Hãng xe với mức vốn hóa số 1 thế giới Tesla đã là một cái tên quen thuộc. Không chỉ nổi danh nhờ những mẫu xe điện theo phong cách tối giản với cự ly di chuyển lớn, Tesla còn có một lý do rất mạnh để người dùng phải cân nhắc: Chế độ tự lái.
Nhắc tới tự lái, ta liên tưởng ngay tới viễn cảnh chiếc xe tự vận hành trên quãng đường dài nhiều tiếng đồng hồ, và chúng ta khi đó đóng vai hành khách, có thể thoải mái xem phim, đọc báo hay thậm chí Karaoke.
Tesla Roadster với khả năng tăng tốc kinh hoàng đang là một trong các mẫu xe rất được mong chờ của Tesla.
Xe điện của Tesla cho chúng ta cơ hội đó.
Thực ra chỉ là một phần.
Với chế độ Full Self Driving (tạm dịch là Tự lái đầy đủ; gọi là "đầy đủ" vì chiếc xe vẫn chưa có hoàn toàn khả năng tự hành) mới được tung ra, xe điện của Tesla nay đã có thể tự vận hành một cách hạn chế trong các cung đường nội đô thay vì chỉ các đường lớn như trước. Người lái có thể tạm rời tay lái khỏi vô lăng nhưng vẫn luôn phải tập trung và sẵn sàng can thiệp khi chiếc xe không thể tự xử lý.
Nếu xét trên 5 cấp độ tự lái với cấp 5 là cấp cao nhất, Tesla mới chỉ đạt cấp 2.
Các cấp độ tự lái theo phân cấp của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Hoa Kỳ SAE. Ảnh: Synopsys
Ấy vậy mà gần đây, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk (CEO của Tesla) đã thể hiện mong muốn bán bản quyền sử dụng chế độ tự lái này cho các hãng xe khác cùng sử dụng.
Bên cạnh việc người dùng kích hoạt tự lái rồi chiếc xe vẫn gây tai nạn, lý do khác khiến giới quan sát không khỏi ngao ngán là việc Tesla còn chưa cho toàn bộ khách hàng của mình được sử dụng Full Self Driving.
Thật vậy, Tesla hiện chỉ cho khách hàng 'đạt tiêu chuẩn' sử dụng Full Self Driving. Vấn đề nằm ở chỗ không phải khách hàng nào cũng 'đạt tiêu chuẩn' dù rõ ràng đã trả tiền để được sử dụng tính năng này.
Một chiếc Tesla đang tự vận hành trên một cung đường nội đô. Ảnh: Electrek
Cụ thể, chuyên trang xe điện Electrek đưa tin về người dùng Tesla có tên là Andy Slye đã trả 8.000 USD từ hồi 2018 để được sử dụng Full Self Driving. Thế nhưng, những gì anh ta nhận được sau thời gian chờ đằng đẵng từ 2018 là thông báo bạn chưa lái đủ tốt để sử dụng Full Self Driving.
Vậy Tesla làm sao để biết người lái có 'đủ tốt' hay không? Đó là qua hệ thống 'điểm số an toàn giao thông' do chính Tesla tự dựng lên. Hệ thống này sử dụng thuật toán để tính điểm cho hành vi người lái. Một vài mục đánh giá có thể nêu ra như phanh gấp, cua gắt, vi phạm khoảng cách an toàn.
Đáng chú ý hơn cả, Elon Musk nói rằng: "À nhân tiện, hệ thống đánh giá an toàn giao thông hiện tại rõ ràng là vẫn chưa tốt. Đó là lý do vì sao chúng tôi luôn phải nhắc rằng đây là hệ thống thử nghiệm. Vì thế sắp tới sẽ có nhiều thay đổi - đúng vậy, cứ chuẩn bị tinh thần là hệ thống này sẽ đánh giá chính xác hơn qua thời gian. Hiện tại, thuật toán đánh giá vẫn đang ở nước đầu."
Vậy tức là ngay cả chính khách hàng của Tesla vẫn còn chưa được sử dụng tự lái, ngay cả khi tự lái của Tesla vẫn chưa hoàn thiện, Tesla lại muốn đem bán bản quyền cho các hãng khác cùng dùng.
Electrek: "Tự lái vẫn chỉ nằm ở cái tên".
Cần phải nhắc rằng để 'huấn luyện' cho chiếc xe đạt khả năng tự lái hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Tạm lấy ví dụ về 'bộ não tự hành' của chiếc xe: Trí tuệ nhân tạo. Giải thích một cách ngắn gọn thì trí tuệ nhân tạo là cách thức người ta giả lập bộ não của con người trên máy tính. Hệ thống trí tuệ nhân tạo khác với các hệ thống được lập trình ở chỗ, trí tuệ nhân tạo được phép mắc lỗi sai và lỗi sai đó sẽ chính là bài học để nó tự cải thiện mình.
Ví dụ cụ thể hơn là cách người ta đào tạo trí tuệ nhân tạo nhận diện một con bò sữa. Đầu tiên, người ta sẽ đưa hình ảnh về bò sữa và chỉ ra rằng đó là bò sữa. Dần già, trí tuệ nhân tạo nhận ra rằng bò sữa có 4 chân, kích thước lớn, có đốm trắng đen và thường thấy trên bãi cỏ. Nhưng giả sử lại có hình ảnh một con bò sữa đứng trên bãi cát thì rất có thể trí tuệ nhân tạo sẽ không thể nhận dạng được.
Bảng điều khiển hiển thị đèn giao thông màu hổ phách nhấp nháy trên màn hình, cho thấy hệ thống đã nhầm lẫn trong việc xác định vật thể. Video: Jordan Nelson
Tức là sẽ cần rất rất nhiều dữ liệu ở đủ các tình huống có thể xảy ra để trí tuệ nhân tạo hiểu được. Đây có lẽ cũng là lời giải thích cho vụ việc chế độ tự lái của Tesla nhận nhầm mặt trăng là đèn vàng đã từng được nhiều người chia sẻ hồi cuối tháng 7.
Nói ngắn gọn hơn, vẫn còn rất xa mới tới lúc ta trở thành hành khách trên chính chiếc xe của mình. Vẫn chưa có hãng xe hay công ty công nghệ nào khẳng định có mẫu xe đạt tự lái cấp độ 5 được bán rộng rãi trên thị trường, và có lẽ sẽ xảy ra ở một tương lai xa. Từ giờ cho tới mốc tương lai đó, hãy cân nhắc khi kích hoạt chế độ tự lái.