Tên lửa "vô địch" bẽ bàng trước Su-30 Nga: Mỹ có vớt vát nổi thể diện với siêu vũ khí mới?

Trịnh Ngọc Tiến |

Lầu Năm Góc hứa hẹn sẽ lấy lại "ưu thế tuyệt đối" - sự thống trị trên không - trước đối thủ Nga và Trung Quốc nếu được đầu tư trang bị loại tên lửa siêu xa mới.

Nga-Trung thu hẹp khoảng cách công nghệ

Tạp chí "Không quân (Air Force)" - tạp chí chính thức của không quân Mỹ - đăng bài viết của tác giả John Tirpak cho rằng, Không quân Mỹ sẽ khôi phục được "ưu thế tuyệt đối" sau năm 2020 trước các đối thủ Nga và Trung Quốc nếu đưa vào trang bị loại tên lửa mới AIM-260.

Ông Tirpak cũng thừa nhận Nga và Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ một cách nhanh chóng.

Theo bài viết của Tirpak, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Moscow và Bắc Kinh đã tụt hậu khá xa với Mỹ trên các lĩnh vực không quân, phòng thủ tên lửa cũng như tác chiến điện tử, song hiện nay Mỹ không thể duy trì ưu thế tuyệt đối đó nữa.

Không quân Mỹ sẽ khôi phục "ưu thế tuyệt đối" trước đây của họ như thế nào? Theo lý thuyết, những chiếc F-35 và F-22 có tính năng tàng hình sẽ lặng lẽ xâm nhập vào không phận đối phương, thực hiện trinh sát, phát hiện và chỉ điểm mục tiêu.

Những tin tức tình báo như vậy được chuyển đến các loại máy bay thế hệ thứ 4 đông đảo như F-15/16/18 ở ngoài khu vực phòng không của đối phương và phóng tên lửa tiêu diệt.

Tuy nhiên, những máy bay thế hệ 4 này cần phải trang bị các loại tên lửa hàng không có tốc độ siêu vượt âm mới, bay nhanh hơn, xa hơn để có thể tận dụng tin tình báo của máy bay F-22 và F-35 cung cấp.

Một vũ khí lý tưởng như vậy để tiêu diệt máy bay địch đó chính là tên lửa AIM-260 mà Lockheed Martin đã phát triển từ năm 2017. Nó được dự định để thay thế tên lửa AIM-120, vũ khí mà Pleus gọi là "nhà vô địch trong không chiến thập niên 90".

Khi tên lửa AIM-120 hết thời làm mưa làm gió

AIM-120 được phát triển để đáp trả tên lửa R-27 của Liên Xô, nó vượt trội đáng kể so với tên lửa AIM-7 Sparrow tiên tiến nhất của Mỹ vào thập niên 1980 nhưng chưa chắc đã vượt trội so với R-77, thậm chí tầm bắn còn kém hơn (50 km và 120 km).

Dưới thời Liên Xô, dự án chế tạo tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-77 có tính năng vượt trội tất cả các loại tên lửa của Mỹ và NATO khi đó nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, do khó khăn về kinh tế, R-77 bị trì hoãn sản xuất hàng loạt trong nhiều năm. Do đó, Mỹ đã hình thành một ưu thế tạm thời trong phân khúc các loại tên lửa không đối không.

Sau này mặc dù được hiện đại hóa, nhưng AIM-120 đã lạc hậu, thậm chí nó có thể bị gây nhiễu và không còn là vũ khí "sát thủ" của các loại máy bay chiến đấu MiG và Su.

Tên lửa vô địch bẽ bàng trước Su-30 Nga: Mỹ có vớt vát nổi thể diện với siêu vũ khí mới? - Ảnh 1.

Tên lửa AIM-120 được đưa vào biên chế trong không quân Mỹ vào năm 1991. AIM-120 hiện được coi là một trong những loại tên lửa không đối không mạnh nhất của Mỹ.

Phiên bản mới nhất AIM-120D, có khả năng tấn công máy bay đối phương từ khoảng cách 180 km, có mức giá 2 triệu USD, nó quá đắt ngay cả đối với lực lượng không quân nhà giàu như Không quân Mỹ. AIM-120D chỉ được trang bị với số lượng rất nhỏ cho máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ là máy bay chiến đấu tàng hình F-22.

Dù rất đắt nhưng chưa chắc AIM-120D là vũ khí chiếm ưu thế tuyệt đối cho không quân Mỹ, bởi những máy bay của Nga và Trung Quốc ngày càng hiện đại và khó đánh bại.

Ví dụ sinh động nhất chứng minh nhận định trên là trong cuộc tập trận mô phỏng chung giữa không quân Ấn Độ và không quân Mỹ vào tháng 2 năm 2019, phía Ấn Độ đề nghị người Mỹ bắn hạ Su-30MKI (do Nga chế tạo) của họ bằng tên lửa AIM-120C tốt nhất.

Phía Mỹ đã sử dụng các phần mềm đào tạo ảo, bao gồm mô phỏng các trận chiến trên không do Lockheed Martin phát triển. Phần mềm này nối với các tín hiệu đầu ra của thiết bị mô phỏng buồng lái Su-30 MKI của Ấn Độ, phi công thực sự của Không quân Ấn Độ ngồi ở vị trí lái.

Bằng việc sử dụng kết hợp các hệ thống tác chiến điện tử và cơ động cao nhờ vào động cơ có lực đẩy vector 3 chiều, phi công Ấn Độ điều khiển Su-30 MKI đã tránh được 5 quả tên lửa AIM-120C.

Nên nhớ rằng phiên bản Su-30 được phát triển vào những năm của thập niên 1990, còn Su-35 và Su-57 tiên tiến hơn sẽ là đối thủ của F-22 và F-35, dư sức đè bẹp F-16.

Khả năng cơ động cao của Su-35 và Su-57 không chỉ mang lại lợi thế lớn trong không chiến tầm gần mà còn cho phép Su-35 và Su-57 dễ dàng tránh được một cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa, kể cả những loại hiện đại nhất.

Trên thực tế, chính tốc độ và khả năng cơ động cực kỳ linh hoạt của các dòng Su hoặc MiG đời mới của Nga đã buộc Lầu Năm Góc phát triển loại tên lửa tầm xa và có tốc độ siêu thanh AIM-260, nhằm không để đối phương có thời gian phản ứng và thực hiện các thao tác né tránh tên lửa.

Tên lửa vô địch bẽ bàng trước Su-30 Nga: Mỹ có vớt vát nổi thể diện với siêu vũ khí mới? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu F-15 phóng tên lửa AIM-120

Tên lửa AIM-260 có đủ tạo ra sự áp đảo?

Theo ước tính, tên lửa AIM-260 sẽ có giá không dưới 4 triệu USD/quả, tức là đắt gấp đôi giá của tên lửa AIM-120C. Theo những thông tin bị rò rỉ, nhà sản xuất Lockheed Martin dự định lắp đặt một anten mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) trên đầu dò của AIM-260.

Như vậy, khả năng vùng phủ sóng radar rộng hơn và khả năng chống nhiễu cao hơn, hạn chế khả năng phát hiện và đánh chặn của máy bay đối phương.

Chưa biết hiệu quả của tên lửa AIM-260 đến đâu nhưng trên thực tế, với giá như vậy thì loại máy bay được trang bị chắc chắn sẽ bị hạn chế. Nếu có một cuộc chiến thực sự thì số lượng tên lửa tiêu thụ sẽ rất lớn.

Ví dụ gần đây nhất, Không quân Ấn Độ đã mua từ Nga 1.000 tên lửa không đối không tầm trung R-27 với số tiền 220 triệu USD chỉ cho cuộc xung đột cục bộ ở Kashmir.

Tên lửa vô địch bẽ bàng trước Su-30 Nga: Mỹ có vớt vát nổi thể diện với siêu vũ khí mới? - Ảnh 3.

Tên lửa PL-15 của Trung Quốc sẽ là đối thủ của tên lửa AIM-260 tương lai

Dưới góc độ kinh tế cho thấy, với 10 tỷ USD là không đủ cung cấp cho không quân Mỹ số tên lửa AIM-260 để trang bị cho số F-22 và F-35. Còn dưới góc độ kỹ thuật, việc chế tạo ra một tên lửa không đối không có tốc độ siêu thanh với tầm bắn 400 km là vượt quá khả năng công nghệ.

Hiện tại, trong các thí nghiệm, Mỹ cũng chỉ tạo ra tên lửa siêu vượt thanh bay trong thời gian từ 3 đến 5 giây.

Với khả năng tác chiến điện tử hiện nay, các loại máy bay của Nga hoặc Trung Quốc khi phát hiện bị phóng tên lửa, sẽ phóng ra hàng chục mục tiêu giả có tín hiệu radar giống hệt tín hiệu radar máy bay phóng ra.

Tên lửa AIM-260 phóng ra chưa hẳn đã phân biệt được đâu là mục tiêu thật, giả. Do vậy, khả năng tiêu diệt máy bay đối phương bằng tên lửa AIM-260 chưa hẳn đã là tuyệt đối.

Kế hoạch "lấy lại ưu thế tuyệt đối trên bầu trời sau năm 2020" của Lầu Năm Góc chưa thực sự thuyết phục khi khả năng của tên lửa AIM-260 vẫn chưa được chứng minh, trong khi đó tên lửa AIM-120 cũng đã hết thời "làm mưa làm gió" trên không.

Hiện nay, 3 cường quốc trong lĩnh vực hàng không quân sự là Mỹ - Nga và Trung Quốc đều tham gia cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, mỗi một quốc gia đều có thế mạnh riêng của mình.

Mỹ và Trung Quốc có khả năng đầu tư cao nhờ ngân sách quốc phòng dồi dào nhưng người Nga có hướng đi riêng của họ và họ luôn biết cách tạo ra những vũ khí độc đáo riêng của mình trong điều kiện ngân sách eo hẹp, thực tế đã chứng minh như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại