Phong tục truyền thống của người dân Trung Quốc là sẽ trở về quê nhà đón năm mới cùng người thân.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiều người không thể thực hiện được.
Đối với người Hoa ở nước ngoài, đây là điều rất đáng buồn nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin và hòa nhập văn hóa đã mang đến cho họ nhiều lựa chọn đón Tết Nguyên Đán khác nhau.
Khắp những đường phố Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác đang trong không khí lễ hội náo nhiệt.
Nhưng với những người Trung Quốc đang học tập và làm việc ở nước ngoài, không thể về quê nhà thì họ sẽ đón Tết như thế nào đây?
Trên thực tế, ở những nước phương Tây, không khí Tết Nguyên Đán sẽ không như ở Trung Quốc và nhiều nước Châu Á.
Nhưng nếu muốn tận hưởng không khí của các lễ hội truyền thống, những người xa xứ có thể đến các khu phố Tàu.
Nơi đây luôn được trang trí những chiếc đèn lồng đỏ và tràn ngập tiếng nói cười trong suốt những ngày trước và trong Tết.
Khu phố Tàu trang trí đón Tết Nguyên Đán.
Ngoài ra, ở Anh cũng diễn ra các hoạt động múa rồng, múa lân, diễu hành... Nhiều người phương Tây cũng sẽ hòa mình vào không khí này.
Với nhiều người không muốn ra ngoài, họ vẫn còn những lựa chọn khác. Họ có thể đặt thức ăn truyền thống Trung Quốc hoặc tự tay làm một bữa tối đón Giao thừa rồi sau đó, sẽ vừa thưởng thức tay nghề của mình.
Không giống ở Trung Quốc, các quốc gia phương Tây không có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Lưu A Hách, một giáo viên Trung Quốc đang dạy học tại Tây Ban Nha cho biết, ở Tây Ban Nha không có kỳ nghỉ Tết, mọi người đều phải đi làm và đi học như bình thường.
Vì vậy, các hoạt động mừng năm mới tại đây sẽ diễn ra rất đơn giản, có thể chỉ là treo đèn lồng trong nhà và bạn bè người thân tụ tập ăn uống.
Cộng đồng người Hoa ở nước ngoài sẽ tụ tập cùng nhau đón Giao thừa.
Anh Lâm Dĩnh Tuyền, một người Trung Quốc đang sống tại Anh chia sẻ: "Với chúng tôi, Tết Nguyên Đán là một lễ hội vô cùng trọng đại.
Mặc dù ở Anh không có kỳ nghỉ tương tự nhưng gia đình tôi thường tự sắp xếp một thời gian tận hưởng không khí mùa xuân, để người lớn và trẻ con cùng vui vẻ bên nhau".
Tại Trung Quốc, vào đêm 30 Tết, các gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng xem chương trình Xuân Vãn của CCTV và nhiều đài truyền hình khác. Và những người Hoa sống ở nước ngoài cũng có thói quen tương tự.
Nếu không theo dõi các chương trình Xuân Vãn của đất nước mình, những người Hoa xa nhà và cả dân địa phương sẽ tự tổ chức các buổi tiệc mùa xuân để mừng năm mới.
Trong các buổi tiệc đó, người tham gia sẽ được bốc thăm trúng thưởng và ăn tối cùng nhau.
Sự phát triển và phổ biến của Internet đã mang đến những phương thức liên lạc thuận tiện với chi phí phải chăng.
Ông Vương Cường, một người Trung Quốc sống tại Nhật Bản nhiều năm, chia sẻ: Vì công việc bận rộn, đã nhiều năm ông không về Trung Quốc đón Tết cùng bố mẹ.
Nhưng mỗi tối 30 Tết, ông đều gọi điện thoại cho người thân và bạn bè thông qua internet, nghe họ kể về mọi thứ đang diễn ra tại Trung Quốc.
Ngoài ra, hình thức thiệp điện tử cũng phổ biến hơn. Nhiều người Trung Quốc xa xứ cũng dùng cách này để gửi lời chúc Tết đến gia đình và bạn bè đang ở quê hương.
Ở Mauritius, tiệc mừng năm mới đã được tổ chức từ nhiều năm trước. Ngoài mục đích để cộng đồng người Hoa sống khắp đất nước này có dịp gặp gỡ nhau, tiệc mừng cũng là nơi các trẻ em người Hoa thể hiện tài năng của mình.
Tại Flushing, New York, Mỹ, cộng đồng người Hoa sẽ tổ chức một cuộc diễu hành mừng năm mới với sự tham gia của hàng ngàn người.
Nhiều người phương Tây cũng tham gia diễu hành đón Tết Nguyên Đán.
Nhiều người cho biết, so với 20 - 30 năm trước, người Hoa ở nước ngoài đã có thể tận hưởng không khí Tết Nguyên Đán tốt hơn. Đây cũng là lúc người Trung Quốc giới thiệu các hoạt động truyền thống và văn hóa của nước nhà.
Thái độ của những người bản địa cũng đã thay đổi, thông qua những hoạt động đón năm mới thú vị, họ muốn tìm hiểu nhiều hơn về Trung Quốc.
Cùng với việc quốc tế hóa các hoạt động mừng xuân, một số nơi đã cho phép người Trung Quốc đốt pháo công khai tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất tiện. Cho nên, nhiều người trẻ đã nghĩ đến hình thức đốt pháo "trực tuyến".
Chỉ cần bạn click chuột, cảnh pháo nổ sẽ xuất hiện trên màn hình máy tính. Chẳng những vậy, bạn còn có thể nghe thấy âm thanh của nhiều loại pháo khác nhau.
Ngoài đốt pháo "trực tuyến", các trang web "ăn Tết trực tuyến" còn có nhiều hoạt động khác hấp dẫn hơn.
Cô Triệu, một người Trung Quốc định cư ở Đức, đã "ăn Tết trực tuyến" trong nhiều năm qua đến "nghiện".
Không chỉ có thể ngắm hình ảnh Tết ở quê nhà mà còn được thưởng thức nhiều món ăn ngày Tết như bánh bao "điện tử", thịt vịt "điện tử",...
Ngày càng nhiều người Hoa chọn ăn Tết Nguyên Đán xa xứ nhưng khao khát trở về quê hương không bao giờ giảm đi.
Cách đón Tết của họ cũng càng đa dạng hơn nhưng mong muốn lớn nhất vẫn là được về quê nhà và trải qua Tết cùng người thân.