Tên lửa nội địa khiến Ấn Độ lo nếu bị biển xe tăng TQ tấn công: Chậm 10 năm, giá trên trời

Tuấn Sơn |

Các nhà khoa học Ấn Độ tuyên bố đã hoàn thành phát triển thử nghiệm tên lửa chống tăng có điều khiển mang tên Nag, nhưng Lục quân nước này lại vừa lạnh lùng đưa ra yêu cầu mới.

Lục quân Ấn Độ ra yêu cầu mới

DefenseNews dẫn nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, Lục quân nước này - vừa yêu cầu tên lửa chống tăng nội địa thế hệ mới mang tên Nag cần phải được thử nghiệm thêm trước khi chấp thuận đưa vào sản xuất hạn chế, bất chấp tuyên bố của các nhà khoa học rằng mọi công tác thử nghiệm đã hoàn tất.

"Giai đoạn phát triển thử nghiệm tên lửa chống tăng Nag đã được hoàn tất hồi đầu tháng 9 và chỉ được ghi nhận thành công bước đầu, và còn cần phải thực hiện thêm rất nhiều thử nghiệm nữa bởi chính những người sử dụng" một quan chức Lục quân Ấn Độ nói.

"Việc bắn đạn thật nghiệm thu ở cả những vùng khí hậu nóng và lạnh đối với tên lửa Nag sẽ còn phải mất hơn 1 năm nữa mới hoàn thành, sau đó, chúng mới được coi là sẵn sàng đưa vào sản xuất loạt", vị này cho biết thêm.

Rõ ràng, Lục quân Ấn Độ rất lạnh lùng, nhưng logic, không thể chấp nhận sản phẩm chưa được thử nghiệm đầy đủ, nhất là bởi chính những người lính trên sa trường. Chỉ có họ mới đánh giá chính xác được liệu tên lửa chống tăng "hàng nhà trồng" có đáp ứng được yêu cầu chiến đấu hay không.

Thà chậm mà chắc còn hơn là nhận hàng nghìn quả tên lửa vào biên chế rồi đến lúc hữu sự mới phát hiện ra chúng chẳng có giá trị gì cả.

Tên lửa nội địa khiến Ấn Độ lo nếu bị biển xe tăng TQ tấn công: Chậm 10 năm, giá trên trời - Ảnh 1.

Một chuyên gia thuộc phòng nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ giới thiệu với các sinh viên về cơ chế vận hành chiến đấu của Nag, hệ thống tên lửa chống tăng thứ 3 do nước này tự chế tạo vào ngày 11/05/2005. Ảnh: Mustafa Quraishi/AP.

Vừa chậm, vừa đắt: Lục quân - Không quân Ấn Độ bức xúc

Chưa hết, Lục quân Ấn Độ còn cho rằng giá thành của tên lửa Nag quá cao, mỗi quả có thể lên tới nửa triệu USD, gấp tới hơn 2 lần tên lửa Spike của Israel hay Javelin của Mỹ, một quan chức Lục quân khác bình luận.

Các cảm biến ảnh nhiệt của tên lửa Nag được mua từ Công ty Rafael (Israel) và Thales (Pháp), được cho là một nguyên nhân quan trọng khiến giá thành của chúng cao chót vót.

Vị sĩ quan này còn tiết lộ thêm rằng các cảm biến ảnh nhiệt được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và phát triển Nhà nước Ấn Độ (DRDO) vẫn không đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, Lục quân Ấn Độ có kế hoạch nêu rõ nhu cầu đặt mua khẩn cấp 2.000 quả tên lửa chống tăng Nag trong ngắn hạn, và về dài hạn là 8.000 quả. Tuy nhiên, cơ quan phụ trách mua sắm sẽ chỉ đặt hàng 500 quả trong 1 năm, và việc sản xuất loạt chỉ được tiến hành theo từng giai đoạn.

Được biết, tên lửa chống tăng Nag sẽ được cung cấp bởi nhà sản xuất tên lửa độc quyền của Ấn Độ - Công ty TNHH quốc doanh Bharat Dynamics.

Tính đến nay, loại tên lửa này mới chỉ được thử nghiệm trên một khung gầm xe thiết giáp, là phiên bản đặc biệt do Ấn Độ sản xuất dựa trên dòng xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga.

Dự án chế tạo tên lửa Nag đã bị trì hoãn tới hơn 10 năm, và Chính phủ Ấn Độ đã quyết định nhập khẩu một lượng lớn tên lửa chống tăng vác vai Spike từ Công ty Rafael Advanced Defense Systems (Israel), một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Tên lửa nội địa khiến Ấn Độ lo nếu bị biển xe tăng TQ tấn công: Chậm 10 năm, giá trên trời - Ảnh 2.

Tên lửa chống tăng Spike của Israel.

Động thái này được cho là hợp lý, hợp thời trước bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt.

Mặc dù không ai muốn, nhưng một khi xảy ra xung đột, đứng trước biển xe tăng của Trung Quốc, Lục quân Ấn Độ cần phải có những vũ khí đặc trị. Nếu không, họ có thể không trụ vững nổi trước những cỗ xe bọc thép hạng nặng của quốc gia láng giềng đang dàn hàng ngang tiến đến.

Trong khi đó, việc phát triển phiên bản phóng từ trên không của tên lửa chống tăng Nag có tên Helina hiện vẫn mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi. Khách hàng của chúng - Không quân Ấn Độ sẽ phải mua tên lửa chống tăng có điều khiển trang bị cho trực thăng nếu họ không muốn chờ tên lửa "nhà trồng được", quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ này nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại