Tên lửa S-500 Nga có thể biến máy bay F-35 Mỹ thành đồ "tối cổ": Khả năng thực sự đến đâu?

Anh Tú |

S-500 luôn được Nga quảng bá là hệ thống tên lửa phòng không sở hữu những khả năng “đáng gờm”, có thể hạ gục các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 hay F-22 của Mỹ.

Thời gian qua, nhất là từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ, đã có quá nhiều các bài viết về hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 của Nga. Tuy nhiên, S-500 - tổ hợp phòng thủ mới hơn lại không được nhắc tới nhiều.

Quân đội Nga tuyên bố, các hệ thống tên lửa S-500 của họ hoàn toàn có khả năng bắn hạ các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ như F-35 hoặc F-22. Vậy trên thực tế liệu điều đó có đúng không?

Thông tin về S-500 hiện vẫn còn rất ít vì hệ thống vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa từng có kinh nghiệm chiến trường. Mặc dù vậy, S-500 lại được Nga quảng bá là hệ thống sở hữu “những khả năng đáng gờm”, ít nhất là trên giấy tờ.

NHỮNG TÍNH NĂNG VƯỢT TRỘI CỦA S-500

S-500 Prometey, hay còn được biết tới bằng tên gọi khác là 55R6M Triumfator-M, là hệ thống tên lửa đất đối không và đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga do Cục Thiết kế Chế tạo máy Đặc biệt (trực thuộc Tập đoàn Almaz-Antey) nghiên cứu phát triển.

S-500 được biên chế 4 tên lửa đất đối không tầm xa 40N6M hoặc 2 tên lửa đánh chặn 77N6 trong các ống gắn trên xe phóng 77P6, cùng một loạt radar thu nhận mục tiêu, radar tác chiến và chống tên lửa đạn đạo tiên tiến.

S-500 của Nga được cho là có tầm bắn từ 500 - 600 km và độ cao tối đa lên tới 200 km. S-500 được cho là có thể theo dõi và tấn công cùng lúc 10 mục tiêu đạn đạo đang di chuyển ở vận tốc lên tới 7 km/giây (khoảng Mach 20, tức gấp 20 lần vận tốc âm thanh).

Tên lửa S-500 Nga có thể biến máy bay F-35 Mỹ thành đồ tối cổ: Khả năng thực sự đến đâu? - Ảnh 1.

S-500 trong một lần phóng thử nghiệm. Ảnh: Drive

Hệ thống được quảng cáo là có khả năng chống lại các máy bay chiến đấu thế hệ 5 cũng như tên lửa đạn đạo và hành trình, và thậm chí là cả vệ tinh quỹ đạo thấp.

Truyền thông Nga thậm chí còn cho rằng S-500 sẽ có khả năng đánh chặn vũ khí siêu vượt âm (hypersonic weapon), mặc dù tuyên bố này rất khó kiểm chứng.

Tháng 4/2022, ông Yan Novikov - Giám đốc điều hành của Almaz-Antey thông báo hệ thống S-500 đã chính thức đi vào sản xuất hàng loạt. Thế nhưng, cách đó khoảng 1 năm, vào tháng 5/2021, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết việc sản xuất hàng loạt S-500 sẽ không bắt đầu cho đến năm 2025.

Cần lưu ý rằng, S-500 Prometey đã được phát triển từ năm 2010 và thời hạn sản xuất hàng loạt vào các năm 2014, 2017 và 2021 đều chưa được đáp ứng.

S-500 CÓ KHẢ NĂNG BIẾN F-35 THÀNH ĐỒ “TỐI CỔ”?

Nga không có ý định thay thế S-500 cho các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cũ hơn mà là để đáp ứng nhu cầu phòng thủ trước một số mối đe dọa mà cả S-400 và hệ thống tên lửa chống đạn đạo A-135 đều không đảm trách được.

Theo những gì được công bố cho tới nay thì S-500 được Nga thiết kế để bổ sung thêm sức mạnh cho tổ hợp phòng thủ S-400 tiền nhiệm và thay thế cho hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo A-135.

Hiện nay, S-500 có lẽ là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến nhất của Nga. Moscow cũng quảng bá nó như câu trả lời cho các máy bay chiến đấu tiên tiến F-22 hay F-35.

Theo nhận xét của chuyên trang quân sự - quốc phòng Defence Aviation Post của Ấn Độ thì một khi được đưa vào sử dụng, S-500 sẽ biến các vũ khí tân tiến của Mỹ như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, THAAD cũng như các máy bay tiêm kích tàng hình F-35 trở thành đồ “tối cổ”.

Tên lửa S-500 Nga có thể biến máy bay F-35 Mỹ thành đồ tối cổ: Khả năng thực sự đến đâu? - Ảnh 2.

Xe phóng tên lửa S-500. Ảnh: Drive

Moscow hy vọng S-500 Prometey sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong lực lượng phòng không quốc gia của nước này.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, việc bàn giao hệ thống S-500 đầu tiên cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã được lên kế hoạch cho các đơn vị phòng không đóng quân xung quanh Thủ đô Moscow.

Ngoài các cuộc thử nghiệm ở Nga, S-500 được cho là đã được đưa tới thử nghiệm thực địa ở Syria vào năm 2019 cho dù điều này đã bị Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận.

Các quan chức Nga cũng bóng gió nói rằng Ấn Độ có thể là nước tiếp nhận sớm nhất hệ thống S-500 nếu như New Delhi có nhu cầu.

Tóm lại, mặc dù số lượng tên lửa S-500 vẫn còn tương đối ít, nhưng rõ ràng vũ khí này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Nga trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại