễn đưa vị quan hành khiển của nhà Trời cai quản việc năm cũ trở lại thiên đình và đón quan hành khiển mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới.
Nghi lễ được thực hiện cả ở trong nhà ngoài trời. Do đó, việc chuẩn bị lễ vật cúng lễ cũng có hai phần khác nhau.
Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm có: Gà lễ, xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh kẹo, mâm ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, đĩa muối, đĩa gạo, nhang, đèn… và quần áo, mũ, ủng của quan hành khiển.
Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà thường được chuẩn bị đầy đủ hơn, thường có cặp bánh chưng, gà lễ (nên chọn gà trống tơ chưa đạp mái), đĩa xôi gấc và bát canh măng.
Cúng Nguyên đán
Đây là lễ cúng đầu tiên trong năm mới, được thực hiện vào sáng mùng 1 Tết với mâm cỗ đầy đủ nhất. Chiều mùng 1 Tết, một số gia đình làm cơm cúng tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Nhiều gia đình chỉ cúng sáng, bỏ qua bữa cúng chiều này.
Các lễ cúng Tết Nguyên đán đều có gà nhưng do ngày mùng 1 kiêng sát sinh nên gà cúng thường được làm từ tối hôm trước.
Nhiều gia đình có tục lệ cúng cơm hằng ngày từ chiều 30 cho đến khi hóa vàng xong mới thôi. Tuy nhiên, mâm cơm mỗi bữa không quá cầu kỳ, chỉ cần những món đơn giản như cơm, xôi, bánh chưng, giò chả… Trên bàn thờ luôn sáng đèn và thắp nhang để không khí ngày Tết thật ấm cúng.
Cúng hoá vàng
Chuỗi nghi lễ Tết Nguyên đán được kết thúc bằng lễ cúng hóa vàng, có thể thực hiện từ mùng 2 đến mùng 7. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn các gia đình tiễn ông bà vào mùng 3 tháng Giêng, có những gia đình con cháu đi sớm thì cúng vào mùng 2.
Việc chuẩn bị mâm cỗ cũng tuỳ vào hoàn cảnh từng gia đình, không quá câu nệ nhưng vẫn phải thực hiện trang nghiêm. Gọi là lễ cúng hóa vàng vì vào ngày ấy, con cháu đốt tiền vàng để biếu các cụ chi tiêu tại âm giới.