LTS: "Bão táp Sa mạc" là chiến dịch quân sự kéo dài 42 ngày đêm (17/1/1990 - 28/2/1991) được thực hiện bởi liên minh gồm 34 nước do Mỹ đứng đầu nhằm giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược của Iraq trước đó.
Chiến dịch đã ghi nhận thắng lợi áp đảo của liên quân và sự thất bại nặng nề của quân đội Iraq, quốc gia vào thời điểm đó có lực lượng quân sự lớn thứ tư thế giới.
"Bão táp Sa mạc" đã mở ra kỷ nguyên mới trong chiến tranh hiện đại không chỉ với quân đội Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác thế giới: Kỷ nguyên tác chiến công nghệ cao với nhiều vũ khí tiên tiến lần đầu tiên được sử dụng: Máy bay tàng hình, tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, bom thông minh…
Với mục đích cung cấp thêm cho độc giả những thông tin chi tiết, góc nhìn đa chiều về sự kiện quân sự lịch sử này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết có tựa đề: "Bão táp Sa mạc - Kỷ nguyên của chiến tranh công nghệ cao".
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bài 1: QĐ lớn thứ 4 thế giới mất 700 xe tăng trong 1 ngày: Bẫy nghi binh kinh điển của tướng Mỹ!
Bài 2: Patriot Mỹ liên tục "vồ hụt" tên lửa Scud của Iraq: Lật tẩy chiến tích bẽ bàng
Bài 3: Tên lửa Scud "xóa sổ" doanh trại Mỹ: Đòn đánh hủy diệt của Iraq thời chiến tranh vùng Vịnh
Đêm 25/2/1991, một quả tên lửa Scud của Iraq đã phóng thẳng vào doanh trại lính Mỹ thuộc đơn vị số 475 ở Dhahran, Saudi Arabia. Vụ tấn công đã khiến 28 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 110 người phải đưa đi cấp cứu cùng hơn 150 khác phải chịu những chấn thương thể chất nhỏ hơn hoặc gặp phải những vấn đề về thần kinh sau này.
Bản tin đăng tải trên tờ New York Times ngày 26/2/1991 đánh giá đây là đòn tấn công “hủy diệt nhất” của Iraq trong chiến chiến dịch “Bão táp Sa mạc” khi chỉ một quả tên lửa Scud đã “xóa sổ” toàn bộ một doanh trại Mỹ.
Dữ liệu thống kê sau này cũng cho thấy, con số lính Mỹ bị tử vong chỉ trong vụ phóng tên lửa Scud ngày 25/2 của Iraq đã chiếm tới hơn 1/3 số lính Mỹ thiệt mạng trong cả cuộc Chiến tranh vùng Vịnh.
Cây viết tự do Greg Siegle kể lại, anh ta đã nhìn thấy một “vụ nổ khổng lồ” cách mặt đất khoảng 100 feet, tiếp sau đó là những mảnh kim loại lóe sáng lao xuống mặt đất rồi thiêu cháy doanh trại quân sự ở Al Khobar cách Dhahran vài dặm. Trong vòng một giờ, địa điểm này chỉ còn lại như một bộ khung xương bị cháy rụi.
Iraq phóng tên lửa Scud sang các thành phố của Israel trong chiến dịch Bão táp Sa Mạc
Một phóng viên truyền hình kể lại trên tờ New York Times rằng anh ta đã chứng kiến hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đánh chặn quả tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo nhưng không thành công.
Đúng là vào thời điểm đêm 25/2, một hệ thống phòng Patriot đã được triển khai hoạt động ở Dhahran, Saudi Arabia nhưng nó đã không theo dõi và đánh chặn được quả tên lửa Scud tấn công của Iraq.
Sau này, kết quả điều tra do Văn phòng Tổng kiểm toán Mỹ thực hiện kết luận, tổ hợp Patriot đã gặp phải vấn đề về phần mềm trong máy tính điều khiển vũ khí của hệ thống. Sai sót kỹ thuật này đã dẫn tới những tham số tính toán không chính xác nên không xác định đúng vị trí của tên lửa Scud.
Vào thời điểm xảy ra sự việc, hệ thống Patriot đã hoạt động liên tục hơn 100 giờ đồng hồ. Do vậy, kết quả tính toán thiếu chính xác là hậu quả khiến Patriot xác định sai vị trí tên lửa Scud tấn công.
Trước đây, Patriot chưa từng được sử dụng để đánh trả tên lửa Scud và cũng chưa khi nào nó hoạt động liên tục trong một thời gian dài như thế.
Hai tuần trước đó, các quan chức Lục quân Mỹ đã nhận được dữ liệu từ Israel về tính thiếu chính xác của hệ thống sau khi nó hoạt động trong 8 giờ liên tục. Họ đã quyết định hiệu chỉnh phần mềm để nâng cao tính chính xác của hệ thống.
Tuy nhiên, phần mềm được hiệu chỉnh này chỉ được đưa tới Dhahran vào ngày 26/2/1991, tức một ngày sau khi sự cố nghiêm trọng trên diễn ra.
Tên lửa Patriot đánh chặn tên lửa Scud trong chiến dịch Bão táp Sa mạc