Tên lửa Patriot chưa kịp tới Iraq, căn cứ Mỹ đã bị tấn công
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào hôm 10/3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) - Đại tướng Kenneth McKenzie cho rằng đã tới lúc Quân đội Mỹ nên triển khai các hệ thống phòng không có đủ sức mạnh răn đe tới Iraq, nhằm bảo vệ an toàn cho các căn cứ cũng như binh sĩ Mỹ đang hoạt động tại quốc gia này.
Cũng theo tướng McKenzie, kể từ tháng 5/2019, Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran (IRGC) cùng các lực lượng dân quân Iraq (PMU) được IRGC hậu thuẫn đã gia tăng các hoạt động quân sự gây nguy hiểm cho các căn cứ và binh sĩ Mỹ ở Iraq.
Binh sĩ Mỹ ở Iraq có an tâm hơn nếu họ được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không Patriot? Ảnh: Military Times.
Một trong số đó có thể kể tới các hoạt động do thám bằng máy bay không người lái (UAV) của PMU xung quanh các căn cứ của Mỹ và Iraq trong suốt thời gian qua. Cũng từ các hoạt động do thám này, PMU đã phát động nhiều cuộc tấn công bằng rocket nhằm vào Quân đội Mỹ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Chính vì lý do đó, Tư lệnh CENTCOM đề xuất Ủy ban Quân vụ Hạ viện sớm thông qua quyết định cho phép Lầu Năm Góc đưa các hệ thống phòng không tới Iraq, bởi Quân đội Mỹ ở Iraq không chỉ phải đối mặt với các cuộc tấn công từ PMU mà còn từ Iran.
Tướng McKenzie cũng thừa nhận một thực tế là lực lượng phòng không của Mỹ và đồng minh ở Iraq đang hoạt động kém hiệu quả, mà điều này xuất phát từ việc họ không được trang bị các hệ thống vũ khí thích hợp để ngăn chặn UAV cũng như các cuộc tấn công bằng rocket hoặc tên lửa có "nguồn gốc" từ Iran.
Tuy nhiên, tướng McKenzie lại không tiết lộ bất cứ thông tin nào về thời điểm cũng như loại tên lửa phòng không nào sẽ được triển khai tới Iraq.
Theo các chuyên gia quân sự để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran, Lầu Năm Góc hiện có khoảng 3 lựa chọn. Hai trong số đó là hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot khét tiếng, từng bắn hạ thành công các tên lửa đạo chiến thuật SCUD của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Tuy nhiên, thất bại của Patriot ở Saudi Arabia trước các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình của phiến quân Houthi đang khiến giới quan sát đặt ra nghi vấn liệu hệ thống phòng không này có thể cản được các tên lửa đạn đạo của Iran, vốn "thông minh" hơn tên lửa SCUD của Liên Xô trước đây.
Lựa chọn thứ hai là Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tuy nhiên việc Mỹ đưa THAAD đến Iraq là điều khó có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tùy chọn thứ ba giành cho Mỹ đó chính là hệ thống phòng thủ Iron Dome "Vòm sắt" của Israel, tuy nhiên Quân đội Mỹ không có sẵn Iron Dome và họ phải mua nó từ Tel Aviv. Lựa chọn này xem ra mất khá nhiều thời gian và không khả thi trong bối cảnh hiện tại.
Hệ thống phòng không Patriot là phương án khả thi nhất giúp Mỹ ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Ảnh: Quân đội Mỹ.
Điều đáng buồn là khi Lầu Năm Góc vẫn chưa quyết định được sẽ cử "chiến binh" nào tới Iraq thì, Quân đội Mỹ tiếp tục trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công bằng rocket của PMU, và đã có binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Theo thông báo chính thức của Quân đội Iraq, căn cứ liên hợp al-Taji nằm ở phía Bắc thủ đô Baghdad đã trúng ít nhất 10 quả rocket trong vụ tấn công vào tối ngày 11/3 (theo giờ địa phương). Được biết al-Taji là nơi đồn trú của liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq.
Trong một tuyên bố sau đó từ Washington, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận đã có ít nhất 2 binh sĩ Mỹ và một binh sĩ Anh thiệt mạng trong vụ tấn công ở al-Taji vào tối 11/3, ngoài ra còn có 12 binh sĩ khác bị thương.
Đây là vụ tấn công thứ 22 nhằm vào các lợi ích quân sự của Mỹ ở Iraq kể từ tháng 10 năm ngoái, như thường lệ các hệ thống phòng không của Mỹ và đồng minh trong khu vực gần như không thể đánh chặn những quả rocket trên.
Tên lửa Mỹ khiến Baghdad cảm thấy bất an?
Sau cuộc đối đầu căng thẳng bằng tên lửa giữa Mỹ và Iran trong tháng 1 vừa qua, chính quyền Baghdad đã có những bước đi cụ thể để giới hạn các hoạt động quân sự của Mỹ bên trong lãnh thổ của mình. Mà đỉnh điểm có thể nói tới việc Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này.
Căn cứ không quân Ain al-Asad của Mỹ ở tỉnh Anbar, Iraq, tan hoang sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran hôm 8/1. Ảnh: Reuters.
Đáp lại Washington tuyên bố sẽ không rút quân cũng như giới hạn các hoạt động quân sự ở Iraq đồng thời còn gửi thêm quân đến quốc gia Trung Đông này. Không những thế chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa phong tỏa các tài khoản của Ngân hàng trung ương Iraq tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nơi Baghdad lưu giữ nguồn doanh thu từ dầu mỏ.
Sự kiện trên đã buộc Iraq phải xuống nước và hoãn vô thời hạn yêu cầu Mỹ rút quân. Ở thời điểm hiện tại mà nói chính quyền Baghdad đang nằm trong sự kiểm soát của Washington do đó việc Lầu Năm Góc có triển khai thêm quân hay bất cứ loại vũ khí mới nào đến quốc gia này không phải là vấn đề gì đó quá lớn.
Tuy nhiên, hành động trên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc Mỹ đặt một hệ thống phòng không đủ mạnh ở Iraq sẽ tạo ra mối đe dọa sát sườn cho Iran, mà điều này có thể đẩy Baghdad vào một cuộc đối đầu quân sự mới mà họ không hề mong muốn.
Được biết, Quân đội Mỹ hiện có khoảng 5.300 quân đồn trú tại Iraq sau khi lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 2003.
Cảnh quay được người dân ghi lại về cuộc không kích của Mỹ vào mục tiêu dân quân thân Iran tại tỉnh Anbar, Iraq.