Nhờ phần lớn cơ sở sản xuất từ thời Liên Xô đặt ở Ukraine nên họ được thừa hưởng một ngành công nghiệp quốc phòng hoàn chỉnh.
Ngoài trang bị cá nhân và xe bọc thép, một bước đột phá gần đây của ngành chế tạo vũ khí Ukraine là tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Skif. Đây không phải tên mới đặt cho dòng tên lửa chống tăng Konkurs mà là sản phẩm được phát triển vào giữa những năm 2000 bởi Phòng thiết kế Luch tại Kiev.
Sau khi chế tạo nguyên mẫu và vượt qua quá trình thử nghiệm chậm trễ sau đó, hệ thống đã được chấp nhận đưa vào biên chế Quân đội Ukraine trong năm 2011 với tên Stugna-P và sau đó đã có phiên bản xuất khẩu bởi Ukroboronprom mang định danh là Skif.
Tên lửa chống tăng Skif có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi 100 m, nhưng tầm bắn tối đa của nó lên đến 5.000 m. Trong điều kiện ban đêm, cự ly bắn bị giảm xuống còn 3.000 m. Tên lửa Skif bay đến mục tiêu là một chiếc xe bọc thép hoặc công sự chỉ trong vòng 10 giây, mặc dù tổng thời gian bay của nó khi đạt tầm bắn tối đa là 25 giây.
Hệ thống tên lửa chống tăng Skif
Hệ
thống ATGM Skif được trang bị 4 kiểu tên lửa với 2 kích thước
khác nhau, loại sử dụng đầu đạn nổ lõm 2 tầng 130 mm RK-2S và đạn nổ
phá mảnh 130 mm RK-2OF, hoặc tên lửa mang đầu đạn nổ lõm 2 tầng 152 mm RK-2M-K
và loại nổ phá mảnh 152 mm RK-2M-OF.
Theo nhà sản xuất, tên lửa RK-2M-K có khả năng xuyên 1.100 mm thép sau giáp phản ứng nổ (ERA), con số này của RK-2S là 800 mm. Điều đó cho thấy Skif đủ sức tiêu diệt hầu hết xe tăng hiện đại như một con dao nóng cắt bơ.
Tên lửa RK-2S (dưới) và tên lửa RK-2OF (trên)
Đặc trưng của hệ thống tên lửa chống tăng Skif là sự đơn giản của thiết kế, khi cả ống phóng lẫn thiết bị điều khiển được đặt trên một giá 3 chân nhỏ. Tên lửa nhận lệnh thông qua bộ điều khiển bằng quang điện tử truyền hình, việc bổ sung camera ảnh nhiệt sẽ được tiến hành nếu khách hàng yêu cầu.
Thừa hưởng di sản tên lửa chống tăng Xô Viết, Skif có bảng điều khiển riêng biệt đặt trong một chiếc vali. Thay vì bắn trực tiếp, người lính có thể triển khai Skif và ra lệnh cho nó từ xa khoảng 50 m - tính năng đặc trưng được chia sẻ với anh em họ của mình từ Belarus, hệ thống tên lửa chống tăng Shershen.
Bảng điều khiển của hệ thống tên lửa chống tăng Skif
Thiết bị PDU-215 của Skif là một máy tính xách tay kết hợp với bảng điều khiển, bao gồm một cần lái nhỏ, một màn hình hiển thị phẳng để hỗ trợ hướng dẫn tên lửa. Kíp chiến đấu của Skif có lợi thế với 2 chế độ bắn là điều khiển bằng tay hoặc chế độ bắn - quên.
Hệ thống tên lửa chống tăng Skif được triển khai
Kíp chiến đấu của Skif gồm 3 người, trong đó một người mang bộ điều khiển hỏa lực, một người mang theo bảng điều khiển và người còn lại mang ống phóng tên lửa. Ống phóng tên lửa Skif có thời hạn sử dụng 15 năm, trong khi con số này của đạn là 10 năm.
Do là sản phẩm mới ra mắt gần đây nên hoạt động của hệ thống
tên lửa chống tăng Skif trong chiến đấu thực tế vẫn chưa có. Điều này sẽ
thay đổi sớm nếu cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine bùng nổ trở lại, khi đó đây sẽ là vũ khí mà quân ly khai phải đặc biệt dè chừng.
Ống phóng và tên lửa Skif
Thông số kỹ thuật cơ
bản của tên lửa chống tăng Skif
Chiều dài: 1.091 mm; Đường kính: 130/152 mm; Trọng lượng: 29,5/38 kg; Trọng lượng đầu đạn: 8 kg; Trọng lượng bệ phóng: 32 kg; Trọng lượng kính ngắm: 15 kg; Trọng lượng bảng điều khiển: 10 kg.
Kiểu đầu đạn: đầu đạn nổ lõm 2 tầng và đầu đạn nổ phá mảnh; Cơ chế dẫn đường: laser bán chủ động; Tầm bắn: 5 km; Khả năng xuyên giáp sau lớp ERA: 800/1.100 mm.