Theo quan niệm của người Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ , tiêu diệt loài có hại cho cây trồng.
Cơm rượu nếp, món ăn được chế biến từ cơm nếp nấu chín ủ men, là một món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ .
Theo quan niệm của ông cha ta, cơm nếp là món ăn có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hoá nên đây là một món ăn đúng với tinh thần ngày tết "diệt sâu bọ".
Cũng nấu gạo nếp, rắc men, ủ ấm nhưng cơm rượu ở mỗi miền lại khác biệt nhau về nguyên liệu, về hình dạng, cả về cách ăn. Hãy cùng khám phá cách làm cơm rượu ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam các chị em nhé!
Cơm rượu miền Bắc
Cơm rượu nếp cái hoa vàng
Cơm rượu nếp cái hoa vàng là món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc. Nếp cái hoa vàng không phải nơi nào cũng trồng được và phải không phải vụ nào cũng làm nên hạt nếp ngon.
Hạt nếp cái hoa vàng ngon phải là hạt nếp nguyên vỏ cám to, tròn, đồng đều màu sắc, có như thế cơm rượu mới ngon được.
Nguyên liệu làm cơm rượu nếp cái hoa vàng
- 1kg gạo nếp cái hoa vàng (chọn loại gạo lật sẽ ngon hơn)
- 1 - 1,5 cái men ủ rượu (tùy từng loại men)
Cách làm cơm rượu nếp cái hoa vàng:
- Gạo nếp đãi sạch vỏ và nhặt sạn, trấu rồi ngâm nước khoảng 1 giờ, sau đó cho vào nồi cơm điện hoặc nồi gang, nồi đất... nấu chín.
- Múc cơm ra cái mâm hoặc mẹt dàn đều cho cơm nhanh nguội dần.
- Men rượu giã nhuyễn rồi cho vào cái rây, rây bỏ hết trấu còn dính vào men hoặc bỏ những cục to.
- Khi sờ thấy cơm hơi âm ấm là rắc men được. Đừng rắc men khi cơm nóng quá hoặc nguội quá sẽ không thành công. Rắc men vào cơm và trộn đều.
- Lót lá chuối khô vào nồi hoặc vại rồi múc cơm đã trộn men vào, đậy bằng lớp lá chuối khô nữa trên mặt rồi đậy vung ủ vào thúng, thùng rơm.
- Sau 2 đến 5 ngày thấy cơm rượu bắt đầu có mùi thơm thì dùng đũa đảo đều. Lúc này cơm đã lên men mềm, thơm thì ăn được.
- Nếu chưa ăn ngay có thể bỏ cơm rượu vào tủ lạnh ăn dần các chị em nhé!
Cơm rượu nếp cẩm
Cơm rượu nếp cẩm cũng rất phổ biến ở miền Bắc.
Cơm rượu nếp cẩm khi ăn vị ngọt ngọt cay cay lan dần xuống bụng tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu. Khác với miền Nam và miền Trung, cơm rượu nếp ở miền Bắc là dạng hạt rời.
Nguyên liệu làm cơm rượu nếp cẩm
- 500g gạo nếp cẩm
- 5g men rượu
- 100g đường
- 100ml nước
Cách làm cơm rượu nếp cẩm:
- Gạo nếp cẩm vo sạch, ngâm ít nhất 6 tiếng hoặc qua đêm.
- Cho gạo vào nồi cơm, đổ nước xâm xấp và nấu như nấu cơm. Tránh đảo quá nhiều trong quá trình nấu vì cơm nếp sẽ ra nhiều nhựa.
- Cơm chín thì dàn ra khay cho cơm bay bớt hơi nóng.
- Men cạo bỏ vỏ trấu bọc bên ngoài rồi giã mịn.
- Khi cơm đã nguội và chỉ còn hơi âm ấm thì dùng rây, rây men vào cơm sau đó trộn đều.
- Cho cơm vào hộp thủy tinh có nắp, đậy kín và bọc khăn hay túi màu đen ra bên ngoài. Cất vào nơi kín như tủ, lò nướng, nồi cơm hay thùng xốp.
- Sau 2 ngày thì lấy cơm rượu ra kiểm tra. Nếu cơm rượu đã lên men chuẩn theo ý thì đun nước và đường cho tan. Khi nước đường nguội thì trộn vào cùng cơm rượu và thưởng thức.
Cơm rượu miền Nam
Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà được viên thành những viên tròn trước khi ủ. Rượu dậy mùi, người ta thường thêm nước đường vào.
Người miền Nam thích ăn cơm rượu với xôi vò giống như xôi chè ở miền Bắc.
Nguyên liệu làm cơm rượu miền Nam
- 1kg gạo nếp
- 1 lít nước
- 15 viên men nhỏ
- 1 xấp lá chuối
Cách làm cơm rượu miền Nam:
- Lá chuối rửa sạch, để ráo. Nếp vo sạch, để ráo.
- Nấu sôi 1 lít nước rồi cho nếp và nước sôi vào nồi cơm điện, nấu chín thành cơm nếp.
- Xới cơm nếp ra khay thành lớp mỏng, để nguội.
- Giã nhuyễn men.
- Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng.
- Khi cơm nếp nguội thì rây men đều lên mặt cơm nếp. Lưu ý là cơm nếp phải nguội nhé, nếu cơm còn nóng thì men sẽ bị "chết", không thành rượu được.
- Nặn cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay, quấn lá chuối quanh viên cơm nếp.
- Xếp viên cơm nếp vào thố thành từng lớp, trên cùng đậy một lớp lá chuối. Đậy nắp thố, cho thố vào 2 lớp nylon buộc kín lại. Ủ trong 3 đến 5 ngày thì được.
- Lấy lá chuối ra, xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác, cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt vừa phải, không tiếp tục lên men cay thì sẽ trữ được lâu hơn.
Nếu thích vị ngọt hơn và nhiều nước hơn, có thể nấu ít nước đường, để nguội rồi chế vào thố cơm rượu.
Cơm rượu miền Trung
Cơm rượu miền Trung được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Cơm rượu miền Trung có dạng miếng nhỏ vuông vức.
Để có những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt, cần chọn nếp ngỗng cũ màu trắng đục, vo sạch, ngâm nước trong 8 giờ. Đặc biệt nếp được hấp hai lần để hạt nếp chín mềm từ trong ra ngoài.
Nguyên liệu làm cơm rượu miền Trung
- 1kg gạo nếp ngỗng
- 12g men rượu
- Muối, nước sạch
Cách làm cơm rượu miền Trung:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm nước khoảng 8 tiếng rồi để ráo.
- Đem gạo nếp hấp lần 1 trong một tấm vải màn. Khi hạt nếp có độ trong lấy ra nhúng vào nước muối pha loãng và để ráo trong khoảng 5 phút. Sau đó tiếp tục đem hấp nếp thêm một lần nữa.
- Nếp sau khi hấp hai lần đã chín hoàn toàn, xới ra để nguội và nén thật chặt.
- Giã mịn men rượu rồi rắc đều lên mặt nếp.
- Dùng dao đã được nhúng qua nước muối và cắt cơm rượu thành những viên vuông vức.
- Tiếp tục rắc men và các cạnh còn lại của cơm rượu rồi cuốn lại bằng lá chuối.
- Xếp cơm rượu bọc lá chuối vào rá để ủ, phía trên đậy một lớp lá chuối, phía dưới để một cái thau sạch hứng nước cơm rượu.
Sau khoảng 3 ngày cơm rượu dậy mùi thì bóc vỏ lá chuối, lấy từng viên cơm rượu cho vào hũ rồi lấy nước cơm rượu hứng được đổ vào và để thêm một ngày nữa là có thể ăn được.