Tên lửa "Sản phẩm 305" của Nga sẽ đè bẹp AGM-114 Hellfire Mỹ?

Trịnh Ngọc Tiến |

Khi trang bị radar và tên lửa mới, trực thăng vũ trang Ka-52M của Nga sẽ tăng đáng kể khả năng chiến đấu, cũng như khả năng bảo vệ trước hỏa lực phòng không của đối phương.

Trực thăng "Cá sấu" Ka-52M có gì mới?

Công ty Hàng không Arsenyev trực thuộc Tổng công ty chế tạo trực thăng Nga đang tích cực chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên nguyên mẫu trực thăng Ka-52 Alligator hiện đại hóa mới nhất (Ka-52M). Tất cả các giải pháp kỹ thuật tốt nhất đã được áp dụng trên phiên bản thử nghiệm này.

Trước đó, Trung tâm Kỹ thuật Trực thăng Quốc gia Mil và Kamov đã đặt hàng chế tạo và thử nghiệm hai nguyên mẫu Ka-52M. Việc chuyển giao ro-to để bay thử nghiệm, sẽ diễn ra vào tháng 5/2021.

Các cuộc thử nghiệm Ka-52M ở trạng thái sơ bộ sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2022. Sau đó, việc sản xuất hàng loạt loại trực thăng vũ trang này sẽ bắt đầu. Dự kiến,​​ Kamov sẽ chế tạo 114 chiếc Ka-52M cho Lực lượng vũ trang Nga, để bổ sung thêm cho phi đội Ka-52 gồm 127 chiếc hiện nay. Những công nghệ mới nhất nào sẽ được sử dụng trong phiên bản Ka-52M?

Trước hết là hệ thống điện tử hàng không sẽ được nâng cấp đáng kể, hệ thống dẫn đường mới, tổ hợp thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển hỏa lực (gồm trang bị radar hoàn toàn mới) và một tổ hợp phòng thủ mới sẽ được trang bị. Nhưng mục đích chính của việc hiện đại hóa là trang bị cho trực thăng một loại tên lửa mới.

Tất cả các biện pháp hiện đại hóa này, đều dựa trên kết quả các cuộc thử nghiệm của Ka-52, trong điều kiện thực chiến tại chiến trường Syria, nơi trực thăng vũ trang phải hoạt động ở độ cao thấp và sát đối phương.

Tên lửa Sản phẩm 305 của Nga sẽ đè bẹp AGM-114 Hellfire Mỹ? - Ảnh 1.

Trực thăng Ka-52 Alligator. Ảnh: TASS

Giải pháp bảo đảm an toàn bằng vũ khí tầm xa

Vấn đề đặt ra đối với các loại trực thăng vũ trang đó là việc bảo đảm an toàn ở khu vực chiến tuyến, nhất là hiện nay việc phổ biến của các loại tên lửa phòng không vác vai và các loại pháo phòng không cỡ nhỏ, gắn trên các xe bán tải.

Về hệ thống bảo vệ, năm 2015 Ka-52 được trang bị thiết bị chống nhiễu điện từ Vitebsk gắn trên khoang, giúp máy bay đối phó tương đối hiệu quả với các tên lửa đất đối không mang đầu đạn dẫn đường bằng radar và quang học (nhiệt).

Đây là thiết bị bảo vệ mà Công ty điện tử KRET "thửa riêng" cho Ka-52, bằng cách mở rộng phạm vi sử dụng của hệ thống bẫy pháo sáng, hồng ngoại và radar.

Nhưng theo các nhà quân sự, cách phòng vệ hiệu quả nhất của trực thăng là trang bị vũ khí tiến công tầm xa. Hiện nay, Ka-52 sử dụng hai tên lửa dẫn đường chống tăng là Attack và Whirlwind, trong đó tên lửa Whirlwind được đưa vào trang bị sau.

Tầm bắn tối đa của tên lửa Attack là 6 km, như vậy trực thăng phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly mà nó có thể bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPADS), khi những vũ khí này đang dần trở lên phổ biến. Khi trực thăng sử dụng tên lửa Whirlwind, có tầm bắn tối đa 10 km, thì Ka-52 sẽ không nằm trong sự đe dọa của các loại MANPADS.

Có lẽ trong lĩnh vực này Nga đã đi sau Mỹ, bởi vì loại trực thăng vũ trang chủ lực AH-64 Apache của Mỹ, từ lâu đã được trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire, có tầm bắn đến là 11 km; giúp bảo đảm an toàn của trực thăng trước sự đe dọa của các loại MANPADS.

Các nhà thiết kế của Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) đã quyết định đi xa hơn, đảm bảo rằng trực thăng Ka-52M có thể sử dụng vũ khí tên lửa từ khoảng cách lớn hơn nữa, tránh được hoàn toàn các hệ thống phòng không mặt đất tầm thấp (trong phạm vi bán kính không quá 20 km).

Tên lửa Sản phẩm 305 của Nga sẽ đè bẹp AGM-114 Hellfire Mỹ? - Ảnh 2.

Tên lửa chống tăng Hermes-A tiến công mục tiêu

Những loại vũ khí mới này không chỉ trang bị trên trực thăng Ka-52M mà còn trang bị cho loại trực thăng vũ trang nữa của Nga là Mi-28NM Night Hunter với loại tên lửa từ hệ thống tên lửa chiến thuật đa năng Hermes, có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, trên biển với tầm bắn lớn nhất là 100 km.

Tầm bắn của tổ hợp tên lửa Hermes-A khiêm tốn hơn nhiều, chỉ khoảng 20 km; đây là tên lửa được sử dụng trên trực thăng vũ trang Ka-52K Katran. Tốc độ tối đa của tên lửa đạt 3 M, độ xuyên giáp đạt tới 1.000 mm.

Nhưng một số nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chỉ rõ, loại tên lửa mới trang bị cho Ka-52 sẽ không phải là Hermes-A, mà là "Sản phẩm 305", hiện vẫn đang trong quá trình phát triển, nhưng đã được thử nghiệm.

Loại tên lửa này ngay lập tức được giới truyền thông ghi nhận có tầm bắn đến 100 km, tương tự như Hermes.

Đồng thời, một nguồn tin khác nói với hãng tin TASS rằng, trong các cuộc thử nghiệm vào tháng 8 năm ngoái từ trực thăng Mi-28NM Night Hunter, tên lửa "Sản phẩm 305" đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 25 km. Tuy nhiên để đạt tầm bắn 100 km thì KTRV phải tiếp tục đầu tư.

Với tầm bắn 25 km của tên lửa cũng là quá lý tưởng nhưng vấn đề thực tế đặt ra đó là việc phát hiện mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa. Với cự ly xa, thì tên lửa khó sử dụng phương pháp dẫn đường bằng laser, mà chỉ sử dụng radar Crossbow, hoạt động trong dải sóng milimet, được trang bị sẵn trên trực thăng.

Nhưng loại radar này hiện nay chỉ có khả năng phát hiện các mục tiêu xe tăng ở khoảng cách đến 12 km, như vậy máy bay vẫn phải bay vào gần mới có thể phát hiện mục tiêu và phóng tên lửa.

Ngoài radar Crossbow, trực thăng Ka-52 còn có thêm một "cơ quan thị giác" nữa là hệ thống định vị quang học GOES-451, có các kênh truyền hình và ảnh nhiệt, cho phép phi công phát hiện mục tiêu xe tăng vào ban ngày ở khoảng cách 20 km và dẫn bắn cho tên lửa trong phạm vi 16 km.

Vào ban đêm, các thông số này lần lượt là 16 km và 10 km; nhưng vẫn không đúng kỳ vọng là phóng tên lửa ngoài tầm 20 km.

Theo thông tin là Ka-52M sẽ nhận được một hệ thống điều khiển vũ khí mới. Tuy nhiên, người ta chỉ biết rằng công ty Phazotron-NIIR, nơi chế tạo ra loại radar Crossbow, đã tiến hành hiện đại hóa nó. Hiện chưa có thông tin gì, nhưng việc hiện đại hóa radar Crossbow để tăng gấp đôi tầm phát hiện là điều không thực tế.

Tuy nhiên vẫn còn một giải pháp khác có thể áp dụng ngay, đó là sử dụng radar Zhuk-AE. Loại radar này hiện đang được sử dụng trên tiêm kích đa năng MiG-35. Zhuk-AE có khả năng phát hiện mục tiêu mặt đất ở khoảng cách lên tới 70 km. Như vậy,với Zhuk-AE mọi yêu cầu đều thỏa mãn, cả tầm phát hiện và dẫn bắn của radar đều phù hợp với loại tên lửa mới.

Khi trang bị radar và tên lửa mới, trực thăng vũ trang của Nga sẽ tăng đáng kể khả năng chiến đấu, cũng như khả năng bảo vệ trước hỏa lực phòng không của đối phương.

Nếu được trang bị loại tên lửa "Sản phẩm 305", sức mạnh tiến công của các loại trực thăng vũ trang Nga sẽ tăng lên rất nhiều, do tên lửa tiến công mục tiêu ở góc 70-80˚, nhất là đối với mục tiêu xe tăng, tên lửa sẽ thực hiện đòn tấn công ở phía trên của xe tăng, nơi ít được bảo vệ nhất; đồng thời giảm khả năng đánh chặn của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại