Trong cuộc phỏng vấn với đài RT, Stanislav Krapivnik - cựu sĩ quan Lục quân Mỹ - đã thảo luận về cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo phi hạt nhân siêu vượt âm tầm trung Oreshnik của Nga vào một cơ sở tên lửa và quốc phòng ở TP Dnipro, Ukraine hôm 21-11.
“Trước hết, động thái này gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ tới Mỹ. Chính ông Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung, một loại tên lửa có thể vươn tới châu Âu. Điều thú vị nằm ở chỗ châu Âu không phản đối gì chuyện này” - ông Krapivnik nói.
Theo ông Krapivnik, vào thời điểm đó, Mỹ đã phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung của riêng mình và quyết định rút khỏi hiệp ước với lý do Nga đang xây dựng loại vũ khí này.
“Nga đã thay đổi quan điểm và phát triển một loại tên lửa tương đối nhanh chóng. Không phải loại nào khác, mà chính là tên lửa siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ March 10. March 10 đồng nghĩa với 3km/giây, mắt người không thể bắt kịp tốc độ này” - ông Krapivnik giải thích.
Các khả năng kỹ thuật chính xác của tên lửa mới này vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, ông Krapivnik ước tính Oreshnik có tầm bắn ít nhất 3.000 km và có thể mang nhiều đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV).
"Phần đỉnh sẽ mở ra, và các phương tiện lướt tách ra, di chuyển với tốc độ khoảng Mach 10. Không phải tất cả đều mang đầu đạn hạt nhân, vì nhiều chiếc thường được sử dụng làm mồi nhử. Điều này buộc hệ thống phòng thủ phải lựa chọn và xác định mục tiêu" - cựu sĩ quan chia sẻ.
Theo Điện Kremlin, Moscow đã thông báo cho Washington 30 phút trước vụ tấn công thông qua một đường dây liên lạc thiết lập với mục đích giảm thiểu rủi ro xung đột hạt nhân.
Ông Krapivnik cho rằng dù Mỹ có chuyển ngay cảnh báo trước cho Ukraine, Kyiv vẫn không thể đoán chắc chuyện gì sẽ xảy ra.
"Đây là lần đầu tiên chứng minh khả năng của loại tên lửa này" - ông nói. "2 năm trước, Mỹ và phương Tây thậm chí còn không tin Nga có tên lửa siêu thanh. Điều này cho thấy họ không hiểu gì về nền kinh tế và khả năng quân sự của Nga".