Theo nhà nghiên cứu tên lửa David Wright, đồng chủ nhiệm Chương trình An ninh toàn cầu (thuộc Hiệp hội các nhà khoa học quan ngại, Mỹ), quả ICBM mới phóng có thể tấn công Nhà Trắng, thậm chí phóng chính xác vào phòng Bầu Dục, văn phòng làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông nói tên lửa mới đạt độ cao 4.475km, tức nhiều hơn cao độ của Trạm không gian quốc tế ISS những 10 lần, và bay xa 950km trong 53 phút.
Nếu số liệu này chính xác, quả Hỏa tinh -15 có thể bay theo một quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì vòng cung, đạt tầm bắn 13.000km. Với tầm xa này, tên lửa đủ sức vươn tới Washington, bờ tây Mỹ, Úc và cả châu Âu, và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii nằm trong tầm bắn. Hawaii cách Triều Tiên khoảng 7.570km.
Trước đây, vào các ngày 4.7 và 28.7, tên lửa Triều Tiên được phóng đi theo quỹ đạo vòng cung và có thời gian di chuyển tương ứng là 37 phút và 47 phút. Trong khi đó, quả tên lửa đạn đạo tầm trung Hỏa tinh-12 phóng ngày 15.9 đã bay 3.700km qua Nhật Bản.
Ông Wright nêu trong khi quả ICBM có thể không mang một đầu đạn hạt nhân, nhưng tự nó có thể bay tới thủ đô Mỹ hoặc các bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ.
Ông Wright nói các chuyên gia chưa biết Bình Nhưỡng đã nạp đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa tầm xa và phóng nó vào quỹ đạo có thể đặt các thành phố Mỹ vào tầm ngắm hay không, nhưng ông cho rằng đó là một đầu đạn giả rất nhẹ: “Nếu tôi đúng, điều đó có nghĩa nó không thể mang một đầu đạn hạt nhân bay tầm xa, vì một đầu đạn thường phải nặng hơn”.
Các chuyên gia khác nói Triều Tiên chưa khắc phục được tất cả các rào cản kỹ thuật, gồm khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, nhưng họ sẽ sớm đạt được.
Jeffrey Lewis, Trưởng chương trình không phổ biến hạt nhân Đông Á của Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury, nói: “Chúng ta sẽ phải học sống chung với khả năng Triều Tiên tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”.
Triều Tiên phớt lờ Mỹ-Nga-Trung Quốc
Trưa 29.11, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV đưa tin quả ICBM mới có tên Hỏa tinh -15 cực mạnh, có thể bắn phá bất kỳ khu vực nào của nước Mỹ, đồng thời cảnh báo vũ khí chiến lược được phát triển để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ “khỏi mối đe dọa hạt nhân và chính sách hù dọa hạt nhân của đế quốc Mỹ”.
Sau khi chứng kiến vụ phóng thành công quả ICBM mới, ông Kim Jong-un tự hào tuyên bố Triều Tiên đã có một thành tựu lịch sử trở nên một nhà nước hạt nhân “có trách nhiệm”.
Theo Newsweek, Triều Tiên hiện có 60 vũ khí hạt nhân, đủ nguồn uranium để sản xuất 6 quả bom hạt nhân/năm và thậm chí sản xuất được cả bom nhiệt hạch (bom H) vốn mạnh hơn 1.000 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ từng san bằng Hiroshima (Nhật Bản) hồi Thế chiến 2.
Đây là lần phóng thử ICBM đầu tiên của Triều Tiên, từ sau lần phóng ngày 15.9, và xem như phớt lờ lời Tổng thống Mỹ cảnh cáo hồi đầu tháng 11: nếu Triều Tiên còn dọa Mỹ và đồng minh thì sẽ là “một tính toán sai có hậu quả phũ phàng”.
Vụ phóng quả Hỏa tinh-15 diễn ra ngay sau chuyến công du châu Á 12 ngày của Tổng thống Trump chủ yếu bàn về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Xem ra Triều Tiên xem phớt lờ Trung Quốc. Không lâu sau chuyến thăm châu Á của ông Trump, Trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tống Đào làm đặc sứ thăm Triều Tiên, nhưng có tin ông Kim Jong-un không tiếp vị đặc sứ, giao việc này cho ông Choe Ryong-hae, ủy viên Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên.
Một số chuyên gia nhận định ông Kim Jong-un “hờn” Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Gần đây, Trung Quốc đóng cửa tuyến đường chính qua Triều Tiên, trong khi hãng hàng không quốc gia China Air ngưng thực hiện các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Triều Tiên.
Vụ phóng thử cũng làm bẽ mặt Nga. Mới hôm 27.11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov nói tại Hàn Quốc: việc Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa trong hai tháng qua, chính là dấu hiệu Triều Tiên sẵn sàng tháo ngòi căng thẳng, theo đề nghị “đóng băng kép” của Nga-Trung Quốc, đó là Mỹ và đồng minh ngưng tập trận chung, đổi lại Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và tên lửa.
Bình luận về vụ phóng tên lửa, Tổng thống Trump chỉ nói “sẽ xử lý Triều Tiên” nhưng không đi vào chi tiết. Gần đây, ông Trump đưa Triều Tiên vào danh sách đen các nước tài trợ khủng bố, nhằm tăng trừng phạt kinh tế để cô lập Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án hành động khiêu khích của Triều Tiên và cho biết sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ. Nhưng ông cũng lo ngại Triều Tiên đã có thể hoàn hảo một quả ICBM sẽ khiến an ninh khu vực “mất kiểm soát hoàn toàn”, dẫn đến việc Mỹ xem xét đánh phủ đầu Triều Tiên.
Ngay sau vụ phóng ICBM mới nhất, Hàn Quốc cũng tiến hành một vụ phóng tên lửa “tấn công chính xác” gần đường biên giới nhằm đáp trả khiêu khích từ Triều Tiên.
Đơn vị tên lửa, tàu Aegis của Hải quân và tiêm kích KF-16 của không quân Hàn Quốc đều phóng tên lửa vào mục tiêu giả định, với khoảng cách tương đương với khoảng cách đến địa điểm Triều Tiên vừa phóng tên lửa.
Ông Kim Jong-un thăm trại cá trước khi ra lệnh phóng tên lửa
Newsweek ngày 28.11 đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh phóng quả tên lửa, trong lúc ông đang thăm một trại cá.
Đài KCTV chiếu hình ảnh vị lãnh đạo cùng nhiều cán bộ thăm xí nghiệp nuôi cá da trơn Sunchon, kiểm tra các bồn cá và các tủ đông lạnh đầy cá. Trại cá này cũng được thể hiện trong một bức tranh tường ca ngợi ông nội và cha của ông Kim Jong-un: nhà lập quốc Kim Il-sung và cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin chuyến thăm dân sự hiếm có này: “Lãnh đạo tối cao tin tưởng cán bộ nhân viên trại cá bảo đảm sản lượng 1.200 tấn cá hàng năm cho dân trong tỉnh, khi lãnh đạo đứng trước biểu ngữ nuôi cá khoa học, và lãnh đạo đã chụp ảnh lưu niệm với cán bộ nhân viên trại cá”.
Theo UPI, chuyến thăm trại cá của ông Kim Jong-un trong lúc dân Triều Tiên đang thiếu ăn, binh lính đói phải hái ngô non ăn lót dạ. LHQ hồi tháng 8 đã phải duyệt viện trợ 6,3 triệu USD cho Triều Tiên, vì lo ngại sự suy dinh dưỡng cùng các bệnh tật liên quan tình trạng hạn hán của nước này.
Ngày 28.11, nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay các chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể tiến hành thêm một vụ thử tên lửa trong vòng vài ngày tới.
Trong khi đó, các quan chức tình báo Mỹ lưu ý Triều Tiên đã cố ý gửi đi những tín hiệu gây nhiễu về việc chuẩn bị các vụ thử hạt nhân và tên lửa, hòng che đậy việc chuẩn bị thực sự và để thử năng lực tình báo của Mỹ và các đồng minh về hoạt động của Bình Nhưỡng.
Cũng trong ngày 28.11, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đang ở trong tình trạng báo động, sau khi thu được các tín hiệu vô tuyến cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Ngày 28.11, Bộ trưởng Thống nhất liên Triều (thuộc chính phủ Hàn Quốc), ông Cho Myoung-gyon nói “kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phát triển quá nhanh” và có thể hoàn tất trong chỉ một năm.