Tên lửa hành trình nói chung và tên lửa Tomahawk nói riêng là các loại thiết bị bay rất hiện đại và đắt tiền. Nó có thể bay rất thấp, bám sát địa hình nên có thể tránh được lưới lửa phòng không dựa chủ yếu vào tên lửa điều khiển bằng radar.
Không ngoa khi người ta gọi chúng là "kẻ hủy diệt" hay "sứ giả chiến tranh". Theo thời giá hiện hành thì một quả Tomahawk có giá hơn 30 tỷ đồng Việt Nam. Cho nên, nếu ta tránh được nó thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào" và nó tấn công không hiệu quả có nghĩa là thất bại.
Tên lửa Tomahawk thử nghiệm diệt mục tiêu
Cách tránh đơn giản nhất là sơ tán những mục tiêu cần bảo vệ về vùng đồi núi có địa hình phức tạp, vì tên lửa hành trình bay bám theo địa hình nên địa hình càng phức tạp thì quá trình bay càng khó khăn.
Ta cứ tưởng tượng khi bay vào vùng đồi núi thì tên lửa phải bay lên cao khi gặp quả đồi và hạ xuống thấp khi bay qua thung lũng, nhưng nểú đồi cao và thung lũng cứ liên tục thay thế nhau thì hệ thống xử lý trên khoang tên lửa có thể quá tải hay không xử lý kịp nên tên lửa có thể đâm vào đồi núi.
Trong chiến tranh Afghanistan, tên lửa Tomahawk đã không phát huy hiệu quả ở vùng đồi núi.
Mặc dù tên lửa hành trình có thể bay bám theo địa hình nhưng nếu địa hình quá phức tạp thì hành trình bay của chúng sẽ gặp khó khăn. Ảnh: TonyRogers.com
Cách tiếp theo là ngụy trang, chế tạo mục tiêu giả để đánh lừa các hệ thống trinh sát bằng máy bay hay vệ tinh viễn thám. Ở đây phải đặc biệt phát huy thế trận lòng dân, nêu cao cảnh giác để phát hiện và chống gián điệp nằm vùng.
Nếu không có gián điệp thì chẳng tài nào phân biệt được trận địa thật giả! Nếu Tomahawk đánh nhầm vào các mục tiêu giả thì coi như quả tên lửa giá 1,6 triệu USD bị mất một cách vô ích.
Các mục tiêu giả làm bằng gỗ hoặc cao su có giá thành rất rẻ và dễ được sản xuất hàng loạt, chúng sẽ khiến đối phương bối rối, không thể nhận ra mục tiêu thật nằm giữa hàng trăm mục tiêu giả. Ngay cả một quốc gia mạnh như Hoa Kỳ cũng có thể bị số lượng lớn mục tiêu giả làm cạn kiệt lượng tên lửa Tomahawk có trong kho.
Năm 1999, bất chấp việc Mỹ đã bắn 218 quả Tomahawk cùng hàng nghìn phi vụ ném bom khác, quân đội Nam Tư đồn trú ở Kosovo đã rút khỏi Kosovo gần như đầy đủ biên chế, vũ khí và trang bị hầu như không bị tổn thất.
Mô hình máy bay và xe tăng từ lâu đã được dùng làm mục tiêu giả trong chiến tranh để đánh lừa đối phương. Ảnh: elinorflorence.com
Những chiếc máy bay mà các vệ tinh Mỹ chụp ảnh được thực ra là các mô hình làm bằng gỗ dán hoặc bằng cao su bơm hơi. Trước khi xảy ra xung đột, Nam Tư đã chế tạo đến 200 mô hình máy bay MiG-29 và MiG-21 bằng gỗ dán và khiến Mỹ lãng phí nhiều tên lửa để tiêu diệt những mô hình giả này.
Gần 100% mục tiêu công nghiệp dầu mỏ, 70% mục tiêu của công nghiệp hàng không, 40-50% các nhà máy xe tăng, đạn dược, gần 70% đường ô tô và đường sắt, 20-80% hạ tầng quân sự bị loại khỏi vòng chiến.
Tuy nhiên, phòng không Nam Tư đã duy trì được thời gian tác chiến khá dài trong điều kiện không quân NATO chiếm ưu thế áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Nghệ thuật nguỵ trang mục tiêu xuất sắc của Nam Tư đã xoá tan huyền thoại về sự "toàn năng" của các phương tiện trinh sát và vũ khí hiện đại.
Theo lời khẳng định của Mỹ, Nam Tư đã không còn quân đội sau những trận không kích ác liệt. Tuy nhiên, điều sửng sốt đối với đa số các nhà quan sát là quân đội Nam Tư đồn trú ở Kosovo vẫn còn gần như đủ biên chế, cùng vũ khí và trang bị.
Hầu như toàn bộ các máy bay chiến đấu Nam Tư đã tự bay khỏi sân bay Pristina, trong đó 11 chiếc bay ngay và 3 chiếc còn lại bay đi sau vài ngày sửa chữa nhỏ (theo các báo cáo của NATO dựa trên ảnh vệ tinh thì các máy bay này được coi là đã bị tiêu diệt, nhưng thực ra các bức ảnh vệ tinh chụp được chỉ các mục tiêu giả).
Một chiếc tiêm kích MiG-29 của Không quân Nam Tư tại căn cứ không quân Slatina trong sân bay quốc tế Pristina. Ảnh: Balkanwarhistory.com
Hiện nay hầu như quân đội nước nào cũng có nền công nghiệp sản xuất mục tiêu giả. Kỹ thuật sản xuất đã đạt đến trình độ là nếu không phải chuyên gia thì dù đứng ngay cạnh cũng không phân biệt được thật giả!
Biện pháp tiếp theo là lập trận địa giả. Việc phát hiện gián điệp nhiều khi rất khó khăn nên ta có thể lập trận địa giả nửa hư nửa thực để lừa gián điệp. Ta có thể bố trí vào trận địa giả những khí tài giả nhưng liên lạc vô tuyến điện thì lại có thật nên nếu địch có trinh sát vô tuyến thì cũng dễ bị lừa.
Cơ động nghi binh: Ta có thể bố trí trận địa giả xen kẽ với thật, hay nửa giả nửa thật và luôn luôn cơ động nên kẻ địch không tài nào phân được mà bay tránh.
Tóm lạ với kinh nghiệm tác chiến phòng không của thế hệ cha anh và sự sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay chúng ta có đủ khả năng phòng tránh và hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu bị tên lửa hành trình tấn công.
***Bài viết có tham khảo số liệu trên wikipedia.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại