Ấn Độ vừa phóng thử tên lửa SPYDER
Trang tin Công nghiệp quốc phòng hàng ngày Defenseindustrydaily.com (DID) được giới chuyên gia quân sự coi là một trong những nguồn dữ liệu dày dặn và được cập nhật thường xuyên nhất về các loại vũ khí trang bị trên toàn cầu, đáng để tham khảo.
Trong phần cập nhật mới nhất của DID về hệ thống tên lửa phòng không SPYDER do Israel sản xuất, họ đã không ngần ngại lấy ngay tiêu đề "Tên lửa phòng không SPYDER: Trước là Ấn Độ, nay là Việt Nam" (Nguyên gốc tiếng Anh: Israeli "SPYDER" Mobile Air Defense System – First India, now Vietnam)
Theo đó, ngày 11/05, Ấn Độ đã bắn đạn thật lần đầu tiên đối với các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER mà họ mới đặt mua. Có 3 quả đạn đã được bắn đi, nhằm vào mục tiêu là một máy bay không người lái Banshee sản xuất bởi công ty Meggit PLC. Tuy nhiên, kết quả lần bắn thử này không (chưa) được công bố chính thức.
DID cho biết New Delhi đã chuyển sang đặt mua một số tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER trong hợp đồng ký với Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Israel là Rafael và Israeli Aircraft Industries (IAI), sau khi tổ hợp tên lửa Akash nội địa bị thất sủng.
Tên lửa phòng không SPYDER của Ấn Độ.
SPYDER của Israel được coi là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không tân thời khi sử dụng những loại tên lửa không đối không tiên tiến hoán cải thành tên lửa đất đối không.
Toàn bộ tổ hợp được đặt vừa vặn lên khung gầm xe tải việt dã 3-4 cầu chủ động (6x6 hoặc 8x8).
Ngoài radar mảng pha quét điện tử chủ động làm đầu mối chỉ thị mục tiêu và dẫn bắn chung cho toàn bộ hệ thống, trên mỗi xe bệ phóng còn được trang bị khí tài trinh sát quang điện tử thụ động thế hệ mới để đảm bảo khả năng phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho đạn tên lửa ngay khi xe đang hành tiến và trong trường hợp kênh trinh sát vô tuyến bị gây nhiễu.
SPYDER sử dụng 2 loại đạn tên lửa: đạn tên lửa có đầu tự dẫn ra đa vô tuyến chủ động Derby và đạn tên lửa có đầu tự dẫn thụ động công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng Python-5.
Ấn Độ trở thành "khách mở hàng" khi hệ thống SPYDER được phép xuất khẩu ra nước ngoài. Họ đặt mua loại tên lửa này nhằm thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần OSA-AKM/SA-8 Gecko và Strela-10M/ SA-13 Gopher do Nga (Liên Xô) sản xuất.
Ấn Độ bắn đạn thật tên lửa phòng không SPYDER. Ảnh:globalmilitaryreview.
Cập nhật dữ liệu hợp đồng và sự kiện chủ yếu về SPYDER của DID
(Trình tự thời gian là ngày DID cập nhật thông tin, có thể không trùng đúng ngày diễn ra sự kiện)
- 15/05/2017: Ấn Độ bắn thử tên lửa phòng không SPYDER hôm 11/05
- 26/05/2016: Công ty Rafael Advanced Systems (Israel) đã thắng gói thầu cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần cho Lục quân Ấn Độ (SRSAM) với sản phẩn SPYDER của mình. Phải mất tới 5 năm Ấn Độ mới tìm được nhà cung cấp vũ khí ưng ý.
Các nhà thầu Saab (Thụy Điển) và Rosoboronexport (Nga) đã thất bại do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo đầu bài mời thầu mà Lục quân Ấn Độ đã đặt ra.
- 26/10/2015: Việt Nam đã đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER sản xuất bởi công ty Rafael Advanced Defense Systems Ltd của Israel.
Các tổ hợp này có thể sử dụng cả 2 loại tên lửa tiên tiến Derby và Python-5. Tuy nhiên, không rõ Việt Nam đã đặt mua phiên bản nào, tầm ngắn với cự ly xạ kích tối đa 20km (SPYDER-SR) hay tầm trung với cự ly xạ kích tối đa 50km (SPYDER-MR).
- 11/12/2008: Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận họ đã ký hợp đồng đặt mua tên lửa phòng không SPYDER của Israel và hủy bỏ chương trình nghiên cứu tên lửa Trishul nội địa.
Giá trị hợp đồng chưa được xác nhận cụ thể, tuy nhiên theo một số báo cáo có thể ở trong khoảng từ 260 tới 362 triệu USD.
Về phía Việt Nam, trong một bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cũng khẳng định Việt Nam đã đặt mua tên lửa SPYDER của Israel:
"Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân chủng PK-KQ hiện đại, những năm qua, quân chủng đã tích cực triển khai nhiều dự án nhằm cải tiến, nâng cao tuổi thọ và tính năng của các loại VKTBKT; đồng thời, từng bước đầu tư mua sắm các loại VKTBKT mới, hiện đại như tổ hợp radar cảnh giới ELM-2288/ER, đài radar cảnh giới 36D6, radar thụ động Kolchuga; tên lửa SPYDER, S-300PMU1, S-125-2TM; máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, Casa-295; hệ thống quản lý tình báo tự động VQ 98-01, VQ-1M, VQ-2...; phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội nghiên cứu, sản xuất radar RV-D1, VRS-S, VRS-W...".