Vừa mới đây, Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ NHTSA đã gửi một bức thư tới cho Tesla, có liên quan tới một loạt lỗi do hệ thống tự lái của hãng xe này. Cụ thể, NHTSA gửi bức thư đề nghị Tesla giải trình lý do vì sao không triệu hồi xe để khắc phục sự cố phần mềm của hệ thống tự lái Autopilot.
Bức thư này theo sau bản cập nhật phần mềm mà Tesla đã cho kích hoạt từ xa, giúp các mẫu xe của hãng có thể phân định rõ hơn các phương tiện giao thông đang dừng khẩn cấp bên lề đường. Trước đó đã ghi nhận khoảng 12 vụ tai nạn khi người cầm lái Tesla kích hoạt hệ thống tự lái và hệ thống này va chạm với nhiều xe dừng khẩn cấp bên lề đường.
Hình ảnh do Sở cảnh sát bãi biển Laguna cung cấp về hiện trường chiếc Tesla trong chế độ tự lái đã đâm vào một chiếc xe cảnh sát đang đỗ bên đường hồi 29/5/2018. Ảnh: Forbes
Trong bức thư mới được gửi tới Tesla, NHTSA yêu cầu giải trình về bản cập nhật của Tesla, đồng thời trích lại quy định rằng nhà sản xuất "khi xác định phương tiện hoặc thiết bị tự sản xuất gặp lỗi liên quan đến an toàn giao thông của phương tiện đường bộ hoặc không thích ứng với tiêu chuẩn an toàn của phương tiện đường bộ" thì sẽ phải triệu hồi.
NHTSA cũng chỉ ra rằng bản cập nhật của Tesla giúp các mẫu xe của hãng có thể xác định đèn báo khẩn cấp trong tình trạng thiếu sáng. Từ đây, có thể ngầm hiểu là NHTSA cho rằng lẽ ra Tesla đã phải triệu hồi xe thì mới đúng luật.
Một chiếc Tesla khác tại Đài Loan hồi 2018 khi đang kích hoạt tự lái cũng đã đâm vào một chiếc xe tải lật ngang 2 làn đường
Trên thực tế, việc các hãng xe gửi các bản cập nhật từ xa không phải là chuyện hiếm. BMW đã bắt đầu áp dụng cách thức này từ 2018 cho tới tận ngày nay.
Điển hình là BMW hiện đang áp dụng phương thức này để cập nhật hệ thống giải trí, hoặc thậm chí để mua và thiết lập các hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao ADAS khi chiếc xe đã đủ phần cứng và chỉ cần 'mở khóa' là có thể sử dụng được.
Ngoài BMW, một loạt các hãng xe khác có các bản cập nhật từ xa là Toyota, Honda, Mercedes, Porsche hay VinFast.