Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa thông báo chính thức lịch nghỉ Tết Kỷ Hợi . Cụ thể, lịch nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ thứ hai 4.2.2019 (30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết thứ sáu 8.2.2019 (mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Như vậy, tính cả thứ Bảy, Chủ nhật, dịp Tết Nguyên đán có tổng cộng 9 ngày nghỉ từ ngày 2.2 đến 10.2 tức từ 28 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng.
Với kỳ nghỉ dài như vậy, người dân rất quan tâm và đón đợi thông tin thời tiết dịp Tết. Hơn nữa, Trung Bộ và Bắc Bộ vừa đón Tết Dương lịch trong thời tiết rét đậm, rét hại kỷ lục. Vậy liệu thời tiết Tết Âm lịch có lặp lại kịch bản này?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyên Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt rét đậm bắt đầu từ ngày 28.12.2018 đến 4.1.2019 được xem là đợt rét "đỉnh" của mùa đông xuân 2018-2019.
Sau đợt rét đậm này, miền Bắc sẽ trải qua những đợt rét đậm ngắn ngày hơn và cường độ không mạnh như đợt vừa qua.
Theo ông Hưởng, trong giai đoạn Tết Âm lịch 2019 từ thứ hai 4.2.2019 (30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết thứ sáu 7.2.2019 (mùng 3 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), nền nhiệt khu vực Bắc Bộ có xu hướng cao.
Khu vực Hà Nội có nhiệt độ đêm và sáng dao động 17 - 19 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong ngày khoảng 23 - 24 độ C. Sáng sớm hoặc trong ngày có khả năng lất phất mưa xuân. Trưa chiều trời hửng nắng, thời tiết mát mẻ.
Khu vực Trung Bộ tạnh ráo, dễ chịu.
Khu vực Nam Bộ trong dịp Tết Âm lịch khả năng xảy ra nắng nóng với mức nhiệt cao, lên đến 35 - 36 độ C.
"Đặc biệt, nhận định sơ bộ từ thứ bảy 2.2.2019 (28 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến 6.2.2019 (mùng 2 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) khu vực Nam Bộ chịu tác động của một đợt triều cường.
Lúc này, có khả năng nước ở biển dồn vào gây ra ngập úng ở các tỉnh ven biển, nhất là ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh chịu tác động triều cường rất lớn. Thậm chí có thể xảy ra hiện tượng nắng ở trên trời mà triều cường dưới đất" - ông Hưởng nhấn mạnh.