Tết buồn của kiếp người cô độc nơi trại phong bỏ hoang

Minh Toàn |

Từng là nơi điều trị của hơn 150 bệnh nhân mắc bệnh phong, nhưng vì nhiều lý do mà trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ còn sót lại duy nhất một mảnh đời còn ở lại.

Kiếp sống bị hắt hủi

Nằm sâu trong những ngọn đồi với mật độ dân cư thưa thớt, trại phong Đá Bạc nằm ẩn mình trong rêu phong, cỏ cây quanh đây. Được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, hiện tại trại phong đã xuống cấp, tường vôi rêu phong, tróc lở. Nhưng có thời điểm, đây từng là "nhà" của hơn 150 bệnh nhân điều trị.

Vào năm 2013, trại phong được di dời đi nơi khác. Vì nhiều lý do khác nhau nhưng vẫn còn những mảnh đời cố "bám trụ" nơi này. Nhưng hiện tại, trại phong chỉ còn là nhà của bà Nguyễn Thị Sợi (80 tuổi, Vĩnh Phúc). Trải qua 4 đời quản đốc, bà Sợi là bệnh nhân đầu tiên và cũng là người cuối cùng còn sót lại tại nơi gần như bị lãng quên này.

Tết buồn của kiếp người cô độc nơi trại phong bỏ hoang- Ảnh 1.

Cả trại phong Đá Bạc hiện giờ chỉ còn mình bà Sợi sinh sống (Ảnh: Minh Toàn).

Là một trong "tứ chứng nan y" của thế kỷ trước, người mắc bệnh phong gần như bị gắn "án tử". Họ thường bị hắt hủi, cô lập khỏi cuộc sống thường ngày. Bà Sợi cho biết: "Lúc bị, toàn phải giấu, giấu để đi làm hợp tác. Vì không làm thì không có điểm. Nhưng mà họ cứ hắt hủi. Một đám đang đứng cuốc đất thế này, nghe thấy hủi cái, họ chạy hết. Có một mình mình vừa làm vừa chảy nước mắt, chẳng dám khóc, khóc sợ xấu hổ".

Năm 1966, bà Sợi cùng một số bệnh nhân được chuyển đến trại phong Đá Bạc để điều trị. Nhưng họ không thể thoát khỏi sự hắt hủi của những người dân xung quanh. Có lần, bà Sợi cùng những bệnh nhân khác đi xem chiếu bóng do đường tối nên cầm theo đèn pin đi. Nhưng bị người dân phát hiện, họ ném đá vào những nơi có ánh đèn. Thậm chí, có người bị ném trúng đầu, phải đi cấp cứu trong đêm. "Chúng mày ơi, hủi nó sắp ra rồi, nó có đèn pin đấy…", bà Sợi kể lại đoạn ký ức buồn tủi xưa.

Nhiều bệnh nhân như bà Sợi, do tủi thân vì căn bệnh quái ác này nên đã tự kết thúc cuộc đời của mình. Theo bà Sợi: "Nhiều người cái bệnh này người ta thắt cổ. Nó hắt hủi, khổ. Vào đây thì lại đói quá, chẳng đi khai hoang được, nó đau...". Nhưng bà Sợi thì vẫn luôn lạc quan, gắng gượng vượt qua số phận, sống trọn kiếp người.

"Bám trụ" trại phong

Bố mẹ ruột bà Sợi mất sớm, bà được một cán bộ xã ở Vĩnh Tường nhận làm con nuôi. Sau khi bố mẹ nuôi mất, bà Sợi lập bàn thờ ở trại phong này và quyết định ở lại nơi này để "an cư".

Đã 58 năm kể từ ngày đầu tiên bà đặt chân đến nơi này. Những người bạn có thể đã rời đi. Nhưng bà Sợi vẫn còn đó với nơi này. Theo bà Sợi, đã có những người chuyển trại. Người ít cũng phải 3-4 trại: trại Quỳnh Lập, Hà Bắc, Quả Cảm… "Chuyển sang bên kia thì nhà nước nuôi, bác sĩ trông nom nhưng mà tôi không đi, say ô tô, tôi không đi, ở đây nó quen rồi…", bà Sợi bộc bạch.

Bà là một trong số những bệnh đầu tiên ở trại phong này. Hiện tại bà cũng là người cuối cùng còn bám trụ ở "ngôi nhà" này. Sống một mình nên trong nhà bà Sợi lúc nào cũng có sẵn các loại thuốc như thuốc cảm, thuốc đau đầu. Di chứng của căn bệnh để lại khiến mỗi khi trái gió trở trời là chân tay bà cứng đờ, đau buốt như bị điện giật. Đã có những thời điểm bà Sợi phải bò ra bàn uống nước để lấy thuốc vì đau buốt không đi được.

Tết buồn của kiếp người cô độc nơi trại phong bỏ hoang- Ảnh 2.

Những di chứng do bệnh phong để lại khiến những thao tác thường ngày của bà Sợi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết (Ảnh: Minh Toàn).

Thậm chí, căn bệnh quái ác này đã khiến cho bà Sợi không thể đứng lên ngồi xuống như một người bình thường. Bà Sợi nói: "Rửa bát cũng rửa bát đứng, giặt quần áo cũng giặt quần áo đứng. Ngồi xuống là phải có 2 người xách nách thì mới đứng dậy được…Khổ mãi quen rồi, bây giờ cũng cứ cố sống xem giời đất thay đổi như thế nào".

Sống một mình ở nơi, gần như đã rơi vào quên lãng. Bà Sợi phải bầu bạn với chú chó Bun, 9 con mèo hoang, 3 đôi chim câu cùng đàn gà mái. Bun đã sống cùng bà được 16 năm. Không chỉ là một người bạn, có thể nói với bà Sợi Bun như là một thành viên trong gia đình. Những lúc buồn, người dân đi làm hết, không có ai đến thăm, bà Sợi đành tâm sự cùng chú chó để tạo cảm giác được lắng nghe.

Tết buồn của kiếp người cô độc nơi trại phong bỏ hoang- Ảnh 3.

Chú chó Bun là người bạn, người thân của bà Sợi trong hơn 16 năm qua (Ảnh: Minh Toàn).

Bà Sợi có một vườn rau nhỏ phía sau những dãy nhà đã bị bỏ hoang. Cuộc sống "tự cung tự cấp" của bà đã bắt đầu được gần 11 năm nay. Gà bà nuôi, bà không thịt mà để đẻ lấy trứng, cho gà mẹ ấp. Khi hết gạo, bà mang bán đàn gà, lấy tiền mua gạo, mua thịt.

"Ngày xưa nó hắt hủi chứ bây giờ cũng thoáng rồi, họ không sợ nữa…", bà Sợi nói. Vì "thoáng rồi" nên bà Sợi đã có thể làm bạn với những hộ dân quanh đây. Bà thường đến các hộ dân trong khu vực để chơi, để nói chuyện, xem cách họ chăn nuôi. Bởi, căn bệnh này từ lâu đã là rào cản ngăn cách bà với xã hội.

"Tết cũng như ngày thường"

Do sống một mình nên với bà Sợi, Tết cũng như những ngày bình thường. Bà Sợi có một vườn đào, không nhiều, nhưng có thể đem lại thu nhập cho bà mỗi độ Tết đến xuân về. "Người ta đến mua, cắt cành. Bán được thì ăn cả năm. Nhưng 3 năm nay rồi, nó chẳng ra hoa". Đến không khí mùa xuân cũng bỏ quên trại phong, quên đi kiếp người vẫn đang "sống mòn" từng ngày bên trong trại phong.

Tường nhà bà Sợi được trang trí bởi một số hình vẽ cây mai, cây đào. Tết được in lên những bức tường nhà bà Sợi. Dù tường đã có những chỗ tróc lở, màu vẽ cũng đã phai dần đi theo thời gian nhưng đó nơi là không khí Tết còn hiện hữu rõ nhất bên ngoài nhà bà Sợi.

Bên trong nhà, ngoài đôi dòng câu đối được một tổ chức từ thiện tặng thì bà Sợi không sắm Tết. Lý do là bởi: "Bà sống một mình thì Tết cũng như ngày thường, ngày xưa Tết mới được ăn thịt, bây giờ thì lúc nào muốn ăn thì mua nên tôi không mong Tết đến…" - bà Sợi nói.

Tết buồn của kiếp người cô độc nơi trại phong bỏ hoang- Ảnh 4.

Không khí Tết dù đã phai nhạt nhưng vẫn luôn hiện hữu bên trong căn nhà của bà Sợi (Ảnh: Minh Toàn).

Với bà Sợi, được gặp gỡ nói chuyện hay thậm chí là nhìn mọi người lao động đã là niềm vui. Thế nhưng trái ngược với cảm xúc mong chờ sự sum họp, đầm ấm vốn có của một cái Tết, bà Sợi sợ Tết. Bởi "Tết là bà buồn, không có người đến chơi, mà không có người đi ngoài đường cái".

Tết với bà Sợi chỉ là nải chuối, quả bưởi, đôi khi là kẹo, mứt thắp hương. Vậy là xong Tết. Bà không về quê là bởi, bố mẹ nuôi đã mất hết, hai chị gái ở cái tuổi tản thọ cũng đã con đàn cháu đống, theo về nhà chồng.

Giờ đây, niềm vui với bà Sợi không phải là Tết mà là mỗi khi có người đến thăm, đến chơi với bà, giúp bà quét sân, dọn dẹp sân vườn, ăn cùng bà bữa cơm. Hay chỉ đơn giản là còn nhớ để đến với bà.

Vụ học sinh 'ăn mì tôm chan cơm': Câu nói bất ngờ của thầy hiệu trưởng khi trò nói chưa noVụ học sinh "ăn mì tôm chan cơm": Câu nói bất ngờ của thầy hiệu trưởng khi trò nói chưa no

UBND huyện Bắc Hà xác định hình ảnh phản ánh về bữa ăn bán trú ở trường này với 2 gói mì tôm chan cơm của 11 học sinh là có thật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại