Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp), ở hẻm 236 đường Trần Hưng Đạo (quận 5- TP HCM), nơi tập trung đồng bào người Hoa gốc Quảng Đông, người dân treo cờ Tổ quốc, hoa Tết trước cửa nhà. Các gia đình thay câu đối liễn mới với giấy đỏ, chữ vàng. Câu đối liễn luôn mang thông điệp may mắn, tốt lành (khai trương hồng phát, tân xuân đại cát…).
Đón giao thừa ở hội quán
Ở quận 5 (TP HCM), rất nhiều hẻm như vậy đã khoác lên tấm áo mới. Cộng đồng người Hoa ở đây tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đường xá đón Tết Nguyên đán.
Nói về tập quán đón Tết Nguyên đán của cộng đồng người Hoa, không thể không nhắc đến các hội quán. Nghệ nhân nhân dân- Hoạ sĩ Trương Hán Minh (69 tuổi) chia sẻ đây là truyền thống lâu đời của đồng bào Hoa Kiều. Hội quán là nơi thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng. TP HCM có nhiều hội quán có bề dày lịch sử, như: Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Hải Nam…
Nghệ nhân nhân dân - họa sĩ Trương Hán Minh vẽ tranh ngày Tết (ảnh: D.Lâm)
Đêm giao thừa, rất nhiều gia đình cùng nhau đến hội quán. Trẻ nhỏ đến nhận bao lì xì may mắn. Người lớn chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng nắm tay nhau đón khoảnh khắc thiêng liêng. "Đây là truyền thống tự hào từ bao đời trong cộng đồng Hoa Kiều" – ông Trương Hán Minh bộc bạch.
Biểu diễn lân sư rồng - hoạt động không thể thiếu trong Tết Nguyên đán (ảnh: H.Triều)
Tối 30 Tết, dù làm việc ở nơi xa xôi đến mấy, con cháu đều trở về thắp nhang tổ tiên, quây quần bên mâm cơm cuối năm cùng ông bà, cha mẹ. Mâm cơm cúng trong gia đình người Hoa không thể thiếu món ăn chế biến từ cá (mang ý nghĩa dư dả). Ngoài ra, mâm cơm Tết phải có thêm ít nhất 3 món (thịt heo, khô mực, trứng) mang ý nghĩa "tam sinh".
Vui Tết cộng đồng
Bên cạnh những phong tục tập quán đặc trưng, bà con Hoa Kiều tích cực tham gia nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán ở địa phương.
Những ngày Tết, tại hội quán, bà con người Hoa tổ chức hoạt động xã hội, như: bán đấu giá tranh, câu đối tạo nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo; tặng quà Tết.
Đã thành thông lệ từ nhiều năm, Câu lạc bộ mỹ thuật người Hoa phối hợp với Trung tâm văn hóa quận 5 tổ chức triển lãm, trưng bày tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh. Tất cả tác phẩm thể hiện những hình ảnh đẹp trong đời sống cộng đồng người Hoa, diện mạo mới của TP HCM. Trong số đó, ban tổ chức đấu giá từ thiện thành công không ít tác phẩm.
Mọi gia đình Hoa Kiều đều treo phong bao lì xì trước cửa để cầu may mắn khi Tết đến, xuân về (ảnh: H.Triều)
Đặc biệt, các hoạ sĩ vẽ tranh, viết chữ ở hội quán, triển lãm, hội hoa xuân. Nhiều gia đình đến "thỉnh chữ", "thỉnh tranh".
Nghệ nhân nhân dân- Hoạ sĩ Trương Hán Minh nhấn mạnh: "Trong mỗi tác phẩm do những nghệ nhân vẽ tranh, viết câu đối đều "lồng" vào ước vọng trong năm mới".
Đặc biệt, diễu hành, múa lân sư rồng đã không còn là hoạt động đặc trưng chỉ diễn ra trong cộng đồng người Hoa. Từ lâu, những hoạt động ấy đã trở thành bản sắc đáng ngưỡng mộ, lan tỏa tại địa phương.
Dạo chợ Tết!
Trên đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ bùng binh Châu Văn Liêm đến gần chợ Kim Biên nhộn nhịp những ngày giáp Tết nguyên đán. Nhiều mặt hàng, như: dây, hình, tiền vàng, phong bao lì xì… phục vụ trang trí, trang hoàng nhà cửa ngày Tết được treo, giăng rợp hết mặt tiền các cửa hàng. Hai màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng khiến các điểm bán hàng nổi bật, hút mắt. Người ra vào mua bán tấp nập, ai cũng muốn mang may mắn về nhà.
Khoảng chiều tối, không khí mua sắm nóng dần, kéo dài đến tận khuya ở khu phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi. Những câu quảng cáo ngẫu hứng, ngộ nghĩnh ("Sale khủng", "Giá hạ tới đáy", "Khuyến mãi tới kiệt sức – khô máu – đang chảy từng giọt cuối cùng…!"…) được các cửa hàng, sạp bán tận dụng nhằm kéo khách.
Hay ở chợ Hòa Bình - ngôi chợ duy nhất ở quận 5 có không khí mua sắm Tết "thâu đêm suốt sáng" từ rằm tháng Giêng. Đủ loại hàng hóa trải dài trên bạt nhựa, treo trên giá, máng trên xào trở thành "thương hiệu" tại chợ Tết sầm uất, huyên náo này.