Nước cờ táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ!
Bất chấp những lời cảnh báo trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tiến hành thử nghiệm các hệ thống radar trang bị cho tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 mà nước này mới tiếp nhận từ Nga.
Mục tiêu được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thử nghiệm là các máy bay F-16 Viper và F-4 Phantom II do chính Mỹ chế tạo!
Theo thông báo của Ankara, các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu từ ngày 24/11 và sẽ diễn ra tới ngày 26/11.
S-400 hiện đang được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Căn cứ Không quân Murted, địa điểm nằm ngay bên ngoài Thủ đô Ankara.
Nga bắn đầu chuyển giao các bộ phận của hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 vừa qua và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ trong tháng 4/2020.
"Trong khuôn khổ dự án phối hợp với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, F-16 và một số máy bay khác thuộc biên chế của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các chuyến bay ở cả trần bay cao và bay thấp trong ngày thứ Hai và thứ Ba trên không phận Ankara", thông báo chính thức của tỉnh Ankara cho biết.
Ảnh chụp ngày 25/11/2019 tại một căn cứ quân sự ở Ankara nơi Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm các hệ thống radar của tổ hợp tên lửa S-400. Ảnh; The Drive
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không thông báo mục tiêu cụ thể của các cuộc thử nghiệm này nhưng video được tiết lộ cho thấy rõ cảnh các máy bay F-16 và F-4 bay trên Căn cứ Murted cùng với sự xuất hiện của các radar 91N6E và 96L6E trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Trong các cấu phần của tổ hợp tên lửa S-400 thì 91N6E là radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa được nâng cấp từ radar 64N6E. Điểm nổi trội của radar 91N6E là nó được trang bị bộ vi xử lý theo công nghệ kỹ thuật số hoàn toàn, có khả năng phát hiện các vật thể bay với độ chính xác cao trong môi trường nhiễu mạnh.
Radar 91N6E hoạt động ở băng tần S, bám bắt được 300 mục tiêu trên không, đặc biệt là tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 600 km. So với radar 64N6E, 91N6E có nhiều tính năng vượt trội như số lượng mục tiêu phát hiện nhiều hơn, tầm trinh sát xa hơn.
Trong khi đó, 96L6E là radar cảnh giới nhìn vòng 3D hoạt động ở băng tần C và được thiết kế để thay thế cho radar tìm kiếm mục tiêu tầm cao 36D6 và radar tìm kiếm mục tiêu tầm thấp 76N6.
96L6E có ưu điểm là kết hợp được cả tính năng bắt mục tiêu tầm thấp và tầm cao của 2 loại radar trên trong cùng một thiết kế. Trong cuộc thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, 96L6E được lắp trên cột ăng ten bán di động 40V6M.
Cấu hình này của 96L6E giúp nó có khả năng phát hiện tốt hơn các mục tiêu bay thấp mà hệ thống radar đặt trên mặt đất khó thực hiện được.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Tass
F-35 Mỹ đứng trước nguy cơ "chết dưới tay" S-400 Nga?
Bằng cách thực hiện những cuộc thử nghiệm đầu tiên này Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ muốn xác thực tính năng hoạt động của radar S-400 hoặc kiểm tra xem chúng có phân biệt các máy bay chiến đấu của Ankara là "bạn bè".
Tuy nhiên, rất nhiều quan chức quân sự Mỹ cũng như NATO trước đây đã từng cảnh báo, S-400 không đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng tương thích và do vậy không được phép tích hợp với các mạng lưới phòng không liên minh khi xảy ra xung đột thực tế.
Kịch bản này sẽ dẫn tới nguy cơ hệ thống tên lửa đất đối không của Nga có thể sẽ không phân biệt được đâu là máy bay bạn bè, đâu là máy bay thù địch khi giao chiến.
Sơ đồ cấu hình cơ bản của S-400, trong đó có cả radar 91N6E và 96L6E cũng như cột radar 40V6M.
Liệu các vụ thử nghiệm này hoặc những đánh giá tiếp theo trong tương lai có thu thập dữ liệu về cách thức các máy bay chiến đấu như F-16 xuất hiện trên màn hình radar của S-400 hay không hiện vẫn chưa được rõ.
Tuy nhiên, Mỹ đã từng bày tỏ lo ngại S-400 có thể thu thập thông tin tàng hình của F-35 hoặc các dữ liệu khác về khả năng chiến đấu của nó rồi chuyển giao lại cho Kremlin. Quan điểm của Chính phủ Mỹ cho đến này vẫn là: Thổ Nhĩ Kỳ hoặc mua S-400 hoặc F-35, chứ không thể sở hữu cả hai.
"Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga như S-400 đã bộc lộ những thách thức vô cùng nghiêm trọng với chúng tôi và chúng tôi đã liên tục nhắc tới điều đó", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hồi đầu tháng 11 vừa qua. "Hy vọng, chúng tôi có thể giải quyết được tình hình".
Ít nhất một trong các máy bay tiêm kích F-16C của KQ Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào cuộc thử nghiệm radar S-400. Ảnh: The Drive
Dù có như thế nào thì việc thử nghiệm các radar trang bị cho S-400 và lại tiến hành với những máy bay do Mỹ chế tạo, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chuyển tới Mỹ một thông điệp cứng rắn, rằng nước này sẽ không có ý định từ bỏ S-400, ít nhất là trong thời gian trước mắt.
Nhà Trắng và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã không ít lần đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt Ankara theo Đạo luật Chống lại các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAASTA).
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là vẫn đang đàm phán với Nga về khả năng mua một số máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E, động thái chắc chắn sẽ kích hoạt thêm một số biện phạm trả đũa cũng như sẽ làm bùng phát thêm căng thẳng với Mỹ và các nước đồng minh NATO.
Ông Erdogan từng tuyên bố phối hợp với Nga sản xuất các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 mới còn Kremlin cũng liên tục chào mời Ankara mua Su-57 thế chỗ cho F-35.
Như vậy có thể thấy, Tổng thống Ergodan vẫn tiếp tục thúc đẩy xu hướng quan hệ gần gũi hơn với Nga. Các vụ thử nghiệm radar S-400 càng nhấn mạnh thêm thực tế này, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không hài lòng với Nga về việc thực thi thỏa thuận liên quan tới hoạt động tuần tra chung ở biên giới Syria.
Ankara dường như đã vượt qua ngưỡng "một đi không trở lại" với chương trình F-35, ít nhất là trong tương lai gần.
Quyết định này chỉ càng làm gia tăng khả năng Chính quyền Mỹ sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó đẩy mối quan hệ giữa Washington và Ankara cách xa nhau hơn.
Video ghi lại cảnh Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống radar của S-400